Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) sáng 21/9.
Ông Huân cho hay, cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu vì: Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra tốc độ nhanh, trong khi yêu cầu mới đặt ra phải sử dụng tốt nguồn nhân lực bởi nhiều lao động trong một số lĩnh vực, ngành nghề ở độ tuổi cao vẫn còn năng lực; nhà quản lý cần nhìn được câu chuyện dài hơn trong 10-20 năm nữa phải cân đối phần đóng và hưởng lương hưu của người lao động.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cung cấp: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam có đưa ra dự báo nếu Việt Nam không điều chỉnh chính sách sẽ không đảm bảo cân đối quỹ hưu trí dài hạn. ILO dự báo quỹ hưu trí Việt Nam sẽ đảm bảo cân bằng thu - chi đến năm 2021. Sau đó mức chi trong năm sẽ lớn hơn nhiều so với mức thu trong năm. Dự báo tới năm 2034 thì mức chi sẽ cao hơn rất nhiều so với mức thu. Khi đó bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ phải lấy một phần tồn dư từ quỹ BHXH để chi trả bảo hiểm.
|
Thứ trưởng Phạm Minh Huân. |
Tham gia góp ý, bà Astrid Bant- Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu tùy theo chính sách mỗi quốc gia. Ở nhiều nước, độ tuổi nghỉ hưu cao hơn Việt Nam. Bà Bant lấy ví dụ chính bản thân mình nếu theo quy định ở Việt Nam thì đã phải nghỉ hưu. Tuy nhiên, ở nước Anh, bà vẫn được làm việc và cảm thấy đủ năng lực đáp ứng công việc.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là quá sớm. Ví dụ những người làm công tác nghiên cứu thì ở độ tuổi này mới hoàn toàn ổn định cuộc sống, lo công việc ổn định cho con cái nên sẽ có điều kiện tập trung toàn bộ thời gian, công sức vào công việc. Bởi vậy luật vô tình đã làm mất nguồn lực ở độ “chín”. Nhất là người làm công tác nghiên cứu khoa học.
Trở lại với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là chuyện chung toàn thế giới hiện nay. Riêng Việt Nam có đặc thù quá trình già hóa dân số và “dân số vàng” (khi tỉ lệ phụ thuộc chung dưới 50%) diễn ra song song, đan xen nhau nên vấn đề đặt ra vừa phải tận dụng nhân lực lao động nhưng vẫn đảm bảo việc làm mới và ổn định quỹ hưu trí.
Ông Huân cho biết Ban soạn thảo BLLĐ đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo ông, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng phải có lộ trình tăng dần dần, tránh gây ảnh hưởng đến thị trường lao động. Nhất là áp lực mỗi năm tạo việc làm cho hơn 1 triệu người đến tuổi lao động. Ở nhiều nước trên thế giới, lộ trình có thể 1 năm tăng vài tháng hoặc 3-5 năm mới tăng vài tháng.
Về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Huân cho biết tiếp tục hoàn thiện dự thảo đã trình Quốc hội năm 2014. Điểm mới trong dự thảo lần này là tiến tới bình đẳng giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Hiện Ban soạn thảo đang đặt ra nhiều phương án, dự kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62, nữ lên 58 hoặc 60 tuổi.
Trong phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tới đây sẽ phân loại cụ thể ngành nghề. Ví dụ với công việc nhẹ nhàng có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn so với người làm công việc nặng nhọc: “Hiện Ban soạn thảo vẫn tiếp tục nghiên cứu, đưa ra phương án cuối cùng. Việt Nam đang chịu áp lực già hóa dân số nhưng không thể vội vã tăng tuổi nghỉ hưu ngay được, tránh chuyện hôm trước về hưu 55 tuổi nhưng hôm sau về hưu tuổi 60”, Thứ trưởng Huân nói.