Siết chặt quảng cáo công dụng của thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, bệnh nhân lại tin vào quảng cáo và dùng sản phẩm đó để chữa bệnh, điều đó gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí bệnh nhân ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng” để cứu chữa.
Siết chặt quảng cáo công dụng của thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe

Nhằm ngăn chặn vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) “thổi phồng” công dụng như thuốc chữa bệnh. Từ ngày 11/6/2020, Bộ Y tế đã có công văn số 3220/BYT-ATTP gửi 6 bộ ngành về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK.

Trong đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK, chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN/TPBVSK vi phạm. Tuy nhiên tình trạng trên đến nay vẫn diễn ra tràn lan.

Quảng cáo “bát nháo”

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN/TPBVSK như thuốc chữa bách bệnh trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài) đang trở thành một vấn đề nhức nhối, rất phổ biến và khó kiểm soát, gây hoang mang cho người tiêu dùng, bức xúc cho dư luận.

Bên cạnh những đoạn video quảng cáo “Nhà tôi ba đời trị xương khớp, sỏi thận, tiểu đường...” là những video có sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các TPCN/TPBVSK... nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, giúp tăng thêm độ uy tín cho sản phẩm và tạo niềm tin cho khách hàng, trái quy định pháp luật.  

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Facebook để xử lý các chủ tài khoản bán sản TPCN/TPBVSK quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn diễn ra rất phức tạp, chưa có hồi kết. Đơn cử như Shami Xoan - TPBCSK có công dụng hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng đầu trán do viêm mũi xoang nhưng lại được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội (facebook, tiktok) như thuốc điều trị viêm xoang, viêm mũi.

Chỉ cần gõ tìm kiếm trên facebook với cụm từ “Shami Xoan” sẽ thấy xuất hiện hàng chục fanpage có từ khóa Shami Xoan đi kèm với các công dụng như: Chuyên trị viêm xoang viêm mũi, Viên sủi điều trị viêm xoang, Dứt xoang quang mũi, Trung tâm sức khỏe điều trị viêm xoang, Viên sủi Shami Xoan – Trị xoang công nghệ Nano Nhật Bản...

Thậm chí là Shami - Điều trị viêm xoang số 1 Việt Nam. “Điều trị, dứt, số 1” là những từ ngữ được bất chấp sử dụng để tạo điểm nhấn cho từng cái tên trên mỗi fanpage quảng cáo TPCN. Những từ ngữ vốn cấm kị trong quảng cáo lại được sử dụng tràn lan, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng, để rồi khi nhìn vào ai cũng ngỡ page này đang quảng cáo thuốc điều trị viêm xoang.

Bên cạnh đó, Shami Xoan còn dụng hình ảnh của người nổi tiếng là nghệ sĩ T.H, X.H và ca sĩ Đ.V.H để quảng cáo cho sản phẩm. Cụ thể trong một video quảng cáo, hình ảnh của 3 người nổi tiếng lần lượt xuất hiện với lời thoại mang ý nghĩa như một lời khuyên nên sử dụng Shami Xoan “Uống Shami Xoan đi nó hết thiệt, ông anh của chị hết rồi bây giờ chị cũng gần hết rồi, mua cho uống đi em”, “Một tuần thôi à là không cần đợi lâu nữa là nó không có dấu hiệu nhức đầu, không khô mũi nữa và cảm thấy nó khô thoáng, mình không còn cảm thấy đau đầu và lo sợ”, “Tôi thấy là rất tốt, cái Shami Xoan này nó kết hợp thảo dược giữa truyền thống và hiện đại, với công nghệ Nano của Nhật Bản rất tốt”... 

Shami Xoan sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để lồng ghép quảng cáo
 Shami Xoan sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để lồng ghép quảng cáo

Nếu xem qua video quảng cáo thì chắc hẳn ai cũng nghĩ cả ba người nổi tiếng này đều đã sử dụng và nhận được hiệu quả tốt từ sản phẩm. Phải chăng những người nổi tiếng đang tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN/TPBVSK trái pháp luật?. Ngoài ra, hình ảnh của các chuyên gia, dược sĩ chia sẻ về sản phẩm cũng được lồng ghép trong video quảng cáo như một lời khẳng định với khách hàng về công dụng “đặc trị” của Shami Xoan và không hề đưa ra khuyến cáo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tìm hiểu được biết, Shami Xoan là TPBVSK được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7820/2020/ĐKSP, do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Griffin Việt Nam chịu trách nhiệm khi lưu hành.

“TPCN/TPBVSK vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Tuy nhiên không phải là thuốc chữa bệnh, vậy nên người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo sai sự thật chữa được nhiều bệnh. Trước khi mua TPCN/TPBVSK, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo... trên trang web: www.vfa.gov.vn của Cục An toàn thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cảnh báo.

Chia sẻ với báo chí, bà Trần Việt Nga (Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm) cho biết, thực tế các thống kê cho thấy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm vấn đề quảng cáo không quá nhiều, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường lại rất lớn. Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền phạt là gần 2 tỷ đồng.

Đánh mất “cơ hội vàng” của người bệnh

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm) cảnh báo, phần lớn quảng cáo TPCN/ TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật, hầu như các quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay gồm: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan... Thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.

Do đó, TPCN/TPBVSK khi quảng cáo tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn.

Đọc thêm