​Sau thông tin cựu Chủ tịch BIDV bị bắt: Thị trường phản ứng thế nào?

(PLO) - Không có sự biến động lớn như 2 lần trước đây ông Trần Bắc Hà dính tin đồn bị bắt, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) nhanh chóng lấy lại phong độ sau khi bị “bốc hơi” hơn 1.000 tỷ đồng…
​Sau thông tin cựu Chủ tịch BIDV bị bắt: Thị trường phản ứng thế nào?

Mở đầu phiên giao dịch ngày 29/11, thị trường chứng khoán hầu như không có biến động bất thường. Tạm dừng phiên sáng 29/11, VN-Index tăng 3,9 điểm (0,51%) lên 934,1 điểm; HNX-Index tăng 0,36% lên 104,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,49% lên 52,41 điểm.

Sang phiên giao dịch buổi chiều, khi thông tin cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt chính thức được công bố, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 3,41 điểm (0,37%) xuống 926,79 điểm; HNX-Index tăng 0,07% lên 104,17 điểm; UPCoM-Index tăng 0,17% lên 52,25 điểm.

“Đây là diễn biến rất bình thường so những ngày trước đó. Dường như thị trường đã “miễn dịch” với thông tin cựu Chủ tịch BIDV bị bắt…” - một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán bình luận.

Được biết, ngay sau khi Bộ Công an thông tin chính thức về việc đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Lục Lang – nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Kiều Đình Hòa – nguyên Giám đốc BIDV Hà Tĩnh, bà Lê Thị Vân Anh - nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và bản thân BIDV cũng nhanh chóng phát đi thông điệp khẳng định những sai phạm này đã xảy ra từ những năm trước đây và NHNN đã chỉ đạo BIDV khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục.

NHNN cũng cho biết, thời gian qua, BIDV đã triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ để xử lý, thu hồi nợ cho ngân hàng theo quy định của pháp luật và khẳng định, hiện BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“Do các cá nhân trên đã nghỉ hưu, không còn nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại BIDV nên vụ việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của BIDV. Mọi hoạt động của BIDV đều bình thường, thanh khoản ổn định, mọi quyền lợi của khách hàng, người gửi tiền được bảo đảm…” - NHNN khẳng định.

BIDV còn dẫn ra các số liệu chứng minh mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng này luôn  duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả. Cụ thể: Đến cuối tháng 11/2018,  BIDV cơ bản  hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Tổng tài sản đạt 1.255 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%; lợi nhuận tăng trưởng 18%; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tổ chức định hạng quốc tế Moody’s nâng hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của BIDV từ mức b3 lên mức b2…

Tuy nhiên, tin xấu trên đã khiến cổ phiếu BID của BIDV giảm gần 1%, từ 31.500 đồng/cổ phiếu xuống mức 31.250 đồng/cổ phiếu, giảm gần 300 đồng/cổ phiếu. Với tổng số gần 3,4 tỷ cổ phiếu lưu hành, ước tính vốn hóa trị trường của BIDV giảm khoảng 1.025 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm 29/11. Được biết, hiện NHNN là cổ đông lớn nhất sở hữu 95,28% vốn điều lệ của BIDV, ngoài ra, Công đoàn BIDV sở hữu 0,27% vốn điều lệ.

“Diễn biến này đi cùng chiều với thị trường chung và chỉ số VN-Index. Tính ra từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BID đã tăng 15,7% giá trị, thông tin xấu này chỉ làm cổ phiếu BID mất chưa đến 1% giá trị cho thấy tâm lý thị trường không bị tác động nhiều...”-  một chuyên gia nhận định.

Trước đó, tin đồn “ông trùm tài chính - ngân hàng” này bị bắt đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo. Đỉnh điểm là ngày 9/8/2017, toàn bộ 11 cổ phiếu ngành ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ trong một ngày, 2 tỷ USD vốn hoá “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán. Hồi tháng 2/2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cũng khiến vốn hóa của thị trường đã mất 29.000 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch…

Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu BID không bị ảnh hưởng nhiều trước thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt vì hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, ông Hà đã nghỉ hưu từ lâu. Thứ hai, thị trường đã được “tập dượt” với các tin đồn trước đó. Ngoài ra, một nguyên nhân cũng được đề cập đến là Bộ Công an đã sớm thông tin về vụ việc và NHNN cũng như BIDV kịp thời ra thông điệp trấn an dư luận…

Trong phiên giao dịch ngày 30/11, ngày thứ 2 sau thông tin cựu Chủ tịch BIDV bị bắt, thị trường chứng khoán diễn biến bình thường. Mặc dù thị trường mở cửa với tâm lý tiêu cực nhưng lực cầu nhanh chóng quay trở lại. Tạm dừng phiên sáng, cổ phiếu BID vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ nhưng mức giảm không quá 1%. Sang phiên buổi chiều, BID đảo chiều tăng 1% lên 31.550 đồng/cổ phiếu.

Ngay trong ngày 29/11, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã có Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT BIC đối với ông Trần Lục Lang và thống nhất chỉ định ông Ramaswamy Athappan - Phó Chủ tịch HĐQT BIC phụ trách hoạt động của HĐQT BIC, đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT BIC đến khi có quyết định kiện toàn nhân sự Chủ tịch HĐQT mới. Doanh nghiệp bảo hiểm này cũng ra thông điệp khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn an toàn, ổn định và không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thông tin về vụ khởi tố vụ án tại BIDV.

Đọc thêm