Mới đây, PLVN có bài viết phản ánh ông Nguyễn Hữu Tâm (SN 1961, Giám đốc Cty TNHH Hữu Tâm, trụ sở số 136, QL 30, phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho rằng bị TAND Cao Lãnh “ngâm tôm” vụ kiện, cố tình bắt giữ nguyên hiện trường 10 cây cọc sắt gỉ, gây khó khăn cho việc kinh doanh của ông.
Trước đó, ông Tâm có ký hợp đồng nhờ một thợ sắt lắp hệ thống ròng rọc kéo cáp để chuyển hàng. Tuy nhiên, người thợ này sau đó làm không đạt yêu cầu, bỏ lại 10 cây cọc sắt và… kiện ông Tâm.
Người thợ còn đòi tòa đình chỉ thực hiện hợp đồng giữa hai bên với lý do ông Tâm “cố tình đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng”; đòi ông Tâm trả 590 triệu; đòi ông Tâm trả 22 triệu tiền máy móc, dụng cụ mà “ông Tâm đã chiếm giữ”.
Ông Tâm không chấp nhận, muốn nguyên đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng, dựng lại hệ thống ròng rọc kéo cáp chuẩn cho ông; hoặc tòa tuyên hợp đồng hai bên vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nguyện vọng lớn nhất của ông là tòa sớm cho dẹp 10 cây cột sắt gỉ này đi, để ông nhờ công ty “xịn” thiết kế cho ông hệ thống khác, giải phóng nhân công khuân vác dùng vào việc khác.
Thế nhưng, ông Tâm cho rằng TAND Cao Lãnh đã không chấp nhận yêu cầu chính đáng của ông, mà còn cố tình kéo dài vụ án, vi phạm tố tụng như không tống đạt một số văn bản giấy tờ cho ông.
Sau khi PLVN có bài viết “Quyết định của tòa khiến DN phải làm việc “kiểu 0.4”: Nhiều dấu hiệu vi phạm của Tòa án Cao Lãnh” vào ngày 20/7, đến ngày 24/7, TAND TP Cao Lãnh đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời gian xét xử dự kiến là ngày 21/8.
Sau khi có bài viết trên PLVN, TAND TP Cao Lãnh đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 21/8 tới đây. Điều đặc biệt hơn nữa, UBND phường 2 đã có thư xin lỗi gửi ông Tâm.
Nội dung thư có đoạn: “Qua rà soát, kiểm tra thông tin về việc tống đạt niêm yết văn bản Quyết định 04/2020/QĐ-GQKN ngày 10/6/2020 của TAND TP Cao Lãnh, UBND phường thành thật xin lỗi ông Nguyễn Hữu Tâm về sai sót của Ban Nhân dân khóm vì đã ký xác nhận biên bản niêm yết tại nơi cư trú của đương sự và ký biên bản không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Văn phòng thừa phát lại; trong khi cá nhân được tống đạt không thuộc địa bàn khóm quản lý và không trực tiếp chứng kiến vụ việc”.
Theo giải thích của ông Tâm: “Văn bản này là chứng cứ rõ ràng cho thấy TAND Cao Lãnh đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về tống đạt giấy tờ cho đương sự”.
Một vấn đề đáng lưu ý khác, một nguồn tin của PLVN cho hay sau khi PLVN có bài viết, TAND Tối cao đã yêu cầu TAND TP Cao Lãnh giải trình và hiện nay thẩm phán thụ lý vụ án đang thực hiện việc giải trình.
Nguyên đơn “chạy làng” bỏ lại đống sắt gỉ rồi kiện ông Tâm đòi trả tiền |
Nhằm làm rõ, có thông tin khách quan, đa chiều hơn về những phản ánh của ông Tâm, ngày 12/8, PV đã làm việc với TAND TP Cao Lãnh. Chánh Văn phòng TAND TP Cao Lãnh cho biết: “Chánh án phân công một Phó chánh án tiếp và trả lời PV. Tuy nhiên, do Phó Chánh án đang bận xét xử nên hẹn PV vào ngày khác”. Chánh Văn phòng đề nghị PV để lại nội dung làm việc để trình với Phó chánh án.
PV đã nêu 4 vấn đề trọng tâm về nội dung vụ án và một số dấu hiệu vi phạm tố tụng của thẩm phán thụ lý.
Thứ nhất, đến nay vụ án có 3 lần tạm đình chỉ, theo ông Tâm lý do tạm đình chỉ không đúng luật; không tống đạt, niêm yết theo đúng tố tụng; và việc tạm đình chỉ sau khi đã hết thời hạn đưa vụ án ra xét xử là chưa đúng luật.
Thứ hai, trước đây, thẩm phán đã thực hiện thẩm định tại chỗ về khối lượng và chất lượng công trình. Sau đó, có yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc giám định chất lượng và khối lượng. Tuy nhiên, cơ quan giám định thực hiện giám định khối lượng nhưng thẩm phán không có ý kiến đề nghị bổ sung.
Mãi đến 1 năm sau, thì lại “xét thấy việc giám định chất lượng là cần thiết để giải quyết vụ án” nên thẩm phán đã ra quyết định trưng cầu giám định chất lượng. Việc kiểm sát của thẩm phán khiến thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây bức xúc cho các đương sự.
Thứ ba, sau khi có thẩm định tại chỗ, giám định khối lượng, ông Tâm xin phép tháo dỡ công trình để làm công trình khác nhằm phục vụ cho việc kinh doanh, sản xuất nhưng bị tòa ngăn chặn. Tại sao không tạo điều kiện cho ông Tâm về vấn đề này để tiện kinh doanh sản xuất?
Thứ tư, hiện nay, việc giám định chất lượng không thành thì việc tiến hành xét xử vào ngày 21/8 có đảm bảo hay không?
Ngày 31/7/2020, ông Tâm cũng đã có cuộc làm việc với ông Phan Văn Cường, Viện trưởng VKSND TP Cao Lãnh. Tại cuộc làm việc, ông Tâm đề nghị VKS làm rõ nghi vấn những quyết định khống và vi phạm tố tụng của tòa; đề nghị VKS kiểm sát chặt chẽ quá trình tố tụng của tòa; đề nghị TAND Cao Lãnh sớm đưa vụ án ra xét xử… Ông Cường cho biết: “Tất cả những nội dung trên VKS ghi nhận xem xét làm rõ giải quyết theo quy định”.