Tuần qua có hai ngân hàng (NH) đầu tiên thông báo việc nhân sự cấp cao của họ chuyển sang làm việc tại Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC).
Cụ thể, NH thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối vận hành và khối hành chính quản trị đối với ông Bùi Tín Nghị từ ngày 15/5 để ông này chuyển sang làm việc theo chế độ chuyên trách Ban trù bị thành lập VAMC.
SHB cho biết dù không có trách nhiệm quản lý đối với ông Bùi Tín Nghị từ ngày 15/5 nhưng NH vẫn chấp thuận hỗ trợ tiền lương đối với ông Nghị cho đến ngày VAMC được thành lập.
Ông Bùi Tín Nghị sinh năm 1960, có trình độ tiến sĩ về kinh tế và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực NH, đặc biệt là kinh nghiệm về xử lý nợ xấu sau khi Habubank sáp nhập với SHB vào năm 2012.
Dù không công bố rộng rãi nhưng nguồn tin của NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng cho biết một Phó Tổng Giám đốc NH này, ông Đoàn Văn Thắng cũng sẽ tham gia Ban trù bị của VAMC.
Ông Thắng cũng có trình độ tiến sĩ kinh tế, đang phụ trách mảng pháp chế, quản trị rủi ro và phòng chống rửa tiền của LienVietPostBank. Có thời gian ông Thắng làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành của NH này.
Nhiều ý kiến cho rằng việc các nhân sự cao cấp của NH thương mại tham gia vào VAMC là điều tất yếu bởi họ có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý nợ xấu và quản trị rủi ro. Đó là chưa kể những mối quan hệ rộng của họ sẽ giúp VAMC mua bán nợ xấu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vẫn có người lo ngại những cá nhân này chưa thực sự cắt đứt quan hệ với các NH thương mại nên có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin trong quá trình VAMC xử lý nợ xấu nhằm mang lại lợi ích cho các NH thương mại, nơi họ từng làm việc.
Để tránh tình trạng này, điều cần thiết đối với VAMC là phải có cơ chế giám sát đủ mạnh và độc lập để công ty này hoạt động một cách minh bạch.
Theo Người lao động