Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên, hỗ trợ ở mức độ nào, cho đối tượng nào trong khả năng "chịu đựng" của ngân sách là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Việc làm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua.
Ảnh minh họa |
"Chương trình việc làm công"
Trong các nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo dự thảo Luật, đáng chú ý là chương trình việc làm công - chính sách mới do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển ủng hộ việc xây dựng Luật, tuy nhiên ông lưu ý các quy định của Luật phải đảm bảo tính khả thi "ta cứ đưa ra những mục tiêu rất hay nhưng vấn đề là có thực hiện được không và khả năng chịu đựng của ngân sách thế nào?". Riêng quy định về chính sách tín dụng tạo việc làm (đối tượng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm), ông Hiển băn khoăn "hưởng ưu đãi vay từ quỹ là như thế nào, hiện đã có đến 80 quỹ, trong đó 50 quỹ đang hoạt động, lập nhiều quỹ quá sẽ phân tán nguồn lực quốc gia".
Hiện nay, theo báo cáo của Chính phủ, mới chỉ có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động; mỗi năm lại có hơn 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Con số nói trên khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hết sức băn khoăn: "Những trường hợp thất nghiệp hỗ trợ, giải quyết thế nào? Hỗ trợ người tạm thời mất việc thì ra sao?".
Chủ tịch yêu cầu "phải thiết kế chính sách cho từng đối tượng thích hợp" và lưu ý "phải cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện, làm sao các quy định đảm bảo tính khả thi".
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Việc làm quy định về bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đây là quy định cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Tuy nhiên,Ủy ban lưu ý "việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế..."
Dự thảo Luật cũng quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Dự án Luật việc làm sẽ được trình ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tới đây.
Thu Hằng