Mười vị đó là: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh.
Tuy nhiên, cùng với lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, số phận những vị “khai quốc công thần” này cũng đầy thăng trầm và có những người phải chịu oan khuất nơi chín suối. Cuộc đời và cuộc sống gia đình của họ gần đây mới được mọi người biết đến rộng rãi qua báo chí Trung Quốc…
Chu Đức - Nguyên soái Tổng tư lệnh với 6 bà vợ
Chu Đức (1886-1976) tên thật là Chu Đại Trân, quê Tứ Xuyên, sinh ra trong gia đình nghèo. Bà mẹ sinh 13 người con, chết 5, còn lại 8 nhưng chỉ 3 người được đi học, trong đó có Chu Đức.
Về cuộc sống riêng, Chu Đức có 6 bà vợ chính thức. Năm 1905, sau kỳ thi cuối cùng trong đời học sinh, ông về quê rồi cưới người chị họ lớn hơn 2 tuổi là Lưu Thị theo sắp xếp của cha mẹ. Bà này hiền hậu nhưng Chu Đức không thích, năm 1906, ông lấy cớ đi tìm thày để học rồi đi luôn không về.
Sau khi ông đi, bà Lưu ăn chay niệm Phật để cầu cho chồng bình an. Sau năm 1949, Chu Đức cho người về quê đón bà lên Bắc Kinh để nuôi dưỡng nhưng bà từ chối. Năm 1958, bà Lưu mất ở tuổi 74.
Năm 1912, chàng Thiếu tá 26 tuổi Chu Đức của lộ quân Vân Nam cưới cô sinh viên Sư phạm Côn Minh 18 tuổi Tiêu Cúc Phương - em gái một người bạn - làm vợ. Ông rất yêu quý người vợ trẻ đẹp, có học, tư tưởng tiến bộ này.
Năm 1916, bà sinh con trai là Chu Kỳ, Chu Đức rất mừng, hăng hái chiến đấu lập nhiều công tích. Nhưng đầu năm 1917, Tiêu Cúc Phương bị bệnh, chữa mãi không khỏi rồi mất năm 1919. Chu Đức đau xót làm 7 bài thơ khóc vợ, trong đó có bài “Điếu vong thi” nổi tiếng.
Cám cảnh thủ trưởng gà trống nuôi con nhỏ, người cán bộ thuộc cấp của Chu Đức là Trần Bình Huy đã giới thiệu cho ông cô em gái 21 tuổi là Trần Ngọc Trinh để thay ông nuôi dạy con trai. Tuy nhiên là lính nên Chu Đức nay đây mai đó, chẳng có thời gian sống bên bà. Trần Ngọc Trinh một mình nuôi con hộ chồng đến năm 1967 thì qua đời.
Sau khi rời Tứ Xuyên, Chu Đức được Chu Ân Lai giới thiệu vào ĐCS Trung Quốc, sang Liên Xô du học. Đi cùng ông là cô gái 19 tuổi xinh đẹp thông thạo mấy ngoại ngữ Hà Trị Hoa. Họ cùng nhau ở Đức rồi sang Liên Xô. Năm 1926, Hà Trị Hoa sinh con gái là Chu Mẫn (tên ở nhà là Tứ Tuần, vì khi đó Chu Đức tròn 40 tuổi), nhưng rồi do tính tình không hợp nên họ nhanh chóng chia tay nhau.
Bà Hà Trị Hoa lấy Hoắc Gia Tân, một nhà hoạt động cách mạng trẻ du học ở Pháp; Chu Mẫn theo cha về nước và cả đời không bao giờ gặp lại mẹ nữa. Nhưng chuyện không dừng ở đó, vợ chồng Hoắc Gia Tân, Hà Trị Hoa sau về Thượng Hải hoạt động nhưng phản bội, chủ động bán rẻ lãnh tụ La Diệc Nông cho địch, rồi bị đội trừ gian của Trần Canh nhận lệnh trừng trị: Hoắc Gia Tân bị bắn chết, Hà Trị Hoa bị trọng thương, chạy trốn về Tứ Xuyên lấy chồng là nông dân rồi chết vì bệnh trước khi cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949. Đó là một chuyện buồn mà cha con Chu Đức, Chu Mẫn không muốn nhắc đến…
Mùa xuân 1928, khi Hà Trị Hoa phản bội cách mạng thì Chu Đức dẫn quân về Lai Dương, Hồ Nam. Ở đây ông gặp và cưới người vợ thứ 5 là Ngũ Nhược Lan, một đảng viên, nữ tú tài xinh đẹp 24 tuổi. Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng kéo quân lên Tỉnh Cương Sơn gặp Mao Trạch Đông.
Sự nghiệp của Chu Đức có bước phát triển mạnh, nhưng trong đợt chống vây quét thứ ba, khi cùng đơn vị bảo vệ yểm trợ cho Chu Đức phá vây, Ngũ Nhược Lan khi đó đang có mang đã bị thương rồi bị địch bắt.
Bất chấp mọi đòn tra tấn, bà vẫn quyết không khuất phục, đích thân Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh chặt đầu bà để thị chúng. Chu Đức hay tin vô cùng đau xót, thương cảm. Ông rất yêu quý Ngũ Nhược Lan và đó có lẽ là lý do ông cả đời đều thích hoa Lan, làm rất nhiều bài thơ về hoa Lan.
Sau khi Ngũ Nhược Lan chết, ở tuổi 43, Chu Đức đã gặp, yêu và kết hôn với Khang Khắc Thanh, nữ chiến sĩ Hồng quân 17 tuổi. Khang Khắc Thanh, người vợ thứ 6 đã gắn bó với ông trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Bà đã được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Trung ương ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó Chủ tịch Chính Hiệp (mặt trận) toàn quốc. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (CMVH), bà đã bị giam lỏng, sau đó được minh oan. Khang Khắc Thanh mất ngày 22/4/1992, thọ 80 tuổi.
Bành Đức Hoài (1898- 1974) tên thật Bành Đắc Hoa, người cùng quê Tương Đàm, Hồ Nam với Mao Trạch Đông. 6 tuổi ông đã biết đọc “Luận Ngữ”, nhưng năm 10 tuổi phải rời nhà đi ăn xin.
Năm 1918 ông đính hôn với người em họ là Chu Thụy Liên, nhưng sau đó ông bỏ nhà nhập ngũ để “tìm đạo lý cho người nghèo”. Ở nhà, do bị địa chủ bức bách, cha đẻ Chu Thụy Liên bị bức tử, bà cũng nhảy núi tự tử vì không chịu bán thân.
Năm 1922, được bạn bè mai mối, Bành Đức Hoài kết hôn với Lưu Tế Muội, một cô gái mới 12 tuổi, nhưng khai tăng thành 14. Cưới xong ông đổi tên vợ thành Lưu Khôn Mô, dạy vợ biết đọc và viết.
Năm 1928 khi nổ ra Khởi nghĩa Bình Giang, ông đưa vợ về nhà ngoại, hẹn sau khi cách mạng thắng lợi sẽ về đón, nhưng không ngờ bị mất liên lạc. Mang tiếng “vợ phỉ”, Lưu Khôn Mô phiêu dạt khắp nơi, sau lấy chồng khác ở Hán Khẩu, sinh được 1 con gái.
Năm 1937, khi biết tin Bành Đức Hoài đã là Phó Tổng tư lệnh Bát lộ quân, bà liền viết thư ngỏ ý muốn gặp lại. Ông nhận được thư, lập tức cho người đón lên Diên An và bố trí công tác. Tuy nhiên, hai người không thể “gương vỡ lại lành” được nữa. Sau bà lấy ông Nhiệm Sở Hiên, một trưởng phòng ngân hàng ở Thiểm Cam Ninh. Sau giải phóng bà cùng chồng về Bắc Kinh rồi chuyển lên Cáp Nhĩ Tân sinh sống.
Sau đó, Bành Đức Hoài cũng có thêm dăm bảy mối tình với các nữ Hồng quân, nữ nhà báo, cả phụ nữ nước ngoài ở Diên An, nhưng chả đâu vào đâu. Mãi đến năm 1938, qua mai mối của bà Mạnh Khánh Thụ (phu nhân ông Vương Minh, Tổng bí thư), vị Phó Tổng tư lệnh 40 tuổi mới kết hôn cùng Phổ An Tu, cô sinh viên ĐHSP Bắc Bình 20 tuổi, xinh đẹp nổi tiếng.
Cả cuộc đời hai lần kết hôn, trải qua không ít mối tình, nhưng Bành Đức Hoài không có con cái. Vị tướng tài ba từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy Chí nguyện quân Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương này trong Cách mạng Văn hóa đã bị đấu tố tàn khốc, bị giam giữ và chết vì bệnh ung thư ngày 29/11/1974. Đến tháng 12/1978, ông được minh oan và khôi phục danh dự…/.