SJC “hành” người dân muốn bán vàng

Nhiều cửa hàng của SJC bị "tố" gây khó khăn khi người dân đến bán vàng. Lúc thì yêu cầu phải có đủ hóa đơn, không có hoá đơn sẽ bị trả lại, lúc chê vàng xước, móp, lúc nói cửa hàng không còn tiền để mua hẹn khách hôm sau. “Từ trước đến giờ người ta vẫn bán vàng cho SJC bằng sản phẩm chính hãng nhưng không bị hỏi hoá đơn, tôi nghĩ chỉ đến lúc giá vàng lên cao, hạn chế mua vào nên SJC mới gây khó khăn như vậy” - khách hàng Lê Kiều Nghĩa bức xúc nói với PLVN.  

Tài sản tiết kiệm cả đời, nhưng khi mang ra cửa hàng để bán, nhân viên ở SJC đủ nhiều lý do nói “vàng bị xước, móp”,  trả về và hẹn lần sau quay lại. Tất nhiên, lúc đó giá bán đã theo chiều hướng … đi xuống.  

Rất khó để phân biệt vàng thật, vàng giả
Mấy tuần trước, khi giá vàng vọt lên mức cao, cửa hàng SJC trên đường Giang Văn Minh đầy ắp khách đến giao dịch. Cả căn phòng nhỏ này không còn một chỗ trống, người đứng chen chân nhau.
Tại thời điểm đó, ghi nhận của phóng viên cho thấy các giao dịch chủ yếu là do khách bán vàng chốt lời vì mức giá tăng cao nhất kể từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, việc “thượng đế” bán vàng chính hãng cho cửa hàng này đã bị gây nhiều khó khăn, tạo nên tâm lý bức xúc cho nhiều khách hàng.

Bà Lê, một khách hàng mang hơn 4 cây vàng nhãn hiệu SJC đã rất bức xúc trước việc các nhân viên giao dịch ở đây từ chối mua vào và gây khó dễ khi người dân cần bán.

Theo khách hàng này, khi thấy giá cao thì bà mang vàng đi bán, nhưng trong tổng số 4 cây vàng nhãn hiệu SJC mang ra cửa hàng ở Giang Văn Minh, nhân viên giao dịch trả lại 2 cây vì lý do “vàng bị xước, bị móp”.

“Vàng tôi cất trữ hơn chục năm trong tủ, là của để dành cả đời, có phải là nhẫn đeo ở tay đâu mà xước” - bà Lê chia sẻ. Bà Lê khẳng định, dù đơn vị mua vàng nói sản phẩm bị xước, bị móp nhưng bằng mắt thường nhìn vào thì khách hàng không hề thấy những dấu hiệu xuống cấp của sản phẩm giống như điều mà cửa hàng vàng đưa ra để từ chối mua vào.

Sau khi trả lại, nhân viên SJC hẹn bà mấy hôm sau quay lại sẽ mua hết hai cây vàng “bị xước” nói trên trong khi thua thiệt của khách hàng đã thấy rõ trước mắt bởi khi “đỉnh” giá vàng đang ở mức cao thì cách mấy phút, giá vàng được hạ xuống liên tục. 

Trả lời khách hàng, nhân viên ở SJC trên đường Giang Văn Minh cho biết thời điểm đó không đủ tiền để mua hết số vàng mà khách hàng mang đến, nên hẹn mấy ngày sau quay lại sẽ mua. “Có người mang hàng chục cây vàng đến bán khi giá cao, nhưng sau khi quay lại bán theo chỉ dẫn của nhân viên SJC thì vàng đã giảm đi mấy giá, khách hàng bị thiệt nhiều triệu đồng cho số vàng đó” - một khách hàng cho hay.
Trước cách từ chối của đơn vị mua vàng, nhiều khách hàng đã yêu cầu phía SJC Giang Văn Minh ghi số sê ri vàng bị trả lại vào hoá đơn để làm căn cứ cho các giao dịch lần sau, như “lời hứa” của nhân viên ở cửa hàng này.
Bị từ chối mua vàng SJC vì “bị xước, bị móp” chưa phải là lý do duy nhất, nhiều khách hàng khác cũng rất ức chế bởi những lập luận trời ơi của đơn vị kinh doanh vàng SJC yêu cầu có hoá đơn mới mua vàng.
Phản ánh đến báo PLVN, bạn đọc Lê Kiều Nghĩa cho biết, chiều 19/9, một địa chỉ kinh doanh vàng của SJC Phan Đình Phùng  (Hà Nội) đã gây khó khăn khi người dân đến bán vàng; theo đó, các sản phẩm vàng miếng SJC khi mang đến cửa hàng này nếu không có hoá đơn sẽ bị trả lại. “Từ trước đến giờ người ta vẫn bán vàng cho SJC bằng sản phẩm chính hãng nhưng không bị hỏi hoá đơn, tôi nghĩ chỉ đến lúc giá vàng lên cao, hạn chế mua vào nên SJC mới gây khó khăn như vậy” - ông Nghĩa, cho biết.
Thị trường vàng trong nước từ đầu năm 2012 đến nay chứng kiến nhiều “đột phá” về giá mua, bán, dù cho mức chênh lệch với thế giới còn cao. Tâm lý người tiêu dùng là chốt lời khi vàng được giá, nhưng việc giao dịch trên thực tế không được như mong đợi. Và, phần “lời” đáng ra họ sẽ được hưởng đã bị “cắt  xén” theo cách từ chối mua vàng của nhiều cửa hàng, tại những thời điểm vàng “dậy sóng” với giá lập đỉnh…
Như Trang 

Đọc thêm