Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức cho sinh viên đi học quân sự tại 3 địa điểm (Hà Nam - Sơn Tây - Việt Trì). Đây là hoạt động thường niên tổ chức cho sinh viên năm thứ nhất, tuy nhiên, nhiều sinh viên liên tục than thở trên group của NEU.
Sinh hoạt chung khiến nhiều người thành F0, F1?
Một bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên Dung Dung:
"Ngày 18/2, mỗi bữa bếp ăn phải chuẩn bị suất ăn cách ly cho hơn 100 bạn, tổng cộng cả 100 bạn cho cả F0, F1 thì mọi người có thể tưởng tượng quy mô dịch như thế nào.
Mỗi ngày lại có thêm rất nhiều F0. Phòng mình có 6 bạn nhưng trong lúc xếp hàng vào nhà ăn thì thường bị thất lạc nên vào đó hay phải ngồi ghép, hoặc một số phòng không đủ người nên kiểu gì cũng phải ngồi ghép bàn. Có khi mình đi ăn ngồi cạnh F0 cũng không biết nữa. Tòa nhà C22 và C16 thì số lượng F0, F1 chiếm phần lớn. Một phòng gồm 16 bạn nam ăn chung, ngủ chung nhưng vì có F0 nên phải xông chung một bình nước nhỏ".
Dung Dung cũng cho hay, bạn mình cần test nhanh nhưng không nhận được đáp ứng đầy đủ. Nữ sinh tâm sự: "Khi bạn lớp mình có triệu chứng ho, rát họng, ngạt mũi, đau đầu và xuống trạm y tế xin test nhanh. Cô ở trạm nói: 'Cô không chịu trách nhiệm cái này, nếu cần test em phải xin phép thầy quản lí lập danh sách lên đây'.
Bạn nhắn cho thầy thì thầy nói: 'Trời mưa ngạt mũi là bình thường, không phải test, cứ để theo dõi đã'. Sau đấy bạn mình phải tự đặt kit test nhanh bên ngoài, tự test tại phòng thì âm tính lần 1 nhưng vẫn mệt mỏi không đi học được từ mấy hôm nay, nên lớp mình vẫn rất lo lắng".
Sinh viên Bá Thiết bày tỏ lo ngại về phương án xét nghiệm PCR và test nhanh Covid-19 của nhà trường không đạt được hiệu quả phòng chống dịch bệnh như mong đợi.
Nam sinh cho hay: "Sinh viên hầu hết đã được tiêm ít nhất 2 mũi nên triệu chứng không xuất hiện rõ. Tuy nhiên trường lại chỉ để cho sinh viên tự test nhanh trước 24 giờ hoặc PCR trước 72 giờ mà không có phương án test lại để đề phòng an toàn khi đến trường. Thời gian ủ bệnh và phát bệnh cũng không xuất hiện ngay lập tức nên xuất hiện nhiều ca không rõ nguồn lây, dẫn đến việc lây nhiễm chéo trong trường."
Bá Thiết cho rằng nhà trường chuẩn bị không tốt khâu test nhanh, dẫn đến việc nhiều sinh viên trong đợt quân sự lần này trở thành F0, F1. "Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thế này, việc chuẩn bị sẵn các điểm test nhanh trong trường là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò.
Tuy nhiên, khi sinh viên cần được test nhanh để kiểm tra sức khỏe thì không được đáp ứng kịp thời, dẫn đến việc một số sinh viên không may trở thành F0 trong lần test ngày hôm sau.
Nhà trường có nói rằng trường đảm bảo có đủ điều kiện cho sinh viên cách ly và chữa bệnh, thế nhưng các F0 lại phải về nhà với lý do không có đủ phòng để ở; không nhận được hỗ trợ đi lại mà phải gọi người thân đón hoặc tự thuê xe về. Và cũng không có phương án về việc học và cấp bằng cho các F0" - Bá Thiết tâm sự.
Cũng theo Bá Thiết: "Chúng mình phải tắm nước lạnh mặc dù đang là mùa lạnh. Có phòng tắm nước nóng nhưng chỉ dành cho các bạn nữ. Có những hôm chúng mình trả 10 nghìn cho một lần tắm thế nhưng kết quả nhận lại thì thật sự thất vọng. Có thể nó là điều bình thường nhưng hiện tại sức khỏe với chúng mình là điều quan trọng nhất".
Trường ĐH Kinh tế quốc dân nói gì?
Trước các ý kiến phản ánh của sinh viên, PV Dân trí đã trao đổi với GS.TS. Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân để hiểu rõ hơn về sự việc.
Bà Trần Thị Vân Hoa cho biết, nhà trường đã nắm được một số phản ánh trên mạng xã hội về tình hình học Quốc phòng an ninh (QPAN) của sinh viên trường như nguy cơ lây nhiễm, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo trong sinh hoạt tại khu cách ly.
Ngày 21/2, trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thành lập 3 đoàn công tác do 3 lãnh đạo trường làm trưởng đoàn đi kiểm tra và đánh giá tình hình học tập của sinh viên tại các Trung tâm cũng như thống nhất phương án đón nhận F0 sinh viên trở về trường ngay sau khi kết thúc chương trình học.
Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế quốc dân gặp gỡ sinh viên tại khu học Giáo dục quốc phòng (Ảnh: TA).
Theo đó, các sinh viên F0 sẽ được các trung tâm chở về trường, nếu gia đình các em không có phương án đón về chăm sóc đều được nhà trường sắp xếp cách ly tại khu cách ly F0 sinh viên trong ký túc xá của nhà trường. Ngoài hỗ trợ về thuốc và sắp xếp nơi cách ly, nhà trường hỗ trợ tất cả các sinh viên F0 mỗi em 1 triệu đồng.
Bà Hoa chia sẻ: "Để chuẩn bị cho kỳ học QPAN thường niên, nhà trường đã phối hợp với các TT giáo dục QPAN, chuẩn bị các phương án học tập cho sinh viên trong điều kiện bình thường mới. Năm nay, do điều kiện dịch bệnh, sinh viên trường ĐH KTQD đã được học 2 học phần trong chương trình giáo dục QPAN, lần này các em lên các trung tâm giáo dục QPAN để học tiếp hai học phần thực hành theo đúng qui định.
Các em sinh viên được gửi tới học tập trung tại 3 trung tâm: TT giáo dục QPAN của trường đại học Công nghiệp tại Hà Nam, Trung tâm giáo dục QPAN của trường Đại học Hùng Vương ở Thành phố Việt Trì, và Trường Quân sự, bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (Nơi có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức cách ly các F0, F1 trong giai đoạn đầu khi dịch COVID - 19 mới xuất hiện).
Mọi sinh viên trước khi đi học và được lên xe để học tập trung trên các TT QPAN phải có 2 điều kiện: Đã tiêm 2 mũi và có giấy chứng nhận test âm tính đúng qui định.
Để hỗ trợ sinh viên, trước khi các em đi học, nhà trường đã hỗ trợ mỗi sinh viên 200 nghìn đồng trừ vào học phí để các em thực hiện test Covid - 19. Các thầy cô phụ trách xe, các thầy cô cố vấn học tập và chủ nhiệm lớp, lãnh đạo Khoa/Viện, Liên chi đoàn Khoa/viện cũng thường xuyên hỏi thăm, chia sẻ với các em, hỗ trợ các em khi gặp khó khăn suốt trong quá trình học".
Sinh viên đi lấy cơm về phòng ăn để tránh tập trung đông người (Ảnh: TA).
Theo bà Hoa, khi thấy các em bị F0, các thầy cô mua thuốc, mua nước xịt khuẩn gửi lên cho các em. Dịch bệnh đến với các em là điều không ai mong muốn, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi mỗi ngày số ca F0 trong tất cả các tỉnh thành đều tăng lên rất nhanh, Hà Nội có ngày trên 5000 ca thì các em đi học tập trung cũng khó tránh khỏi nhiều em bị F0.
Tuy nhiên, ngay khi phát hiện các ca F0, tất cả các trung tâm đã tiến hành sàng lọc và thực hiện cách ly F0, F1, sắp xếp chỗ cách ly cho các em. Chuyển từ ăn tập trung sang cho các em ăn cơm hộp tại phòng. Điều kiện vật chất tại khu cách ly cũng như mọi khu cách ly F1 và khu thu dung F0 khác của thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, chắc chắn không thể như ở nhà của các bạn được.
Vì thế, có sinh viên nhà có điều kiện đã phàn nàn về điều kiện khu cách ly là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, các Trung tâm đã liên hệ với gia đình về những trường hợp F0. Theo đó, gia đình có thể đón F0 về nhà chăm sóc hoặc nếu sinh viên đồng ý tiếp tục cách ly tại Trung tâm, thì các thầy cô vẫn tạo điều kiện giảng dạy và cho các bạn học tiếp các nội dung học cùng với các F0 khác để hoàn thành khóa học.
Sinh viên nhận chai xịt khuẩn cá nhân, viên muối xúc họng, viên xông họng, thuốc bổ phế và que test nhanh do giáo viên nhà trường gửi lên (Ảnh: TA).
Lãnh đạo nhà trường cho hay, do các em đã được tiêm 2 mũi nên hầu hết các sinh viên đều không có dấu hiệu hoặc có triệu chứng nhẹ nên các em vẫn có thể tiếp tục học tập online và các bài thực hành trong điều kiện giãn cách.
Một số bạn khi biết mắc F0 cũng rất hoang mang nhưng được các thầy cô giáo động viên, hướng dẫn đã yên tâm học tập tại khu cách ly. Em nào về với gia đình sẽ được bảo lưu các học phần đã học.
Sinh viên tại Trung tâm quân sự (Ảnh: TA).
Giải thích về việc sinh viên tắm nước lạnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân giải thích: "Thời tiết rét đậm, rét hại, khó có thể đảm bảo tất cả các phòng có nước nóng một cách nhanh và tiện dụng như ở các gia đình có điều kiện được, nên một số bạn gặp khó khăn khi cần tắm nước nóng ở 1 vài trung tâm cũng khó tránh khỏi. Các thầy cô ở Trung tâm đã khắc phục bằng cách hỗ trợ đun nước nóng cho các em".
Theo cô Hoa, nhà trường cũng lập group F0 gồm các bạn sinh viên F0, các thầy cô của trường đại học KTQD và các thầy cô của các trung tâm để kịp thời hỗ trợ các bạn 24/24 giờ. Trong Group F0 sinh viên không "kêu cứu" như nhiều ý kiến trên mạng xã hội thời gian qua.