Sâu lắng những khúc ca về người chiến sĩ biên cương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong kho tàng những bài hát Việt hay và được yêu thích nhất, có một phần không thể thiếu là những ca khúc viết về người lính nơi biên cương Tổ quốc.
Phút giải lao văn nghệ của bộ đội Trường Sa.
Phút giải lao văn nghệ của bộ đội Trường Sa.

Nghĩ về người lính biên cương, không hiểu sao trong tôi lại vang vọng âm hưởng vui tươi, hào hùng của bài “Hát về anh” do nhạc sĩ Thế Hiển sáng tác. “Một ba lô, cây súng trên vai. Người chiến sĩ quen với gian lao. Ngày dài đêm thâu, vẫn có những người lính trẻ. Nặng tình quê hương, canh giữ yên miền đất Mẹ.”

Hình ảnh người lính trẻ không quản gian nguy, vô tư tận hiến, dâng trọn tuổi đời thanh xuân bảo vệ biên giới đất nước gieo vào lòng ta nỗi xúc động, tự hào, giản dị và thân thương biết bao nhiêu!

Tình yêu người lính (ảnh minh họa).

Tình yêu người lính (ảnh minh họa).

Cùng với dòng chảy thời gian, khắp chiều dài lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ Tổ quốc đều có những ca khúc viết về người chiến sĩ biên cương. Nhưng có lẽ sâu lắng nhất, tươi trẻ và lãng mạn nhất là những tình khúc nhạc trẻ viết về tình yêu của người lính.

Hãy nghe âm hưởng lãng mạn, dạt dào như trái tim nao nức trước tình yêu của người lính biên phòng trong tình khúc “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang (lời thơ Đặng Ái): "Nếu em lên biên giới em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ/ Chờ em nên tím ngát bồi hồi...".

Hay như lời ca thắm đượm tình yêu Tổ quốc, tình quân dân trong bài “Chiều biên giới”, nhạc Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn: "Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta.../ Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn/ Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở/ Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây/ Muôn tỏa ngát hương bay/ Chiều biên giới em ơi!/Nhớ bao điều thân thương/ Đôi ta cùng chiến hào/ Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta".

Hình ảnh người chiến sĩ biên cương là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm điện ảnh.

Hình ảnh người chiến sĩ biên cương là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm điện ảnh.

Viết về người chiến sĩ biên cương, thì phần lãng mạn nhất, sâu lắng và trữ tình nhất là những bản tình ca về mùa xuân biên giới, về tình yêu người lính canh giữ tuyến đầu. Có điều, những tình khúc đắm say, nồng nàn mà hào sảng, bao la đó không còn là tình yêu nam nữ thuần túy mà còn mang tầm vóc vĩ đại của tình yêu đất nước.

Hãy hòa cùng không khí náo nức mùa xuân của tình yêu người lính trong “Tình ca mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn: “Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy/ Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi, vui như ngày hội/ Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa..."

Và không gian thấm đẫm xuân tình của “Tình ca mùa xuân” khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến một bản tình ca tương tự - “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những lời ca từ ngọt lịm nhưng lại dạt dào cảm xúc khỏe khoắn vì được dâng hiến sức trẻ thanh xuân cho đất nước: “Khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới. Cô gái vào ca ba. Họ tạm xa những ngày qua, cùng thiết tha thầm nhớ. Họ vững tin rồi mùa xuân cũng quay về. Ôi hạnh phúc cô thợ ấy, đơn sơ mà thắm nồng! Tình yêu của người lính: lắng sâu nhưng cháy bỏng. Tạm biệt rồi, vẫn đọng những nụ hôn…”

Hình ảnh đẹp về anh bộ đội cụ Hồ giúp dân gặt lúa chạy lũ.

Hình ảnh đẹp về anh bộ đội cụ Hồ giúp dân gặt lúa chạy lũ.

Vậy đó, với người chiến sĩ biên cương thì tình yêu đôi lứa cũng gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Hãy nghe những tâm tình của người lính biên cương ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt gửi người yêu ở quê nhà cuối sông Hồng: “Thấy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ/ Biết là anh nhớ về em đó/ Là chiến công/ Là niềm tin/ Là tình yêu/ Ta gửi cho nhau...”

Yêu thương và tự hào nhiều lắm về những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, người con của nhân dân, anh lính cụ Hồ. Và chúng ta đã hiểu vì sao được khoác trên mình màu xanh áo lính luôn là niềm khát vọng của bao thế hệ trẻ.

Như những vần thơ hào sảng mà Tố Hữu đã viết:

“Nếu lịch chọn ta làm điểm tựa

Vui gì hơn làm người lính đi đầu

Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa...”

* (Bài đăng trong số Chuyên đề đặc biệt "Người lính biên cương")

Đọc thêm