Tài sản khổng lồ của gia đình Công tử Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là con trai của ông hội đồng Trần Trinh Trạch (1872 - 1942), quê ấp Cái Dầy (xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
Ông Trạch có một tuổi thơ cơ cực, lam lũ, phải đi làm công từ năm 10 tuổi. Tuy nhiên, nhờ đi học thay cho con trai điền chủ, ông tiếp thu được khá nhiều kiến thức, đọc và nói trôi chảy tiếng Pháp.
Sau khi trở thành công chức của tòa hành chánh tỉnh Bạc Liêu, ông Trạch kết hôn với bà Phan Thị Muối là con gái thứ 4 của bá hộ Phan Hộ Biết, người có nhiều ruộng nhất trong vùng và được mệnh danh là vua lúa gạo Nam kỳ.
Khách sạn Công tử Bạc Liêu, nơi trước đây là nhà của hội đồng Trạch. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Trong thời gian làm thư ký điền địa, hiểu biết về pháp luật và sẵn vốn liếng từ phía vợ, ông Trạch lần lượt thu gom ruộng đất của những địa chủ không may, trong đó có những anh chị em vợ của ông do mê cờ bạc bị phá sản.
Khi đã trở thành địa chủ, ông tiếp tục mua thêm nhiều ruộng đất và lấn sang lĩnh vực ruộng muối. Theo tài liệu để lại, toàn tỉnh Bạc Liêu có 13 sở muối thì trong tay ông Trạch đã có tới 11 sở.
Thâu tóm được nhiều ruộng đất, ông Trạch nghỉ làm cho Pháp để tiếp tục làm giàu. Ông đăng ký đấu thầu quản lý sở cầm đồ và trúng thầu, nghiễm nhiên trở thành người hoạt động độc quyền cầm đồ tại Bạc Liêu. Tiếp tục đấu thầu, ông trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây nắm độc quyền phân phối rượu tại địa phương.
Bước sang lĩnh vực địa ốc, ông có hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở Sài Gòn trên đường La Grandière (trước là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng).
Chưa chịu dừng, ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Việt Nam đầu tiên được ông đứng tên sáng lập cùng với nhiều doanh nhân khác vào năm 1927. Ông trở thành chánh hội trưởng của ngân hàng này. Trong thời gian đó ông trở thành thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ (Conseil Preivé) nên thường được gọi là ông hội đồng Trạch.
Cung cách làm ăn của ông Trạch rất sòng phẳng. Nhờ vậy mà đất đai của ông ngày càng mở rộng. Ông có tới 145.000 mẫu ruộng lúa, 50.000 mẫu ruộng muối … Khối tài sản khổng lồ này khiến ông hội đồng Trạch trở thành đại điền chủ giàu có nhất miền Nam.
Khi ông hội đồng Trạch mất đi, gia sản đó thuộc về tay Trần Trinh Huy - Công tử Bạc Liêu - người được biết đến là ăn chơi nức tiếng Việt Nam trong thế kỷ 20.
Chuyện kể rằng, Công tử Bạc Liêu luôn chìm đắm trong những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những chai rượu champagne đắt tiền nhập từ Pháp, những món ăn cầu kỳ lạ miệng đều được bày biện trong những tiệc rượu có công tử tham dự.
Chiếc xe Công tử Bạc Liêu thường dùng để đi đòi nợ ở các tỉnh. Ảnh tư liệu
Sau những cuộc nhậu nhẹt ngút trời như thế, cờ bạc là thú vui không thể thiếu với Trần Trinh Huy. Công tử từng đánh bạc với quốc trưởng Bảo Đại, với Bảy Viễn - một tay giang hồ trùm sòng bạc Đại Thế Giới. Trong những lần đánh bạc đó, có lần Công tử Bạc Liêu thua đến 30.000 đồng. Thời điểm này lúa chỉ có 1,7 đồng /giạ và lương của Thống đốc Nam kỳ cũng chỉ 3.000 đồng/tháng…
Nếp sinh hoạt không ai theo kịp như thế nhưng con, cháu của Công tử Bạc Liêu lại trải qua cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Gia cảnh khó tin của con trai Công tử Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu có 8 người con, lần lượt là: Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ. Năm 1974, công tử qua đời. Các con đã bán căn nhà cuối cùng của cha để lại ở Sài Gòn, chia cho mỗi người một ít rồi mạnh ai nấy sống.
Trong đó, vợ chồng ông Trần Trinh Đức sinh sống bằng nghề buôn bán. Tuy nhiên, năm 1997, con gái ông là Trần Thị Phượng đã lớn. Ở tuổi đang yêu Phượng theo bạn bè sa vào cờ bạc bị lừa cả tình lẫn tiền. Quẫn trí, Phượng suy sụp lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt.
Vợ chồng ông Đức phải bán hết tài sản để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ. Cả nhà đành phải đùm dúm lên tận xứ chùa Tháp để lánh nợ. Trên đất Miên, ông sống bằng nghề sửa giày dép nhưng cũng chỉ được vài năm, năm 2000 cả gia đình ông lại dắt díu về Sài Gòn.
Lần trở về này, ông Đức sống bằng nghề chạy xe ôm. Ông làm việc tối ngày nhưng thu nhập vẫn không bù đắp được nhu cầu cần thiết.
Ông Trần Trung Đức. Ảnh Trần Chánh Nghĩa
Năm 2009 gia đình ông lại quay về Bạc Liêu. Thấy ông Đức khó khăn, năm 2013, Sở Xây dựng Bạc Liêu đưa gia đình ông về ngụ tại căn nhà số 112 đường 15 khu dân cư phường 5, TP Bạc Liêu.
Từ đây, công việc mưu sinh mỗi ngày của ông là có mặt tại nhà trưng bày "Công tử Bạc Liêu" để bán sách của nhiều nhà văn viết về cha mình và chụp ảnh với khách tham quan... Công việc cũng nhàn và có thu nhập khá hơn, không phải bươn chải vất vả như thời còn chạy xe ôm.
2h30 ngày 18/6/2022, ông Trần Trinh Đức qua đời, hưởng thọ 76 tuổi.