Mợ nó à, tối nay nấu cho chị phần cơm, chị qua ăn trực nhà mợ.
Chị Hiền vừa gọi cho vợ tôi, chị là chị gái trong nhà, trong 4 chị em chị là người khá nhất. Chồng làm trưởng phòng, con cái đi ăn tây làm riêng, công việc thu nhập tốt, xây cái nhà to nhất khu này. Vừa dứt lời sau cuộc điện thoại, bóng chị lật đật sang nhà tôi. Dù sống trong cảnh giàu có, chị lại khắc khổ đến lạ. Mỗi lần nhìn chị tôi lại thấy đôi mắt buồn dài cả quãng sông.
“Ngại quá làm phiền cậu mợ, tôi sang đây cho có không khí gia đình, ở nhà thui thủi mà tôi thèm bữa cơm gia đình quá”.
Chị lúc nào cũng thế, cứ sang nhà là rơm rớm nước mắt. Chẳng phải nghèo khó đi “ăn chực” cậu em, mà chị thèm bữa cơm có đầy đủ thành viên trong nhà. Ngồi trước mâm cơm, chị cố nuốt trong nước mắt. Bảo là sang ăn nhà em mà có ăn được nhiều, thi thoảng góp vui vài câu cho vợ chồng tôi, không thì thần mặt ra mà thở dài.
“Các cháu nó bận công việc, chị cứ sang nhà em, nào có tốn kém gì ngoài tí cơm, tí rau”.
Nghe đến đây, chị tôi rưng rưng, nói: “Không phải tôi ngại gì. Nhưng kia vẫn là nhà, tôi mà đi nữa thì cái bếp khéo cả năm không đỏ lửa”.
Chị có 3 đứa con, đứa nào cũng làm công ty nước ngoài. Ngôi nhà 3 tầng hoành tráng là niềm ao ước của nhiều người trong làng. Ấy vậy, từ khi nhà khá giả, con cái đi làm chị lại chẳng bao giờ thấy hạnh phúc. Vì công việc, mấy đứa con đi suốt, có khi cả ngày không thấy mặt mẹ. Chị cứ nấu cơm xong để chờ tới khuya cũng bị bỏ vì không đứa nào ăn. Thế là bao nhiêu tâm huyết, chị dồn cả vào ngày cuối tuần. Thời khổ, quanh đi quẩn lại chỉ biết canh rau, đậu bằm, nay thì chị đầu tư nấu món này, món nọ. Những, mâm cơm đủ chất bày lên, đợi tới quá trưa đã nguội lạnh thì đứa lớn mới về, chỉ đụng đũa lấy lệ. Đứa nhỏ thì gọi điện thông báo cắt cơm nhà để đi chơi với bạn. Chị giận thì các con chị bảo: “Mẹ ơi, thời buổi nào mà mẹ phải câu nệ bữa cơm gia đình. Bọn con cũng cần có quan hệ riêng, cả tuần rảnh có 2 ngày mà lúc nào cũng về nhà với mẹ thì còn làm gì được nữa”.
Cứ cái lý đừng “câu nệ” bữa cơm gia đình mà nhà chị bây giờ mỗi người mỗi ngả. Đến bữa khi chị ngồi ăn một mình, khi sang nhà tôi ngồi cho đỡ buồn. Bữa cơm gia đình cũng dần vắng bóng, cái “câu nệ” của mẹ lại khiến con cái khó chịu, đôi khi chúng không muốn về nhà. Mấy lần tôi an ủi: “Thôi chị ạ, thời buổi hiện đại nó thế”. Chị gạt nước mắt: “Biết thế nhưng sao tôi vẫn thấy hẫng hụt thế nào. Gia đình mà không có bữa cơm, còn đâu gia đình nữa cậu ơi”. Chuyện chị gái làm tôi cũng phiền muộn, bữa cơm gia đình bây giờ sao khó khăn quá!
Chúng ta đang vội vã ngoài kia, đang nhận những lời tán dương, trọng vọng ở đời. Có người mải mê kiếm tiền, lao vào những mục đích vật chất quên đi bữa cơm gia đình tuy nhỏ nhặt nhưng ấm cúng. Có người đủ đầy, ăn đông, ăn tây nhà hàng khách sạn, cũng vội quên đi bữa cơm đạm bạc mẹ nấu nuôi mình từ bé đến lớn.
Càng lớn, mọi người sẽ càng nhận ra rằng, thời gian, tiền bạc không già đi, nhưng bố mẹ thì ngày càng “chông chênh trước gió”. Chúng ta có thể kiếm vài tỷ một tháng, đi Nam ra Bắc, thay đổi mọi thứ, thì thứ duy nhất không bao giờ thay đổi chính là tình yêu ấm áp của gia đình.
Người ta vẫn nói với nhau: “Có một nơi bình yên nhất đó là nhà”. Nhưng mấy ai biết trân trọng quý giá mái ấm ấy trong cuộc sống hiện đại. Rồi chị tôi, tôi hay các bạn cũng sẽ già đi, chúng ta cũng sẽ đến đích cuộc đời. Có người 50 năm, 70 năm, 90 năm hoặc hơn thế. Nhưng giữa bộn bề ấy, có bao giờ chúng ta nhìn lại gia đình.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ có tất cả, chỉ là không còn cha mẹ, không còn bữa cơm gia đình. Khi bạn đã thành người có chức quyền, địa vị, có thể “đội trời đạp đất”, nhưng lại không có gia đình. Tất cả tuổi trẻ dành cho cuộc đua sự nghiệp, địa vị, tiền bạc, công danh, thứ thiếu duy nhất là gia đình. Cha mẹ chúng ta vẫn sẽ đợi cơm, vẫn sẽ nấu những món ăn chúng ta thích, sẽ vẫn lủi thủi một mình ăn phần còn lại khi bạn không về. Nhưng một lúc nào đó, thời gian mang họ đi xa, canh rau muống với cà cũng không còn để dành cho chúng ta nữa.
Chúng ta vẫn luôn từ chối sự “câu nệ” của cha mẹ, cho rằng nó là hình thức, phiền toái và không cần thiết. Vốn người già thường thèm con cháu, họ chỉ mong được nhìn thấy con cái ăn no, mặc ấm khi còn sống, đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện. Nhưng giữa cuộc sống đang cuốn chúng ta đi, bỏ quên những ấm áp gia đình thì bữa cơm với bố mẹ là điều xa xỉ.
Hãy về nhà ăn cơm khi còn có thể, cha mẹ có thể đợi chúng ta, nhưng thời gian sẽ không đợi họ.
Một ngày mai, khi chúng ra đã có tất cả, nhưng lại không có một bữa cơm đủ đầy!