Sinh viên "khoác áo" nhà chùa làm việc thiện

Tôi gặp những sinh viên, những người trẻ vận đồ nhà chùa trao hàng ngàn phần cơm trưa cho các sỹ tử tỉnh xa về Hà Nội trong những ngày thi vất vả. Không ai biết họ cũng là những sinh viên, thậm chí từng là những kẻ nghiện game mê muội…

Tôi gặp những sinh viên, những người trẻ vận đồ nhà chùa trao hàng ngàn phần cơm trưa cho các sỹ tử tỉnh xa về Hà Nội trong những ngày thi vất vả. Không ai biết họ cũng là những sinh viên, thậm chí từng là những kẻ nghiện game mê muội…

Ảnh: Suất cơm trưa may mắn cho các sỹ tử của phật tử Sùng Phúc
Suất cơm trưa may mắn cho các sỹ tử của phật tử Thiền viện Sùng Phúc
Đỗ Tấn Tùng, sinh viên năm thứ 3 ĐH Kinh doanh- Công Nghệ (Hà Nội) cho biết, Tùng đã tham gia sinh hoạt ở Thiền viện Sùng Phúc (Gia Lâm) hơn 2 năm nay và thu nhận được nhiều điều bổ ích cho mình. Em thấy đại đa số sinh viên thường chạy theo nhiều thú tiêu khiển tốn kém để giải tỏa những “xì chét” nhưng sau những cuộc vui nhất thời họ lại vẫn rơi vào tình trạng cũ. Nhưng khi sinh hoạt ở thiền viện, mỗi người sẽ tìm được niềm vui riêng an lạc và họ cảm thấy thoải mái trong không gian tĩnh lặng.
"Tâm lý của con người là khi làm việc thì phải có lợi thì mới làm và tham gia vì đem lại rất nhiều lợi ích cho bản thân. Khi làm việc vì mọi người em cảm thấy mình loại bỏ được tính ích kỷ, hòa đồng hơn, biết sống vì mọi người hơn và hạnh phúc khi được mọi người yêu mến", Tùng nói. 
Nguyễn Đức Hoàn, sinh viên năm thứ 2 ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Hoàn được mẹ đưa đến chùa tham gia từ hè lớp 11. Ban đầu em vào chỉ là muốn giảm khủng hoảng tâm lý, trước đây Hoàn mê chơi game, quậy phá nhưng khi được tĩnh tâm, nghe giảng Hoàn đã nhận thức được cái gì đúng cái gì sai để có thế ra ngoài xã hội tốt hơn.
Sau 2 năm tham gia người thân và bạn bè ngạc nhiên vì Hoàn đã thay đổi nhanh và nhiều đến như thế. Trước Hoàn đi chơi có khi cả tuần cũng có khi cả tháng không về dù người thân lo lắng. Theo Hoàn, ai cũng có thể có những sai lầm riêng nhưng nếu định hướng lại thì cũng có thể sẽ thay đổi.
"Tất cả các thú vui khác hiện gần như đã nằm ngoài cuộc sống của em. Chúng em cùng tham gia các hoạt động như thiện như hiến máu, hay phát cơm chay cho sĩ tử trong mùa thi Ngoài ra ngồi thiền cũng là cách hữu hiệu để giảm căng thẳng", Hoàn bày tỏ.
Ở Thiền viện Sùng Phúc vào sáng chủ nhật từ 7h30 thanh niên đã đến đây ngồi thiền và nghe Phật pháp. Trong đợt hè vào những ngày cao điểm có khoảng hơn 100-120 người đến sinh hoạt. Ngày thường từ 50-80 người, chủ yếu là học sinh, sinh viên tham gia với nhiều hoạt động: hát, trò chơi, học sơ cứu, làm báo tường, tham gia các hoạt động hiến máu, từ thiện
Thầy Thích Tỉnh Thiền, Phó Trụ trì Thiền viện cho biết: “Mô hình sinh hoạt này đã được 3 năm, thiền viện có riêng một lớp thiếu nhi cho các bé từ 13 tuổi trở xuống. Buổi sáng, các cháu học giáo lý, học hát, tập võ, ngồi thiền. Đúng 11h30, các cháu nghỉ trưa và ăn chay. Buổi chiều, trẻ được thoải mái chơi cùng các bạn. 
 Nếu Thiền viện Sùng Phúc duy trì lịch sinh hoạt cho trẻ vào tất cả các ngày cuối tuần thì nhiều chùa khác có các khóa học từ 3-5 ngày cho các em nhỏ trải nghiệm… Mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn Hà Nội với nhiều hình thức tổ chức khác nhau. CLB Thanh niên Phật Tử được thành lập năm 2005, CLB vỏn vẹn chỉ có hơn 20 thành viên. Đến nay, con số đã lên đến hơn 300 thành viên chính".
Sống chậm và tránh xa những điều vô bổ, ồn ào và đặc biệt là những người trẻ đã từng sống vô cảm bỗng hiểu cuộc sống ý nghĩa từ những điều giản dị khi bàn tay được đưa ra để chia sẻ, yêu thương…
Miên Thảo

Đọc thêm