Đề án “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015” đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn. GS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới SGK)đã chia sẻ về những vấn đề “nóng” dưới góc nhìn của “ người trong cuộc”…
Thầy nào, trò đó?
* Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng SGK hiện nay đang theo hướng học gì, thi đó- ôm đồm, quá tải?
Tôi nghe nhiều phản ánh SGK hiện nay hơi nặng, có người thì dùng khái niệm quá tải. Tuy nhiên, phải định nghĩa thế nào là quá tải? Đó là nặng về những điều không thật sự cần thiết, những kiến thức cần thiết lại thiếu. Nhưng để phát triển năng lực học sinh thì tôi cho là SGK của chúng ta so với các nước không phải quá tải.
|
GS Đinh Quang Báo |
Về nội dung khoa học thì SGK có thể có sai sót nhỏ, ở chỗ này chỗ kia nhưng không trầm trọng tới mức phải có một cuộc đổi mới lớn như thế này. Điều quan trọng là SGK sẽ phải thay đổi, phải đổi mới cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của chương trình. SGK chỉ là cái thể hiện, là một yếu tố để thực hiện chương trình chứ không phải là tất cả.
* Hội thảo mới đây giữa các chuyên gia giáo dục Việt Nam và nước ngoài về Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 đã mổ xẻ những vấn đề gì, thưa ông?
Họ trình bày kinh nghiệm, những vấn đề về lý luận, xu hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của thế giới. Các nhóm như Toán, Khoa học xã hội, Mỹ thuật… phải tự xác định lấy mục tiêu của mình, từ đó xây dựng chương trình. Chúng tôi nhận được những quan điểm rất hay, như SGK chỉ là kịch bản mà nhân vật đầu tiên là giáo viên. Sau đó, phải xác định vai trò, vị trí của giáo viên, đánh giá SGK, chương trình tác động đến việc đạt được mục tiêu như thế nào?
Tôi chỉ đưa ra một hình ảnh, đánh giá giáo viên của ta xưa nay là nhìn vào giáo viên thao tác, người dự giờ ngồi bên dưới lớp nhìn giáo viên thao tác trên bảng. Nhưng các nước đánh giá giáo viên phải nhìn vào sản phẩm mà họ tác động vào, phải nhìn học sinh mới quay lại đánh giá giáo viên.
Tôi cho là chúng ta cần học tập cách làm này. Đánh giá như vậy mới phân tích được nghề nghiệp, giáo viên nhìn vào học trò mới biết mình khiếm khuyết chỗ nào. Thế nên theo tôi người dự giờ phải ngồi trên để nhìn xuống đánh giá học trò.
Sẽ có nhiều bộ SGK?
* Vậy phương án đổi mới SGK sau năm 2015 sẽ như thế nào, thưa ông?
Đổi mới chương trình SGK sẽ theo hướng tích hợp, rất căn bản, từ việc xác định thành phần, cơ cấu nội dung, cấu trúc. Phải đưa ra cái chuẩn tạo nên nhân cách của người học, từ đó người viết sách, người dạy… tập trung hướng vào phẩm chất đó để giáo dục, đánh giá. Dạy học tích hợp là nguyên lý không bàn cãi bởi tri thức của chúng ta tất cả là tích hợp, không có ai chỉ tư duy bằng môn này hay môn kia, hay giải một bài toán thực tiễn cần sử dụng nhiều tri thức.
Tác giả viết SGK sắp tới phải được tập huấn để nắm chương trình, nguyên tắc sư phạm. Bản chất của dạy học tích hợp để giáo viên phải là hai trong một, vừa là nhà chuyên môn về lĩnh vực khoa học ấy, đồng thời là nhà sư phạm. Được như vậy, tôi tin rằng SGK sẽ thể hiện vai trò của nó trong quá trình dạy và học.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên để cho các tổ chức chuyên ngành viết SGK, như sách Sinh học giao cho Hội sinh học, sách Văn giao cho Hội nhà văn vừa tận dụng được các nhà chuyên môn đầu ngành vừa giảm kinh phí, ý kiến của ông như thế nào?
Theo tôi, tổ chức viết SGK là quyền của Bộ GD&ĐT. Người quản lý cao nhất của ngành phải chọn được tác giả có kinh nghiệm nhất, có trình độ nhất, đảm bảo vừa là nhà giáo dục đồng thời là nhà chuyên môn về lĩnh vực ấy. Chúng tôi đã có những tác giả như vậy và phát huy tác dụng lâu nay.
Có giao cho hội này, hội kia viết SGK hay không thì cứ theo cơ chế, ai đăng ký thì viết. Tôi cho rằng, các tổ chức chuyên ngành nêu trên thể hiện thái độ rất trách nhiệm đóng góp cho ngành giáo dục, nên mở rộng sự sáng tạo của những người biện soạn SGK.
* Như vậy, theo định hướng SGK sau 2015 sẽ có nhiều đầu SGK dựa trên một chương trình chuẩn?
Điều này tôi nghĩ rằng sẽ được thực hiện, như tôi đã nói phải có độ mở, đưa ra một sản phẩm giáo viên dạy theo SGK nào, dạy theo phương pháp nào là quyền sáng tạo của người giáo viên. Như vậy có một độ mở cho sự sáng tạo của giáo viên. Nhưng chắc chắn sẽ có kiểm tra hiệu quả của giáo viên bằng cách đo học sinh có đạt chuẩn mà chương trình quy định hay không. Tôi nghĩ, việc chúng ta thiết kế một chương trình theo năng lực như vậy là một xu hướng để cho giáo viên có được sáng tạo tối đa.
* Bộ SGK đổi mới sắp tới ai sẽ là người viêt, ai là người thẩm định, thưa ông?
Một số nước do NXB tổ chức, dựa vào yêu cầu của chương trình để tổ chức và chọn tác giả. Như vậy, NXB là nơi chịu trách nhiệm về việc này. Nhưng ở Việt Nam phải đi cả hai vì ta chưa quen cách để cho tác giả sáng tạo. Do đó, Bộ GD&ĐT vẫn phải chủ trì tổ chức một bộ SGK, bên cạnh đó động viên khuyến khích những NXB cùng các tác giả khác dựa vào chương trình cùng pháp lệnh biên soạn SGK.
Về khâu thẩm định, tất nhiên Bộ GD&ĐT sẽ có một Hội đồng thẩm định, nhưng một lúc nào đó thẩm định lớn nhất vẫn là thực tiễn, học trò lựa chọn, thầy giáo lựa chọn chứ không phải hội đồng ấy. Nhưng chúng ta sẽ kết hợp cả hai khi mà cái cách làm việc của chúng ta chưa thành nếp.
* Ông suy nghĩ thế nào khi một số chuyên gia đề xuất rút ngắn thời gian học phổ thông còn 11 năm?
Quan điểm của tôi vẫn giữ 12 năm. Theo thống kê khoảng 200 nước trên thế giới có gần 170 nước đào tạo phổ thông từ 12 năm trở lên. Tôi nghĩ, giáo dục quan trọng bậc nhất là yếu tố tâm lý phát triển của người học. Nếu chỉ dạy kiến thức văn hóa thì có thể rút ngắn, nhưng học trò đâu phải chỉ có kiến thức, kiến chức chỉ là một yếu tố của nhân cách mà thôi.
Dự kiến sau năm 2015, hệ thống chương trình giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng môn tự chọn. Cụ thể, cấp tiểu học hiện hành có 11 môn học và 3 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 5 môn học và 4 hoạt động giáo dục. Cấp THCS hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 con số tương ứng là 10 và 3.
Ở cấp THPT, lớp 10 hiện có 13 môn học và 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 11 môn học với 2 hoặc 3 chủ đề tự chọn và 3 hoạt động giáo dục; lớp 11 và lớp 12 hiện hành có 13 môn học với 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 còn 4 môn học (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn, 3 hoạt động giáo dục.
* Xin trân trọng cảm ơn GS!
Uyên Na (t.h)