“Chính phủ đã quy định các chế tài xử phạt đối với người sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông rất nặng, đặc biệt trong Nghị định 71 chế tài xử phạt hành vi này rất cao. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình xử phạt, xử lý rất khó khăn”, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, tại buổi Toạ đàm “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ”.
Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về sử dụng bia rượu và việc sử dụng bia rượu đang bị lạm dụng ở nhiều người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xử phạt, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
CSGT đứng chốt ở gần các quán nhậu và xử phạt rất hiệu quả. |
Không khó để tìm những dẫn chứng việc người sử dụng bia, rượu, không đội mũ bảo hiểm bị lực lượng CSGT ra hiệu dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn bị người điều khiển phương tiện phản ứng rất quyết liệt. Những người này thường chống đối mạnh gây khó khăn cho công tác xử lý.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch UBATGT Quốc gia, hiện nay TPHCM, lực lượng CSGT đứng chốt ở gần các quán nhậu và xử phạt rất hiệu quả. Tuy vậỵ, ông Hiệp cho biết về quy trình kiểm tra bia rượu đang kiểm soát thụ động. Khi tai nạn xảy ra thì mới kiểm tra người gây tai nạn có nồng độ cồn hay không.
Theo quy trình mới, lực lượng CSGT sẽ lập chốt kiểm tra, nếu phát hiện có uống rượu bia thì kiểm tra nồng độ cồn. Còn khi xảy ra tai nạn thì việc kiểm tra nồng độ cồn là một trong những tình tiết tăng nặng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến việc xử lý công chức uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm công khai, minh bạch. Cụ thể, đối với công chức, cán bộ uống rượu bia mà điều khiển phương tiện thì CSGT phải gửi thông báo về cơ quan và ngoài xử phạt thì cần bắt buộc những đối tượng này đi lao động công ích.
Bộ Công an có Thông tư 38 quy định đối với tất cả những trường hợp lái xe có lỗi nghiêm trọng đều bị thông báo về cơ quan công tác, nơi cư trú, chi bộ sinh hoạt. Không chỉ có uống bia rượu, mọi hành vi vi phạm đều được thông báo công khai.
“Thực tế chúng tôi đã thực hiện gửi thông báo về cơ quan, đặc biệt gửi về chi bộ đối với đảng viên và việc này đang làm rất có tác dụng. Bởi, người Việt Nam đôi khi sợ dư luận hơn sợ pháp luật. Đây là giải pháp rất hay”, Đại tá Trần Sơn Hà nói.
Vậy nhưng, theo thống kê, phản hồi thông báo từ cơ quan công an về hành vi vi phạm giao thông hiện này chỉ có 1%, 99% còn lại không có phản hồi. Không những thế, phản hồi ở đây mới chỉ dừng lại ở mức ghi nhận “đã nhận được thông báo” còn xử lý như thế nào thì chưa nói rõ.“Ở đây phải có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan”, đại diện Uỷ ban ATGT cho biết.
Mong người dân giám sát CSGT mãi lộ
Tại buổi toạ đàm, có ý kiến cho rằng, trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT có một phần do CSGT chỉ kiểm tra xe “5 – 10s” rồi bỏ qua lỗi cho phương tiện, mặc cho phương tiện phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải…
Về vấn đề này, Đại tá Trần Sơn Hà thừa nhận, đây là vấn đề mà Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng “trăn trở nhiều năm nay". Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã xử lý hơn 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền. Những trường hợp này đã bị xử lý nghiêm túc chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật.
“Chúng tôi mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Hà nói.
Ngoài việc xử lý CSGT vi phạm, trong 6 tháng đầu năm CSGT cũng lập biên bản hơn 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền cho CSGT. Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến TNGT tăng, nhiều ý kiến cho rằng còn do cơ quan cấp giấy phép lái xe dễ dãi cấp phép tràn lan, thậm chí cấp cho cả người không đủ sức khỏe, điều kiện.
Dẫn chứng thực tế này, ông Trần Sơn Hà cho biết, đich thân ông đã từng hỏi cung một trường hợp lái xe khách gây TNGT không biết chữ. Thậm chí có trường hợp bị cụt chân , như vụ đổ xe ở Núi Guộc, Nghệ An, dù lái xe chỉ còn một chân nhưng vẫn được cấp bằng lái.
Gần đây nhất, khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Seperok, khi Cục CSGT phối hợp với địa phương để điều tra thì được biết, lái xe (đã mất trong vụ tai nạn) đã lĩnh án 8 năm tù vì án ma túy, thụ án 7 năm được mãn hạn. Nhưng trong quá trình thụ án, anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đổi giấy phép lần 2 từ tháng 5, và đến tháng 7 thì gây tai nạn.
Hà Bình