Sau cơn mưa trời lại sáng

(PLVN) - Sau bao khó khăn do đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy được khả năng biến nguy thành cơ trong vô vàn thử thách. Đó còn là tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã tạo nên một sức mạnh Phù Đổng, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ.

Dám nghĩ, dám làm, làm có hiệu quả

Khó có thể kể hết những tổn thất nặng nề về kinh tế và cả những mất mát, đau thương do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho dân tộc Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta đã có hơn 1,6 triệu người mắc COVID-19, dịch bệnh cũng cướp đi sinh mạng của gần 24.000 đồng bào. Rồi mai kia, dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng chúng ta không được phép quên: có một thời dân tộc Việt Nam đã gánh chịu những mất mát lớn lao và cũng vô cùng can trường, anh dũng. Triệu triệu người dân “muôn người như một” cùng nhau đoàn kết vượt qua hoạn nạn và khẳng định ý chí vươn lên để kiến tạo cuộc sống mới, như tinh thần của người Việt Nam: “Chớ than phận khó ai ơi!/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Tinh thần này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi gọi điện thăm hỏi, động viên Đảng bộ và đồng bào TP Hồ Chí Minh trong thời điểm thành phố căng mình chống chọi với đại dịch: “Đã cố gắng phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng phải quyết tâm cao hơn nữa”. Người đứng đầu Đảng ta cũng căn dặn, phải xem chống dịch là một thử thách cực kỳ lớn, thử thách bản lĩnh của toàn hệ thống chính trị cũng như với nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Phải dám nghĩ, dám làm, làm có hiệu quả…

Còn nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính thì đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp; đây cũng là thời điểm Chính phủ và doanh nghiệp cần tăng cường quan hệ đối tác công - tư để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”… Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2020 Việt Nam thiệt hại khoảng 161,4 nghìn tỷ đồng; năm 2021 khoảng 345,9 nghìn tỷ; cả 2 năm 2020-2021, Việt Nam thiệt hại ước khoảng 37 tỷ USD… Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của nhân dân mà sau hơn 2 tháng triển khai chủ trương chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời; nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc. “Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh khi phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, diễn ra vào tháng 12 vừa qua.

Tự tin biến nguy thành cơ

Trong công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, Quốc hội cũng luôn đồng hành cùng Chính phủ, không phân biệt “việc anh, việc tôi”, với mục tiêu cao nhất là tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân; nhân dân là trên hết, trước hết.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong hai năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, chúng ta đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế.

Phát biểu tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, diễn ra vào đầu tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt khi biến thể mới lại xuất hiện, vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá, phối hợp linh hoạt chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp… “Chúng ta cần tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Nhiều diễn giả cũng khuyên chúng ta phải lạc quan, tự tin; tự tin vào chính mình, vào dân tộc mình, vào khả năng biến nguy thành cơ, trong việc tìm kiếm cơ hội đầy rẫy những khó khăn, thách thức… Tôi tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng và rực rỡ hơn. Hãy biến COVID-19 thành cơ hội của chúng ta!” - Chủ tịch Quốc hội tin tưởng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021 cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45% trong tháng 11 (so với tháng trước). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký được phục hồi...

Những kết quả trên thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam, sự điều hành sáng suốt, linh hoạt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên tinh thần “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba”, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Điều đó cũng khẳng định Chính phủ và Quốc hội luôn đổi mới, sáng tạo, nói đi đôi với làm, thực hiện đúng lời hứa trước cử tri và nhân dân.

Đọc thêm