Sau lũ, thấm đượm nghĩa tình đồng bào

(PLVN) - Mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của 9 người ở Nghệ An. Trong đó, có người phụ nữ cùng lúc chịu nỗi đau mất chồng và anh trai. Mưa lũ khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và sập đổ hoàn toàn. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Nhưng, trong tình cảnh khó khăn, nhiều đoàn cứu trợ đã hướng về bà con vùng lũ Nghệ An. Những hành động của họ đã thắp lên ngọn lửa tình đoàn kết, sẻ chia lan tỏa trong cộng đồng. 
Lực lượng công an Nghệ An khắc phục hậu qua sau mưa lũ.
Lực lượng công an Nghệ An khắc phục hậu qua sau mưa lũ.

Người phụ nữ trẻ cùng lúc mất chồng và anh trai

Những ngày này, căn nhà nằm sát đồi ở xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) chìm trong đau thương. Bà con lối xóm ai cũng thương tiếc trước sự ra đi của anh Nguyễn Văn Quảng (26 truổi). Chỉ vì cứu người chú bị đuối nước mà anh và một người khác đã mãi mãi nằm lại dưới dòng nước đục lạnh lẽo. 

Trưa ngày 30/10, anh Quảng cùng anh Trần Công Thế (25 tuổi, ngụ xã Thanh An, huyện Thanh Chương – là anh vợ của Quảng) đi xe máy qua xã Thanh An thì gặp người chú đi xe ngược chiều. Không may, chú ruột của Thế rơi xuống nước. Phát hiện sự việc, Thế và Quảng vội lao xuống dòng nước để cứu người thân.

Tuy nhiên, do trên người đang mang áo mưa nên khi đẩy chú ruột vào được một đoạn thì nước lũ đã cuốn hai thanh niên dũng cảm mất tích. Riêng chú ruột của Thế được người đi đường dùng dây ứng cứu, kéo thoát nạn vào bờ an toàn.

Cái chết của người chồng trẻ để lại nỗi đau tột cùng cho chị Trần Thị Hằng (22 tuổi) và đứa con mới hơn 1 tuổi. Góa phụ trẻ chỉ biết ôm chặt lấy đứa con nhỏ gọi khóc tên chồng. Chỉ trong chốc lát, chị vừa gánh nỗi đau mất chồng, vừa phải chịu tang anh trai. Đó là nỗi đau quá sức đối với người phụ nữ trẻ. 

Nhiều đoàn từ thiện vượt lũ mang nhu yếu phẩm chia sẻ khó khăn với bà con.
Nhiều đoàn từ thiện vượt lũ mang nhu yếu phẩm chia sẻ khó khăn với bà con.  

Chị Hằng là một trong số những nạn nhân mất người thân vì mưa lũ ở Nghệ An. Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An, trận mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường khiến toàn tỉnh có hơn 15 nghìn ngôi nhà bị ảnh hưởng. Trong đó, 13.573 ngôi nhà bị ngập, 13 căn nhà sụp đổ hoàn toàn. 

Lực lượng chức năng phải di dời hơn 7.000 hộ dân bị ngập và ảnh hưởng của sạt lở đất. Đặc biệt, mưa lũ đã làm 9 người chết. Trong đó, huyện Anh Sơn có 3 em Nguyễn Trọng Huy (15 tuổi, trú xã Lĩnh Sơn), em Vi Bảo Tuấn (13 tuổi, trú xã Phúc Sơn) và em Lê Thị Thanh Tâm (8 tuổi, trú xã Tào Sơn); huyện Nam Đàn có 2 người là Trần Thị Đức (1991, trú xã Khánh Sơn), em Phạm Văn Phúc (2003, trú xã Nam Thanh)…

Thanh Chương là địa phương bị ngập lụt nặng nề nhất. Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, hiện tại nước đã rút nhưng nhưng một số xã ở vũng trũng thấp như: Thanh Tùng, Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Hà, Thanh Long…vẫn bị ngập sâu và cô lập. 

Trong đó, Thanh Mỹ được xem là vùng bị ngập lụt nặng nề của huyện Thanh Chương. Trận lũ vừa qua đã làm 800 ngôi nhà chìm trong nước, hơn 300 gia đình phải sơ tán đến nơi cao ráo. Trong đó, có những hộ dân xác định “một chết hai sống” nên quyết định bỏ của chạy lấy người. Đến nay, nước cơ bản rút, tuy nhiên một số tuyến giao thông vẫn đang bị chia cắt bởi sạt lở, gây xói mòn.

Bộ đội, công an là lực lượng nòng cốt giúp dân dọn dẹp, ổn định cuộc sống sau lũ.
Bộ đội, công an là lực lượng nòng cốt giúp dân dọn dẹp, ổn định cuộc sống sau lũ.   

Cũng tại huyện Thanh Chương, câu chuyện chàng thanh niên trẻ 9X mất 10.000 con gà chỉ sau 1 đêm vì nước dâng khiến nhiều người xót xa. Sau nhiều năm lặn lội mưu sinh, năm 2016, Nguyễn Duy Điệp (28 tuổi, ngụ xã Thanh Phong) quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà. Từ vài trăm, rồi đến một ngàn con, những đàn gà cứ thế lớn nhanh, khỏe mạnh qua đôi tay chăm sóc của anh Điệp. 

Đầu năm 2020, chàng trai trẻ quyết định làm ăn lớn khi mua 15.000 gà giống về nuôi, tận dụng đất trống trong trang trại nuôi thêm 5.000 con cá chim. Cuối tháng 10 khi gà gần đạt trọng lượng xuất chuồng, thì nước lũ đã cuốn phăng tất cả. Theo đó, tối 29/10, khi nước lũ ập về bao phủ trại gà, anh Điệp vội huy động người thân ra kê cao chuồng trại tránh lũ. Nhưng mọi nỗ lực của nỗ lực của anh Điệp chẳng thu được kết quả bởi không lâu sau thì nước ngập sâu nửa chuồng gà. Anh chỉ kịp cứu được 5.000 con gà, số còn lại chết sạch.

Mưa lớn kết hợp với việc các thủy điện xả lũ khiến các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành…bị ảnh hưởng. Tại huyện Hưng Nguyên, 7 xã vùng dọc sông Lam và 3 xã vùng trũng bị ngập sâu khiến 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 người bị cô lập. Hàng nghìn con gia cầm bị chết, hơn 1.000 ha diện tích rau màu vụ đông và cá chuyên canh, cá vụ 3 bị ngập sâu trong nước, thiệt hại rất lớn. Còn huyện Yên Thành, do mưa lớn những ngày qua, nước từ sông Vũ Giang và Biên Hòa dâng cao khiến 29 xã trên địa bàn bị ngập nước. Có những khu dân cư, nước ngập sâu trên 2m…

Nghĩa tình đồng bào sâu nặng

Sau khi thông tin nhiều nhà dân ở Nghệ An bị ngập lụt được chia sẻ trên báo đài, mạng xã hội nhiều đoàn thiện nguyện của các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã hướng về bà con vùng lũ Nghệ An. Đó là những chuyến xe tải chở lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết vào vùng lũ. Trong đó, có những vùng vừa bị ngập lụt ở Hà Tĩnh, sau khi biết Nghệ An mưa lũ họ đã sẵn sàng sẻ chia những thùng mì tôm, bao gạo để ủng hộ đồng bào.

Những chuyến xe nghĩa tình như một lời tri ân của bà con Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua gửi đến bà con Nghệ An. Bởi với họ, hình ảnh người dân Nghệ An thức đêm gói bánh chưng, chuyển các nhu yếu phẩm vào Hà Tĩnh, Quảng Bình thực sự rất xúc động. Giờ đây, dù chưa kịp gượng dậy sau lũ, nhưng với nghĩa tình đồng bào sâu nặng, họ đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ bà con các tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai bằng những việc làm thiết thực, ấm áp.

Bên cạnh hỗ trợ về mặt vật chất, Công an các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn... các lực lượng quân đội như BĐBP Nghệ An, Quân Khu IV đã cử lực lượng về giúp các trường học, bà con dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngày 1/11, ông Lê Thành Đông – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm trưởng đoàn đã có mặt tại Tỉnh đoàn Nghệ An để hỗ trợ 1 xuồng máy, 1 ca nô, 100 phần quà gồm các loại nhu yếu phẩm cho bà con nhân dân vùng bị ngập lụt. 

Nước rút cũng là thời điểm nhiều ngôi nhà ngập chìm trong bùn, đất. Để người dân sớm sớm ổn định cuộc sống, nhiều đoàn thể, lực lượng công an đã về tận thôn xã làm công tác dọn dẹp. Họ không khỏi xót xa khi nghe cụ bà gần 70 tuổi vừa nhìn ngôi nhà tang hoang của mình, vừa mếu máo nói: Từ trận lũ lịch sử năm 1978 đến nay tôi mới thấy lũ lên cao như vậy. Nước lên cả mét, tôi vội vàng lên ủy ban xã tránh trú, khi trở về thì nhìn nhà cửa tan hoang.

Ông Hoàng Phạm Thọ - Chủ tịch xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương cho biết: Những ngày qua, xã Thanh Mỹ cũng được nhiều đoàn cứu trợ vào phát nhu yếu phẩm, lương thực cho bà con. Xã cũng đã phối hợp với các lực lượng, các nhà hảo tâm khảo sát, phân bổ và trao mì tôm, sữa, nước sạch... cho các hộ gia đình bị ngập nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Ông Thọ cám ơn tấm lòng thiện nguyện của các đoàn thể trong và ngoài tỉnh đã giúp đỡ người dân lúc khó khăn. Trong hoạn nạn, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng dày thêm bởi những nghĩa cử ấm áp, cao đẹp.

Đọc thêm