Truyền thuyết thú vị
Chùa Phật tích còn gọi là chùa Vạn Phúc nằm bên sườn núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. “Lạn Kha” còn có nghĩa là “cán rìu mục nát”. Tên gọi này có gốc tích từ truyền thuyết Vương Chất lên núi đốn củi gặp hai vị tiên đánh cờ.
Chuyện kể rằng, Vương Chất vốn là tiều phu quanh vùng này. Một hôm anh cầm rìu lên núi hái củi thì gặp hai vị tiên đang mải mê đánh cờ. Vương Chất không biết rằng một ngày trên tiên giới bằng trăm năm dưới trần gian. Khi ván cờ kết thúc nhìn xuống cán rìu đã mục nát.
Trong chùa Phật tích trồng nhiều hoa mẫu đơn nên người dân trong vùng vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện Từ Thức gặp tiên. Hàng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng Giêng nơi đây tổ chức lễ hội để dâng hương lễ Phật, mở hội xem hoa.
Năm đó, người ta thấy một cô gái trẻ “tuyệt sắc giai nhân” độ mười năm, mười sáu tuổi đến dự lễ hội. Dù không son phấn nhưng da dẻ nàng hồng hào, mịn màng. Mải ngắm nhìn một bông mẫu đơn đẹp, tay nàng khẽ chạm vào cành hoa thì vô tình gãy liền bị chú tiểu trong chùa bắt phạt.
Từ Thức lúc này là quan huyện vào chùa vãn cảnh thấy một cô gái bị trói thì động lòng trắc ẩn. Từ Thức liền cởi áo đưa cho nhà chùa để chuộc nàng ra. Về sau mới biết, cô gái đó là nàng tiên Giáng Hương. Cảm phục lòng tốt của Từ Thức, sau này nàng đã “kết tóc se duyên” cùng với anh.
Ngoài những câu chuyện kể mang màu sắc cổ tích hấp dẫn, ngôi chùa còn là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo, nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị. Tới nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu.
Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17. Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp trò.
Bước qua cổng tam quan, lên bậc thềm là hình ảnh hàng linh thú bằng đá mỗi con một dáng vẻ ngộ nghĩnh hướng ra cổng chùa. 10 tượng đá này gồm 5 cặp tượng: voi, sư tử, trâu, ngựa, tê giác.
Bức tượng phật quý nhất Việt Nam
Tuy nhiên giá trị nhất là pho tượng phật A di đà được đặt ở vị trí trang nghiêm nhất trong chùa. Pho tượng mang phong cách nghệ thuật thời nhà Lý, dáng dấp của tượng Ấn Độ mà không pho tượng nào ở Việt Nam có được.
Pho tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối, cao 1,85m, cả bệ là 2,77m. Theo thư tịch cổ cho rằng, trước đây tượng Phật được dát ngoài bằng vàng, qua thời gian giờ chỉ còn bức tượng đá xanh như hiện tại.
Bức tượng mang nhiều nét “quý tướng” của nhà Phật như: tóc xoăn, cổ cao, dái tai dài, đặc biệt đôi mắt khép hờ nhưng vẫn thể hiện được ý nghĩa muốn quan sát sự vật xung quanh, cứu vớt chúng sinh. Thân hình tượng cân đối, thanh thoát, mang nhiều vẻ nữ tính.
Tượng ngồi theo thế kiết già, hai tay đặt chồng lên nhau, ngồi hơi nghiêng về phía trước nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm trang, điềm tĩnh. Nghệ nhân xưa tạc tượng mặc pháp y với hai lớp áo, các nếp nhăn của áo được trạm khắc, gợi tả khéo léo và tinh tế.
Quan sát gần bức tượng có thể thấy đó là kiểu dáng áo dính ướt khiến tượng không cứng nhắc mà có phần thanh thoát, thoải mái. Điểm làm tôn thêm vẻ đẹp cho pho tượng chính là bệ đá tòa sen hình cánh hoa sen úp và ngửa, được trang trí khá tỉ mỉ.
Phần trên cánh sen là hình ảnh trạm khắc rồng mang đậm phong cách thời Lý (Rồng thời Lý là rồng giun da trơn không vảy khác hẳn rồng thời Trần). Lớp nhỏ hơn là hình ảnh chạm khắc hoa cúc dây, dưới mỗi dây hoa cúc là những người tí hon, dưới cùng là hình ảnh sóng nước.
Bức tượng Phật A di đà từng nhiều lần bị hư hại. Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, tượng phật bị dùng làm bia tập bắn đạn. Thân tượng bị nhiều vết đạn làm méo mó, đặc biệt đầu tượng bị đứt khỏi thân.
Khi đó, trong làng có một cụ già thương tiếc cho một báu vật liền trộm lấy đầu và thân tượng đem về cất cẩn thận. Sau đó, cụ lấy nước từ Giếng rồng thiêng gần đó để lau chùi cẩn thận. Hòa bình lặp lại cụ già đem bức tượng trả lại cho chùa.
Từ đó đến nay tượng Phật trải qua nhiều lần tu sửa và phục dựng lại theo nguyên mẫu. Hiện nay có nhiều giả thiết cho rằng bức tượng Phật trải qua chiến tranh tàn phá có nhiều thay đổi so với nguyên mẫu. Họ chỉ ra rằng, nếp áo phủ chân được mài phẳng khiến nếp áo có cảm giác bị cắt cụt.
Hình ảnh rồng trạm khắc không tương thích với bức tượng, vì hình ảnh rồng là hình tượng trưng cho vua chúa chứ không liên quan gì đến phật pháp. Giả thiết đưa ra rằng có thể vào thời nhà Lê pho tượng Phật được tu sửa.
Cũng có ý kiến cho rằng, chiều cao của tượng cũng bị thay đổi, trước đây cao hơn, tượng đồ sộ hơn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những suy đoán, giả thiết chứ chưa có cơ sở để chứng minh.