Nguyễn Hương Giang (sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội), đến với ngành Y "như một cái duyên". Trải qua nhiều lần thay đổi quyết định, Giang chọn trường Cao đẳng Y tế Hà Nội để rèn luyện bản thân.
Biết ngành Y là một ngành học rất khó, nhưng khi thực sự bắt đầu học, cô sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội vẫn không khỏi "choáng". Đặc biệt khi bước sang năm cuối, thời gian học và thi dày đặc, cộng thêm phải đi thực tập khiến Giang nhiều lần cảm thấy chán nản.
“Trường tôi học xong môn nào thi luôn môn đó nên thời gian ôn rất ít, sinh viên thường xuyên phải thức đến 3-4h sáng để học. Rồi đi thực tập phải làm mọi việc, thức trắng đêm để trực, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi, giao lưu bạn bè… Nhiều lúc mệt mỏi nhưng khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh lên từng ngày, tôi cảm thấy vui lây niềm vui của họ, thấy sự cố gắng của mình có ý nghĩa, bản thân mình có ích cho xã hội. Điều này thôi thúc tôi nỗ lực hơn”, Giang chia sẻ.
Nguyễn Hương Giang - sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. |
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Nguyễn Hương Giang gửi lời chúc toàn thể các thầy thuốc, các y - bác sỹ luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc, thành công và ngày càng tâm huyết với nghề. “Đặc biệt sẽ hết lòng tận tuỵ vì bệnh nhân, để luôn tự hào với truyền thống “Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền”. Đây cũng là dịp để những người làm ngành Y cùng nhớ đến và làm theo lời căn dặn của Bác Hồ. Riêng các y - bác sỹ tương lai hãy cháy hết mình vì đam mê và vì một tương lai tươi sáng. Chúc các bạn thành công trên con đường mà mình đã chọn”, cô sinh viên năm cuối nhắn nhủ.
Hòa Hồng Phúc (sinh viên năm 6 Đại học Y Hà Nội) học ngành Y theo truyền thống gia đình. Phúc kể: “Từ bà nội đến bố mẹ rồi chị gái tôi cũng làm ngành Y nên ngay từ đầu tôi đã được gia đình định hướng theo đuổi nghề. Hàng ngày được nghe mọi người nói về công việc, hiểu về vai trò một thầy thuốc, về niềm vui, niềm hạnh phúc khi cứu được bệnh nhân, tình yêu nghề Y lớn dần trong tôi”.
Với Phúc, mặc dù quá trình học tập gian nan, vất vả nhưng cũng ghi dấu nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cô không bao giờ quên khoảng thời gian vượt gần 20 km đi thực tập tại Bệnh viện Đức Giang. “Sáng phải dậy sớm đến Viện, trưa lại phải có mặt tại trường để học lý thuyết. Cả lớp ăn bánh mì trong giờ học vì không có thời gian ăn gì khác. Học xong đến tối lại đi trực luôn, gần như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Căng thẳng, áp lực là vậy nhưng không vì thế mà chúng tôi có ý định bỏ nghề, vì hầu như ai vào ngành Y cũng xác định trước tính chất công việc, học và làm vì yêu nghề”, Hồng Phúc giãi bày.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Hồng Phúc “chúc tất cả những người đã, đang và sẽ theo đuổi ngành Y luôn giữ gìn sức khoẻ, dù có khó khăn đến mấy vẫn đuổi công việc chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho người dân”.
Cũng như Hồng Phúc, gia đình Nguyễn Quốc Khải (sinh viên năm 2 Đại học Y Hà Nội) có truyền thống 4 đời làm ngành Y. Tuy nhiên với tính cách phóng khoáng, yêu thích nghệ thuật, dự định ban đầu của Khải không phải là Đại học Y Hà Nội.
“Sở trường của tôi là sáng tạo nên tôi muốn làm nghệ thuật. Nhưng khi biết tôi có ý định đó thì người thân đã phân tích, động viên tôi theo học ngành Y. Trong mỗi bữa cơm gia đình, bố mẹ đều chia sẻ về ý nghĩa của nghề Y, là một nghề cao cả, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng cho người bệnh. Tôi dần dần tìm hiểu và quyết tâm theo đuổi nghề Y”, Quốc Khải nói.
Theo học ngành Y là một quyết định táo bạo với Phạm Thị Trang và cô gần như bị "sốc" ngay từ những ngày đầu vào giảng đường Đại học Y Hà Nội.
“Từ THPT lên đại học cách học khác nhau hoàn toàn, học Đại học Y lại khác hơn nữa. Bây giờ là sinh viên năm 3 mà tôi vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì lịch học và lịch thi dày đặc, cách 2 tuần lại thi một môn. Từ năm nhất đến năm 3, suy nghĩ của tôi về ngành y thay đổi rất nhiều. Lúc trước tôi hay xem phim thì thấy bác sĩ rất “ngầu”, vào nghề mới thấy ngành này đầy thử thách, cả về sức khỏe và ý chí, phải rất kiên trì thì mới có thể theo đến cùng được”, Trang cho biết.
Nữ sinh viên chia sẻ thêm, tương lai sẽ học thêm về tim mạch. "Vì trái tim là quan trọng nhất trong cơ thể, quyết định sự sống của con người. Tôi muốn mình sẽ là người đi chữa lành cho những trái tim bị lỗi nhịp, mang lại sự sống cho tất cả bệnh nhân”, cô bày tỏ.
Bác sĩ trẻ Đinh Thùy Dương. |
Là một bác sĩ mới ra trường, khó khăn lớn nhất đối với Đinh Thùy Dương (26 tuổi, công tác tại Bệnh viện Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình) là chưa có nhiều kiến thức thực tế. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của những “tiền bối” và đặc biệt là sự động viên của gia đình, sự quý mến của bệnh nhân, Dương đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
“Bố mẹ tôi đều làm trong ngành y nên tôi có sự hiểu biết nhất định về nghề, sự cảm thông và chia sẻ với người bệnh. Chứng kiến không ít người đau đớn vì bệnh tật hoành hành, tôi luôn suy nghĩ không biết có cách nào để giúp họ hay không. Vì vậy khi đi học cũng như chính thức bước chân vào nghề, tôi luôn ý thức tìm tòi, học hỏi, củng cố hành trang để thực hiện sứ mệnh của một bác sĩ", Thùy Dương bộc bạch. "Đến bây giờ, khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi càng thấy lựa chọn nghề nghiệp của mình là đúng đắn. Tôi cảm thấy người bệnh cũng giống những người bạn, người thân của mình vậy. Chúng tôi bảo vệ sức khỏe của họ, họ trao lại cho chúng tôi yêu thương, sự tôn trọng. Càng làm việc, càng giúp được nhiều bệnh nhân khỏi bệnh tôi càng cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”.