Sau những tai nạn thương tâm từ chung cư cao tầng: Cần sửa đổi quy chuẩn xây dựng

(PLVN) - Trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp thương tâm do trẻ em ngã, rơi từ cửa sổ, lô gia nhà chung cư cao tầng gây mất mát đau xót cho nhiều gia đình và xã hội. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người sống trong chung cư, nhất là trẻ nhỏ? Dưới đây là cách nhìn của một kiến trúc sư.
Việc kê bàn ghế ở logia có thể đẹp nhưng không an toàn cho trẻ nhỏ.
Việc kê bàn ghế ở logia có thể đẹp nhưng không an toàn cho trẻ nhỏ.

An toàn sinh mạng khi sống trong nhà Chung cư cao tầng luôn là vấn đề được người dân quan tâm và đặt lên hàng đầu mỗi khi mua căn hộ chung cư. Ngoài vấn đề an toàn cháy nổ (PCCC) thì vấn đề bảo vệ khỏi ngã, rơi từ trên cao cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng chưa được nhiều người chú trọng. 

Vậy một tòa nhà chung cư cao tầng được thiết kế và thi công xây dựng như thế nào thì đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân sống trong đó? Khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề an toàn sinh mạng là bảo vệ khỏi ngã/ rơi từ trên cao, không bàn về vấn đề an toàn cháy nổ.

Ban hành Quy chuẩn/Tiêu chuẩn xây dựng dường như không theo kịp tốc độ phát triển của nhà ở cao tầng

Về thiết kế, nhìn lại các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến nhà ở căn hộ, nhà ở cao tầng đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 1987 đến nay, có thể thấy việc ban hành các Quy chuẩn/Tiêu chuẩn trong thiết kế, xây dựng của  cơ quan Quản lý nhà nước đã không theo kịp tốc độ phát triển của nhà ở cao tầng. 

Đơn cử thời điểm khởi công xây dựng khu đô thị mới Linh Đàm là năm 1997, khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính là năm 2001 chỉ có hai tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở căn hộ được ban hành từ 10 năm trước đo là Tiêu chuẩn TCVN 4450:1987 Căn hộ ở - Tiêu chuẩn thiết kế và Tiêu chuẩn TCVN 4451:1987 Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế. Có nghĩa là tại thời điểm khởi công của một số Khu đô thị mới khi đó hoàn toàn chưa có Quy chuẩn/ Tiêu chuẩn xây dựng nhà cao tầng nào được ban hành. Ngoài ra cả hai tiêu chuẩn nói trên chỉ nói chung chung về căn hộ ở và nhà ở tập thể (có thể hiểu là nhà tập thể 5 tầng tương tự như khu Kim Liên, Trung Tự…) và trong đó không có quy định nào đề cập đến Nhà ở cao tầng cũng như vấn đề An toàn sinh mạng của người sử dụng.

Năm 2004, TCXDVN 323:2004 Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế mới được ban hành. Có thể nói đây là Tiêu chuẩn thiết kế Nhà ở cao tầng đầu tiên ở Việt Nam, tuy còn sơ sài nhưng đã có quy định về việc bảo vệ khỏi rơi/ngã từ trên cao, cụ thể tại mục 6.2.4.5 quy định “Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m”. Tiêu chuẩn này chưa quy định về chiều cao bậu cửa sổ, và theo đánh giá của các chuyên gia thì chiều cao lan can 1,2m chưa đủ an toàn nên về các Quy chuẩn/ Tiêu chuẩn về sau đã nâng lên 1,4m.

Năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe. Quy chuẩn này quy định khá đầy đủ và chi tiết về vấn đề An toàn sinh mạng, trong đó có việc bảo vệ khỏi rơi/ngã từ trên cao, tuy nhiên trong Quy chuẩn này cũng không quy định chiều cao bậu cửa sổ.

Đến năm 2019 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về Nhà chung cư mới được ban hành quy định đầy đủ và chi tiết về vấn đề bảo vệ khỏi rơi/ngã từ trên cao. Cụ thể, tại mục 2.2.12 quy định: “Rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4 m. Các vị trí khác tuân thủ QCXDVN 05:2008/BXD”.

Tháng 7/2020, khi QCVN 04:2019/BXD về Nhà ở chung cư có hiệu lực thì vấn đề An toàn sinh mạng mới quy định đầy đủ, bao gồm chiều cả cao lan can và chiều cao bậu cửa sổ trong nhà chung cư cao tầng là 1,4m. 

Tuy nhiên, ngay từ thời điểm tháng 6/2008 - khi QCVN 05:2008/BXD có hiệu lực, đa số các Kiến trúc sư thiết kế nhà cao tầng đã nội suy chiều cao bậu cửa sổ bằng với chiều cao lan can lô gia để đảm bảo an toàn nên hầu hết các tòa nhà Chung cư cao tầng xây dựng từ năm 2009 trở về sau đều có chiều cao bậu cửa sổ và chiều cao lan can 1,4m. 

Như vậy, có thể nói các Kiến trúc sư đã tuyệt đối tuân thủ các Quy chuẩn/Tiêu chuẩn thiết kế, việc sai sót trong thiết kế rất hãn hữu vì hồ sơ thiết kế trước khi được phê duyệt còn phải qua bước thẩm định của cơ quan chức năng - nơi những người thẩm tra rất thuộc các văn bản pháp luật xây dựng.

Vậy lý do gì các tai nạn thương tâm vẫn xảy ra?

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia thiết kế Nhà cao tầng  nhận định, ngoại trừ những trường hợp cố tình trèo qua lan can lô gia, cửa sổ để nhảy lầu tự tử thì các tai nạn đáng tiếc trẻ rơi, ngã từ trên cao xảy ra do hai nhóm lỗi chính.

Việc kê giường, bàn ghế... gần cửa sổ khiến cho quy định về chiều cao an toàn không còn ý nghĩa.
Việc kê giường, bàn ghế... gần cửa sổ khiến cho quy định về chiều cao an toàn không còn ý nghĩa.

Thứ nhất, lỗi người sử dụng. Cụ thể, cửa sổ không có chắn song bằng hoặc lưới bảo vệ, người sử dụng kê bàn, ghế, sofa, giường sát cửa sổ dẫn đến chiều cao từ thành sofa, thành giường đến bậu cửa không còn đủ an toàn. Hoặc, lô gia không có lưới bảo vệ, người sử dụng đặt nhiều chậu hoa, bàn ghế hoặc các vật dụng có chiều cao tương đương chiều cao ghế.

Nhóm lỗi thứ hai là lỗi chủ đầu tư/người thiết kế, bởi nếu quy hết lỗi cho người sử dụng mà không nói đến lỗi của chủ đầu tư/người thiết kế là không công bằng. Rõ ràng khi anh thiết kế một căn phòng có vách kính và cửa sổ mở ra bên ngoài thì anh không thể cấm người sử dụng kê bàn, ghế, giường sát cửa sổ vì ai cũng muốn có view đẹp, muốn được nhìn ra bên ngoài. Do đó, phải kể ra các lỗi sau đây: Muốn sản phẩm có view đẹp thoáng, không muốn chắn song, lưới thép che mất view đẹp nên đã không thiết kế, hoặc không lắp vào; Đẩy việc trang bị chắn song, lưới bảo vệ cho người mua căn hộ; Không có sổ tay hướng dẫn, khuyến cáo người mua căn hộ về vấn đề bảo vệ ngã, rơi từ trên cao.

Cần sửa đổi quy chuẩn xây dựng

Lô gia nhìn lãng mạn nhưng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
 Lô gia nhìn lãng mạn nhưng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Theo quan điểm người viết, những tai nạn thương tâm hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu chúng ta chú trọng đến việc đảm bảo an toàn sinh mạng cho người sử dụng.

Đối với người sử dụng, để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình nói chung, con trẻ nói riêng, cần tự trang bị chắn song cửa hoặc lưới thép bảo vệ. 

Đối với Chủ đầu tư/người thiết kế, cần chỉ định trang bị chắn song cửa hoặc lưới thép ngay từ khi thiết kế xây dựng, không nên đẩy trách nhiệm cho người mua nhà. 

Biện pháp đảm bảo an toàn đang được sử dụng rộng rãi.
Biện pháp đảm bảo an toàn đang được sử dụng rộng rãi.

Còn đối với cơ quan quản lý xây dựng, cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng, người viết bài này mong chờ một ngày gần đây sẽ có bản sửa đổi Quy chuẩn 05:2021/BXD: Nhà và công trình – An toàn sinh mạng và sức khỏe, trong đó có bổ sung các quy định: Đối với các cửa sổ/ lô gia nhà chung cư, ngoài chiều cao 1,4m từ sàn đến bậu cửa/ lan can lô gia, phần lỗ mở phải có giải pháp bảo vệ bằng chắn song hoặc lưới thép; Quy định chi tiết khoảng cách giữa các nan chắn song/ lưới thép.

Đọc thêm