Nghệ An lâu nay vẫn được mệnh danh là đất học của cả nước. Để học sinh vùng đất nghèo này không đói học, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đẫ đồng hành cùng các em thông qua chương trình tín dụng chính sách dành cho học sinh sinh viên (HSSV).
Chị Nga, bản Cỏ Moong, xã Mường Nọc, dệt thổ cẩm để bán lấy tiền hỗ trợ chi phí học tập cho các con. |
Quế Phong và Quỳ Châu là hai huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, nằm cách trung tâm TP. Vinh gần 200km về phía Tây. Huyện Quế Phong có 13 xã và 01 thị trấn, với địa hình cách trở, là nơi quần cư của 90% là bà con dân tộc ít người như: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Chứt. Kinh tế chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 41,08%/tổng số hộ trong toàn huyện, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
“Trước đây, nhiều em dù đậu đại học hay cao đẳng, trung cấp… thì cũng không dám đi học, vì đó là gánh nặng cho hộ gia đình nghèo. Nhưng từ khi có chính sách cho HSSV vay vốn thì số lượng con em trong địa phương đi học ở các trường tăng lên đáng kể”, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc NHCSXH huyện Quế Phong cho biết.
Một tín hiệu rất mừng là ở huyện miền núi khó khăn này nhưng những gia đình có từ 2 đến 3 cháu đi học đại học, cao đẳng… không phải là ít . Tính đến cuối năm 2011, NHCSXH huyện đã làm thủ tục và giải ngân hơn 2 tỷ đồng/học kỳ 1 năm học 2011 – 2012, còn học kỳ 2 công tác giải ngân vốn vay cho HSSV về cơ bản là đã hoàn thành.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 180.000 HSSV được vay vốn ưu đãi phục vụ học tập với số dư nợ lên tới 2.649 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Thanh Hóa). Trong học kỳ 2 năm học 2011-2012, NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp nhận và giải quyết hồ sơ vay vốn ưu đãi cho 180.000 HS, SV của 130.000 hộ gia đình, tổng số tiền được giải ngân trong học kỳ 2 này là 323 tỷ đồng. |
Toàn huyện có 248 hộ nghèo trong tổng số 1.017 hộ nghèo có từ 2 đến 3 con đi học. Gia đình chị Lang Thị Nga (56 tuổi), bản Cỏ Moong, xã Mường Nọc, chồng mất sớm, gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế hết sức eo hẹp. Nhờ được hưởng chính sách vay vốn HSSV mà cả ba con của chị đều đã được đi học đại học. Em Vi Thị Thương là sinh viên Đại học Vinh (đã ra trường năm 2011), Vi Thị Thu, học năm thứ 2 - Học Viện Quản lý Giáo dục, em Vi Thị Hương hiện là sinh viên năm nhất Đại học Luật Hà Nội.
Cũng là một huyện miền núi khó khăn, Quỳ Châu cũng có địa hình khá phức tạp và là nơi có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống. Sau 3 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV thì đến nay có hơn 20.947 triệu đồng được giải ngân cho hơn 1.439 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn.
Ông Nguyễn Quý Thái – Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Châu cho biết: “Huyện Quỳ Châu mấy năm nay nhờ được hưởng chính sách ưu đãi cho HSSV nghèo nên số lượng HSSV đi học các trường tăng lên nhiều so với trước. Từ đầu năm học đến nay NHCSXH huyện đã giải ngân được hơn 5 tỷ đồng cho 1715 HSSV, trong đó có 415 hộ/1297 hộ có trên 2,3 cháu đi đi học đều được vay vốn. Đây là cơ hội tốt để cho các em HSSV được học tập để thoát nghèo thành người có ích cho xã hội”.
Tuy còn rất khó khăn, nhưng nhờ sự vận động của các cán bộ ngân hàng, nhiều hộ dân vay vốn HSSV đã tự nguyện đến trả nợ trước thời hạn với số tiền gần 1 tỷ đồng. Công tác lập hồ sơ đều được cán bộ NHCS trực tiếp hướng dẫn bà con tại 10 tổ vay vốn của 12 xã, thị trấn. Số lượng cán bộ tại các ngân hàng rất mỏng, khối lượng công việc nhiều, nhưng anh chị em đều chung một tâm nguyện làm việc hết mình vì người nghèo.
“Để góp phần giảm gánh nặng cho các gia đình có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, để đảm bảo không có HSSV nào phải nghỉ học vì quá khó khăn về tài chính, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được vay vốn”, ông Lê Xuân Tỵ - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết – “Theo đó, ngoài các hộ gia đình nghèo, các hộ gia đình có 2 con đang theo học đại học, cao đẳng sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này”.
Ngô Toàn