Sau nhiều ngày nằm bờ, ngư dân hào hứng vươn khơi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cảng cá nhiều tỉnh phải đóng cửa khiến ngư dân phải tạm thời “nằm bờ”. Đến nay, khi nhiều địa phương đã “nới” giãn cách, ngư dân đều tỏ ra háo hức vươn khơi, săn “lộc biển” sau những ngày dài neo bến.
Ngư dân Nam Trung bộ bốc dỡ cá lên bờ sau một chuyến biển.

Ngư dân Nam Trung bộ bốc dỡ cá lên bờ sau một chuyến biển.

Ngư dân trúng vụ cá Nam

Cuối tháng 8/2021, mưa lớn tại thượng nguồn khiến mực nước sông Dinh tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) lên nhanh và chảy xiết. Do trước đó mực nước sông Dinh cạn, tàu neo đậu tập trung ở giữa dòng và với mật độ dày, sức cản lớn dẫn đến nhiều tàu, thuyền bị bứt dây neo. Nước lớn đã cuốn trôi và làm chìm 25 tàu cá, 2 xà lan, ngư dân thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, cộng với thiệt hại này khiến nhiều tàu cá lao đao. Vì vậy, khi chính quyền công bố mở biển, ngư dân Bình Thuận hối hả ra khơi và nhanh chóng trở về với các con tàu đầy cá.

Ngày 9/9, UBND thị xã La Gi đã cho phép tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (tàu đánh bắt xa bờ) hoạt động trở lại. Đến nay, thị xã có gần 350 tàu công suất lớn từ 15 m trở lên đã vươn khơi, với hàng ngàn lao động. Ngày 23/9, các tàu thuyền dưới 15 m của thị xã cũng được phép ra khơi.

Cùng với việc thực hiện khai báo y tế và tuân thủ quy định phòng chống dịch đầy đủ, lực lượng chức năng đã lưu ý bà con cần khai thác thủy sản hợp pháp.

Thị xã La Gi có khoảng 2.000 tàu cá. Thời gian này, đang cuối vụ cá Nam, các loại cá rất dồi dào, khai thác hiệu quả. Theo Ban Quản lý cảng cá La Gi, từ ngày 9 - 23/9 đã có hơn 550 lượt tàu cá xuất bến, trong đó đã có 142 chiếc cập bến bốc dỡ sản phẩm; sản lượng hải sản bốc dỡ được hơn 1.262 tấn.

Tại cảng cá Phan Thiết, hiện nay, bình quân một ngày có khoảng hơn 170 lượt tàu cá ra vào. Trong đó, có khoảng 1/3 là tàu khai thác gần bờ, còn lại là tàu đánh bắt xa bờ với mỗi chuyến đi biển khoảng từ 7 đến 10 ngày. Các loại hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá bạc má, cá ngừ, cá nục, cá cơm, mực… bình quân mỗi ngày có hơn 100 tấn hải sản được bốc dỡ.

Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết Nguyễn Hoài Tiến cho biết, từ ngày 8/9 đến nay, hơn 3.000 tấn hải sản đã được bốc dỡ tại cảng. Nếu so cùng thời điểm các năm trước, sản lượng như vậy là nhiều, bởi cảng mới chỉ tiếp nhận các tàu cá của địa phương chứ tàu cá các tỉnh khác chưa được vào theo quy định phòng, chống dịch.

Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, từ ngày 20/9, 100 thuyền thúng, đò nan với gần 330 ngư dân đánh bắt vùng ven biển của xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã được ra khơi sau thời gian dài giãn cách. Ngư dân trước khi đánh bắt phải khai báo với Trạm biên phòng Bình Châu và có giấy phép trước khi ra khơi. Ngư dân ai nấy đều phấn khởi khi gỡ các mẻ lưới đầy tôm, cá, mực.

TP.Vũng Tàu đã đề nghị UBND tỉnh này xem xét, cho phép tàu cá được xuất bến đi khai thác hải sản. Cụ thể, từ 20/9 đã giải quyết cho 72 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được xuất bến ra tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho 284 tàu đang khai thác trên biển. Từ 30/9 sẽ xem xét tạo điều kiện cho tàu cá tiếp tục xuất bến.

Nhiều ngư dân chưa được tiêm vắc xin

Trong sự phấn khởi khi chuẩn bị đi biển, nhiều ngư dân vẫn có những nỗi lo của riêng nghề cá như: ảnh hưởng của mùa gió chướng làm đội chi phí; mưa bão trong những tháng cuối năm gây nguy hiểm cho ngư dân...

Ngoài ra, một số chủ ghe phải chấp nhận nằm bờ do thiếu bạn ghe, hoặc bạn ghe ở ngoài tỉnh không đến được vì giãn cách xã hội. Nhiều chủ tàu cũng cho biết bản thân và các thuyền viên nhiều người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ đã hoạt động trở lại từ 15/9 sau thời gian dài phải tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19. Theo phương án trước mắt, cảng cá này được phép hoạt động 30% công suất so với bình thường, sau đó sẽ tăng dần quy mô lên 50%, tuy nhiên vẫn có rất ít tàu ra khơi và ngư dân hành nghề trên biển.

Ông Cao Văn Thơ - Thuyền trưởng tàu cá KH 99789TS cho biết, đợt này tàu của ông cũng như nhiều tàu khác đành phải nằm bờ vì nhiều ngư dân chưa được tiêm vaccine (theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, các thuyền viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine mới được làm những thủ tục tiếp theo để xuống tàu ra khơi).

Ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Hội nghề cá Phước Đồng cho biết thêm, ngoài điều kiện tiêm vaccine, cái khó thứ hai với ngư dân là giấy đi đường. Thứ ba là phải bỏ tiền ra làm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc RT - PCR. Mặc khác, giá cả sản phẩm sau đánh bắt rẻ, thời điểm này lại đang vào mùa trăng sáng nên các tàu nằm bờ nhiều.

Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố hạn ngạch trên 1.900 giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và 749 giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Khánh Hòa, thì ngư dân thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, với kế hoạch hơn 10.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Đọc thêm