Sẽ thừa nhận tính chất vật quyền của các biện pháp bảo đảm

Trong 2 ngày 11 và 12/1, Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS), phần về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Các quy định của Việt Nam về các biện pháp bảo đảm đã tương đối đầy đủ nhưng cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Trong 2 ngày 11 và 12/1, Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức tọa đàm về sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS), phần về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Các quy định của Việt Nam về các biện pháp bảo đảm đã tương đối đầy đủ nhưng cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Ảnh minh họa

Có thể bị xử lý hình sự

TS. Hoàng Thị Thúy Hằng (Bộ Tư pháp) cho biết, các quy định của BLDS và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đã tạo ra khung pháp lý nhất định trong việc ký kết, thực hiện các biện pháp bảo đảm, công khai hóa thông tin về tài sản bảo đảm và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

“Các quy định này đã góp phần tích cực đối với hoạt động tín dụng, góp phần phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhiều quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch” – bà Hằng nhận định.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, một số quy định của BLDS về các biện pháp bảo đảm đã  bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo bà Hằng, đó là BLDS Việt Nam hiện hành không được xây dựng theo cách chia các quyền tài sản thành hai loại quyền gồm vật quyền và trái quyền; quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai quá chung chung, không cụ thể, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau; quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ còn có những điểm chưa hợp lý…

Tán thành với bà Hằng, một chuyên gia pháp lý cũng phân tích rằng: Pháp luật Việt Nam không dung nạp khái niệm vật quyền nên không hình dung khả năng phân biệt các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thành bảo đảm đối vật và bảo đảm đối nhân như luật của các nước châu Âu. Trao đổi tại tọa đàm, Giáo sư Trường Đại học Paris II (Pháp) - ông Michel Grimaldi đã rất ngạc nhiên khi pháp luật Việt Nam có quy định về trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ trong khi lại không có quy định bảo vệ cho bên bảo lãnh – vốn chỉ là “con nợ phụ” chứ không phải “con nợ chính”.

Nói riêng về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng cầm cố hoặc thế chấp tài sản, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Điện (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, các biện pháp này không tạo ra quyền trực tiếp của chủ nợ có bảo đảm đối với tài sản được cầm cố, thế chấp mà được cho là có tác dụng “treo” quyền định đoạt của chủ sở hữu.

Nghĩa là một khi tài sản đã được cầm cố hoặc thế chấp thì tài sản không thể được chuyển dịch cho đến khi việc cầm cố hoặc thế chấp được giải trừ một cách hợp pháp, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ nợ nhận thế chấp.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, việc bán tài sản trong thời gian thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp đã bị cơ quan chức năng xác định là những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và bị xem xét, xử lý ở góc độ hình sự theo tội danh lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Tháo gỡ những ràng buộc phi lý

Cần nhận thức rõ rằng quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu không thể bị hạn chế, kể cả trong trường hợp tài sản đang được cầm cố, thế chấp thì chủ sở hữu vẫn có thể được chuyển nhượng tài sản của mình.

Tuy nhiên, muốn cho quy tắc ấy thực sự có ý nghĩa, điều quan trọng là phải làm thế nào để người mua nắm bắt đầy đủ tình trạng pháp lý của tài sản. Chẳng hạn, nếu đã biết rõ tình trạng thế chấp của tài sản mà vẫn chấp nhận mua thì trong trường hợp nợ không được trả và tài sản bị kê biên, người mua chỉ có thể lựa chọn một trong hai giải pháp hoặc chấp nhận trả trọn số nợ nhằm bảo toàn tài sản hoặc bỏ mặc tài sản cho chủ nợ xử lý.

Ông Điện cho biết, để giải quyết vấn đề, pháp luật của nhiều nước dựa vào hệ thống đăng ký và công bố. Hệ thống đăng ký có chức năng xếp hạng ưu tiên các chủ nợ có bảo đảm mà chính chủ nợ, chứ không phải người mắc nợ, là người có lợi ích trong xúc tiến việc đăng ký.

Riêng luật của Pháp còn thừa nhận một cách loại trừ rủi ro đối với người mua khi mua một tài sản đang ở trong tình trạng thế chấp, gọi là sự “thanh tiêu”. Với phương thức thanh tiêu, người mua có quyền đề nghị giải trừ thế chấp đối với tài sản bằng cách trả tiền mua tài sản trực tiếp cho các chủ nợ có bảo đảm, thay vì trả cho người bán. Đồng thời, để ngăn ngừa khả năng thông đồng hạ thấp giá bán so với giá trị thực của tài sản giữa người bán và người mua, luật của Pháp quy định rằng nếu thấy giá bán thấp một cách không bình thường, chủ nợ có quyền yêu cầu đưa tài sản ra bán đấu giá.

Theo bà Hằng, BLDS đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng các biện pháp bảo đảm sẽ chia thành hai loại là bảo đảm có tính chất vật quyền (vật quyền bảo đảm) và bảo đảm có tính chất trái quyền (trái quyền bảo đảm hay bảo đảm đối nhân).

Còn thảo luận về việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam, ông Grimaldi lưu ý Việt Nam không nên bỏ qua quyền bảo lưu quyền sở hữu. “Quyền này không làm mất quyền bán, không vi phạm hợp đồng ban đầu mà là một biện pháp bảo đảm để được thanh toán giá bán. Và có quy định này thì pháp luật mới thực sự hiện đại” –  Giáo sư người Pháp nhấn mạnh.

Thục Quyên

Đọc thêm