* Ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch: Đã là di sản văn hoá thì không được xâm phạm
Đầu tiên tôi phải nói luôn là tôi không đồng tình với việc triển khai dự án này. Bởi, đã là di sản văn hóa là không được xâm phạm, chúng ta phải tôn trọng không gian di sản. Hiện nay có một số doanh nghiệp, dự án đang núp bóng tâm linh, ngụy trang phát triển du lịch mà phá vỡ cấu trúc di sản văn hóa để phục vụ lợi ích kinh tế cho chính mình. Một số nước người ta coi trọng phát triển du lịch nhưng cũng phải có kế hoạch hạn chế khách du lịch tới một số địa điểm vì lý do quá tải nhằm mục đích bảo vệ di sản. Cái cốt lõi của văn hóa là tự nó hấp dẫn khách du lịch chứ không phải là xoay các yếu tố văn hóa để chạy theo du lịch. Dòng suối Yến có lịch sử văn hóa, có thiên nhiên mang bản sắc tâm linh mà bây giờ lại nắn dòng, thương mại hóa thì sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
* TS Phan Đăng Long - nguyên Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Đừng để có một chùa Bái Đính ở ngay chùa Hương
Theo TS Phan Đăng Long, chùa Hương là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp đã tồn tại từ rất lâu đời. Chính nhờ đặc điểm đặc trưng vốn có, nên hàng năm người dân hành hương về đây rất đông, đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp muốn được nhảy vào đầu tư, khai thác để kiếm lợi. Doanh nghiệp Xuân Trường cũng không là ngoại lệ.
“Vì thế, quá trình quy hoạch, xây dựng các cơ quan quản lý phải rất thận trọng, cân nhắc, tránh những tác động mạnh gây phá vỡ cấu trúc cảnh quan, làm ảnh hưởng tới hình ảnh linh thiêng vốn có của nơi này. Người dân hành hương tới đây không chỉ vì Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước mà đây còn là di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt. Sự đặc biệt của Chùa Hương là nhờ có thiên nhiên cảnh quan, có núi non, di tích, có vẻ đẹp của dòng suối Yến, có nhiều động đá... mà một khi bị mất đi sẽ không thể lấy lại được”, TS Long chia sẻ.
So sánh với quần thể du lịch Tràng An - Bái Đính, là công trình mới được xây dựng và đã được đưa vào khai thác vài năm trở lại đây, TS Long lo ngại chùa Hương sẽ bị biến tướng theo mô hình đó. Qua đánh giá, lượng khác thập phương đổ về Chùa Bái Đính hàng năm cũng rất đông nhưng du khách trở về đây với tâm thế là tò mò, muốn xem cái mới, cái to chứ không phải với tâm thế của một người hành hương gắn bó với đất Phật. Vì thế, hầu hết du khách chỉ đến đây một lần mà không trở lại lần hai, trong khi, du khách hành hương ở Chùa Hương theo từ năm nay sang năm khác, năm nào họ cũng trở về như một thói quen, một phong tục, một nét văn hóa đặc trưng.
”Tôi có cảm giác nơi đây đã bị thương mại hóa quá đà. Danh thắng đã bị mượn danh nghĩa là du lịch tâm linh nhưng thật sự là đang có những biểu hiện của việc thương mại hóa, kinh doanh lòng tin, tín ngưỡng của du khách để kiếm lợi”, TS Long cảnh báo.
Ông nói thêm: Về thiết kế cảnh quan cũng có những hạng mục, những công trình không phù hợp với tín ngưỡng đạo Phật truyền thống. Vì thế, tôi không đánh giá cao thành quả của công trình này. Dù công trình đã thu hút được rất đông khách du lịch và cũng đem lại nguồn thu rất lớn cho địa phương và doanh nghiệp nhưng về bản chất đây vẫn giống như một hình thức kinh doanh thương mại, không bền vững.
Với đề xuất tại Chùa Hương, TS Long lo lắng sẽ có một dự án thương mại lấp sau danh nghĩa du lịch tâm linh mọc lên và rất có thể sẽ lại có một Chùa Bái Đính ở ngay Chùa Hương, với những khối bị bê tông hóa, sắt thép hóa khô cứng, bí bách, lạnh lẽo.Nếu những người xem xét đánh giá đề xuất trên lại không có đủ trình độ chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng mà phê duyệt dự án một cách vội vàng, thiếu cẩn trọng thi rất có thể sẽ có thêm một công trình lai căng, mất hẳn tính bản sắc truyền thống. Rất đáng lo ngại.
* Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Chủ tịch Câu lạc bộ phong thủy Thăng Long - Hà Nội: Làm thế thì còn đâu phong thủy, tâm linh?
Theo ông Tuệ, suối Yến quan trọng nhất là yếu tố cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, một nét văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân. Người ta có quan niệm rằng, cứ đi Chùa Hương là phải đến Bến Đục, phải đi Đò Dọc, phải đi quan suối Yến, nếu nào vé khơi thông đi đường khác sang thì không còn ý nghĩa gì nữa.
Về phong thủy trong cuốn sách “An Nam Cửu Long Kinh” từ thời Lê, địa mạch Quốc gia ta có phân ra ba đại chi. Khu vực phía bắc từ Tam Điệp, Ninh Bình ngược về phía bắc. Theo đó, địa mạch từ Lào Cai đổ về và chia ra làm ba chi. Trung chi chính là ở giữa là Thăng Long, Hà Nội; tả chi đổ ra hướng các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; hữu chi là đổ về Ninh Bình, Tam Điệp, gọi là trấn sơn nam, là Thanh Long. Mỗi chi lại có thêm ba nhánh, tổng hợp lại gọi là Cửu Long Kinh là chín nhánh long mạch. Trong đó Chùa Hương nằm ở hữu chi. Mạch Chùa Hương là cả một đại mạch lớn. Phía dưới là kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, chính là Tràng.
Thông thường theo đại cục, thì có trung tâm cho đến tả thanh long, hữu bạch hổ. Tôi cho rằng nếu tác động vào mạch Chùa Hương, thì có nghĩa là tác động lên Bạch Hổ, khi động thì đương nhiên giữa là Thăng Long, Hà Nội sẽ động. Giống như khi dùng sắt chọc vào chân, tay sẽ tác động đến thần kinh là đau. Trong phong thủy có quy định, Thanh Long là cát thần, chủ về văn, nam, trưởng. Còn Bạch Hổ là chủ về hung thần, võ, nữ, thứ. Nếu tác động vào suối Yến, có nghĩa là hung thần bị kích động, sẽ sinh biến loạn ở trung tâm là Thăng Long- Hà Nội. Tất cả những gì tác động không tốt vào khu vực Chùa Hương thì đều ảnh hưởng hết vào trung tâm – vị chuyên gia phân tích.
Hơn nữa, theo nghiên cứu phong thủy, ông Tuệ cho biết, trong thế đất Chùa Hương, có động Hương tích thế núi ôm lấy động, suối Yến chảy từ trong dãy núi ra và có rất nhiều chi lưu đổ dồn về. Như vậy động Hương Tích là đại huyệt phong thủy “phong thủy bảo địa”. Nếu Doanh nghiệp Xuân Trường nạo vét mà tác động vào suối Yến bằng bất kể hình thức nào thì sẽ làm cho khí mạch của huyệt bị thay đổi và suy giảm đi. Hệ lụy dẫn đến là ảnh hưởng tới địa mạch quốc gia. Bản thân địa mạch Chùa Hương hữu chi chính là địa mạch Quốc gia, như vậy là sẽ ảnh hưởng đến tất cả.
Địa mạch từ Hương Tích, Hoa Lư, Tràn An thuộc về hữu chi của Thành Thăng Long (Hà Nội). Suy ra chính là địa mạch Quốc gia cần được bảo vệ, chánh tác động.
Ngoài vấn đề tác động vào suối Yến, còn sự tác động tổng hợp, thứ nhất là tác động đến văn hóa, lịch sử; thứ hai tác động đến cảnh quan, thiên nhiên; thứ ba là tác động đến phong thủy, tâm linh… mà chỗ đó là đất Phật cả nước hướng về. Bởi vậy không phải xây mới đền đài là tốt mà bảo tồn thiên nhiên mới là tốt
Trong tâm thức của người dân, đi chùa Hương là một truyền thống. Chùa Hương không phải có quy mô lớn, tại sao thu hút được khách như thế, chính vì cảnh quan, tâm linh, nét văn hóa, trong đó văn hóa truyền thống mà đặc trưng là du xuân, trẩy hội. Cứ đi Chùa Hương là quy trình đầu tiên phải từ bến Đục, đến suối Yên, đò dọc… Nếu Doanh nghiệp Xuân Trường đục thông rồi rẽ nhánh ra một hướng khác dẫn đến cạn nước đi thì sẽ tác động đén nét văn hóa.
Quan trọng nhất là bảo tồn, giữ gìn không được phá, không được vác máy lên đào tan ra như vậy là không được. Tôi không lạ gì Doanh nghiệp Xuân Trường, đầu tư một dự án hơn 10.000 tỷ, lợi nhuận thu về không nhỏ, xây dựng rồi thu phí… người dân phản ứng là điều đương nhiên. Tràng An là một điển hình mà Xuân Trường đã phá nát cả tâm linh cảnh quan rồi còn thu phí người dân tham quan.
* PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển): Đầu tư vào di sản phải đúng Nghị quyết Trung ương 5
Chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ nên việc can thiệp vào Di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản. “Phải đặt ra là đầu tư chục ngàn tỷ vào đây thì đã cần thiết hay chưa? Dù là tiền của tư nhân nhưng phát triển di sản phải đảm bảo hài hòa, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5”, PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định.
* Ths. Trần Anh Đức - giảng viên Khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội 2): Tôi băn khoăn về mục đích đằng sau của dự án này
Tôi rất băn khoăn về mục đích thực sự đằng sau đại dự án này. Theo vị này, chùa Hương là địa điểm gắn với truyền thống văn hóa Phật giáo lâu đời của người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Việc can thiệp thô bạo vào nó sẽ dẫn đến những nguy cơ phá vỡ cảnh quan, cấu kiện kiến trúc và văn hóa tín ngưỡng bản địa”. Nếu doanh nghiệp có ý đồ dùng vỏ bọc tâm linh để thu lợi nhuận, điều đó ở góc độ đạo đức là không thể chấp nhận được.
* Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu quan điểm và kiến nghị: Phải có phản biện của cộng đồng
Theo GS TS Bùi Quang Thanh, Ý tưởng doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là không hợp lý. Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt – Mường ở đó. Phật giáo, Đạo giáo vốn là ngoại lai khi vào Việt Nam đầu Công Nguyên đã phải dung hòa với tín ngưỡng để có sức lan tỏa cho tới tận ngày nay khi trải qua những va đập giữa tín ngưỡng và tôn giáo. Chính vì vậy, nếu Xuân Trường xây một cái tháp Phật Xá Lị to hơn 100m mang đẳng cấp quốc tế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng. Cho nên, việc xây dựng Dự án tâm linh ở khu vực Hương Sơn là vấn đề cần hết sức lưu ý, không phải muốn làm thì làm, phải có phản biện khoa học, phản biện của cộng đồng không chỉ địa phương mà là nhân dân cả nước, không thể tùy tiện nối dòng, nắn dòng long mạch – Suối Yến hay xây tháp cao, kỳ vỹ khu vực vùng đệm hay trong một không gian văn hóa, tâm linh Quốc gia đặc biệt”.
Năm 2016 tại cuộc họp với các Sở, Ban, ngành TP.Hà Nội, khi bàn đến việc nghiên cứu, xây dựng Dự án tại khu vực xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã kết luận các Sở và địa phương hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Trong đó, có nhấn mạnh việc: “Không nghiên cứu lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng” khi xây dựng dự án tại khu vực này. Kết luận này đã được ghi rõ trong một văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan.