Nhiều năm trong nghề, vị đại diện viện kiểm sát nhân dân TP HCM (giấu tên) vẫn còn nhớ như in phiên tòa mà ông giữ quyền công tố 4 năm trước, khi anh Thành (45 tuổi, ở Hà Nội) tranh quyền nuôi con với vợ cũ. “Ở tòa, anh ta tỏ vẻ mình người là giàu, có địa vị xã hội để được nuôi con. Nhưng khi hội đồng xét xử hỏi về sự quan tâm, cách chăm sóc con, anh ta cứ đánh trống lảng, nên không được chấp nhận”, vị công tố viên kể lại.
Anh Thành và chị Vân (42 tuổi ở quận 8, TP HCM) ra tòa ly hôn năm 2008. Chị Vân được quyền nuôi con trai. Anh Thành ra Hà Nội sống cùng bạn gái. Dù ở cách xa cả ngàn cây số, nhưng bé Minh vẫn đong đầy tình cảm của bố.
Ba năm sau, bé Minh vào lớp 5. Kỳ nghỉ hè, anh Thành bảo đón con ra nhà nội chơi hai tuần và không trả lại. Suốt mấy tháng liền, anh thay đổi chỗ ở liên tục, chuyển con qua nhiều trường học để cắt đứt liên lạc của bé với mẹ.
Anh Sơn cho biết đã rất ghen tỵ và tức giận khi chị Nguyệt lấy chồng, vì thế, quyết giành quyền chăm bé Tuấn cho bõ tức, vì biết chị rất thương và xót con. Ảnh: P.T
Dù việc kinh doanh lúc đó đang gặp khó khăn, chị Vân vẫn gác lại, ra Hà Nội thuê phòng trọ ở và đi tìm con trai. Mất hơn ba tháng tìm kiếm, chị mới được gặp con trong tình trạng sốt cao, viêm phổi và có dấu hiệu trầm cảm vì bị người tình của ba đánh.
“Nhìn những vết bầm tím trên người thằng bé, tôi giận vô cùng. Anh ta không chăm sóc được thì tại sao cố tình giành để người ta đánh con”, chị Vân nói trong nước mắt và cương quyết đưa con về. Anh Thành sau đó ra tòa đòi quyền nuôi con.
Bị bác yêu cầu lần đầu, anh Thành kháng cáo. Tại phiên xử hồi tháng 10/2014 diễn ra ở TAND TP HCM, anh Thành cho biết đã có công ty riêng, xe ôtô đi lại, công việc thu nhập cao, vì thế đủ điều kiện lo cho bé Minh một tương lai tốt.
Chủ tọa hỏi: “Liệu khi đưa con về sống cùng, anh có để xảy ra tình trạng như cũ?”. Im lặng một lúc lâu rồi anh lập luận: “Tôi với bạn gái đã nói chuyện với nhau rồi. Cô ấy hứa không đánh cháu nữa”. Do anh Thành không thể hiện được sự quan tâm bằng tinh thần với con nên tòa vẫn trả con về cho người mẹ. Chị Vân cũng không yêu cầu anh Thành cấp dưỡng nữa.
Vị công tố viên cho biết, không chỉ anh Thành mà trong thực tế, có rất nhiều ông bố kinh tế không có, chỗ ở nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh, không trực tiếp nuôi nhưng vẫn kiện ra tòa đòi con. Nguyên nhân là do họ muốn thể hiện mình và làm vậy để chọc tức người còn lại. Cũng có người làm thế chỉ vì không muốn đưa tiền cấp dưỡng cho vợ cũ.
Dù không chăm con từ nhỏ, nhưng thấy vợ cũ lấy người khác, anh Sơn (quận Tân Bình, TP HCM) yêu cầu được đổi quyền nuôi. Sau hơn một năm, với ba phiên xử, anh cũng được chấp nhận vì tòa căn cứ vào việc chị Nguyệt đã có gia đình mới, không đảm bảo tình thương cho con trai.
Đón con trai về, nhưng anh Sơn cho con ở với chị gái, còn mình thì chuyển đến sống cùng người tình. Ở nơi mới, bé Tuấn không chỉ phải nghỉ học mà còn bị đánh đập. Nghe con tâm sự, chị Nguyệt đã nhờ chính quyền can thiệp để được đón về.
Anh Sơn đồng ý giao con và cho biết, vì mình và bạn gái đang đi thuê trọ, kinh tế còn khó khăn nên không thể để con sống cùng. “Ban đầu tôi nghĩ, con ở với cha dượng sẽ khổ, mình là bố thì phải thể hiện được quyền. Nhưng giờ tôi sai rồi”, anh Sơn tâm sự.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho biết, việc giành quyền nuôi con thì phải đặt quyền lợi của con lên hàng đầu. Tuy nhiên, rất nhiều người chỉ vì ích kỷ cá nhân đã làm điều ngược lại, gây ra nhiều hệ lụy cho con trẻ.
"Luật hôn nhân quy định, trường hợp, nếu thấy con ở với người kia không đảm bảo thì cha hoặc mẹ có quyền thay đổi yêu cầu. Họ phải chứng minh được lý do thay đổi. Nếu đứa trẻ từ 7 đến dưới 18 tuổi, trước khi giao cho cha hoặc mẹ nuôi thì tòa xem xét nguyên vọng của bé. Đây là yếu tố để tòa xem xét. Trường hợp hỏi đứa trẻ ban đầu đồng ý, sau đó lại thay đổi, thì thường do người lớn tác động, khiến trẻ nói khác với nguyện vọng của bé”, vị công tố viên nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi