Đợt lũ lịch sử vào năm 2010 đã gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất đối với tỉnh Quảng Bình. Cứ mỗi lần nhắc lại trận lũ kinh hoàng ấy, người dân xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, vẫn không thể nào quên cái tên Thuận “lách”, người đã dũng cảm vượt dòng nước dữ đến cứu các cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Hưng Trạch thoát khỏi hiểm nguy.
Thuận “lách” tên thật là Phạm Văn Thuận (SN 1987, ngụ xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch). Theo lời kể của nhân vật, vào thời điểm trên, chỉ sau vài giờ mưa lớn, quê anh đã chìm trong mênh mông biển nước. Hầu hết những hộ dân ở ven sông và vùng trũng đều bị nước cô lập.
Khi lũ vừa lên, anh Thuận tranh thủ dọn đồ đạc trong nhà đến chỗ cao ráo để gửi gắm. Xong xuôi, chàng thanh niên này lại tất tả đi quanh xóm xem ai cần giúp đỡ thì phụ một tay. Lúc ra gần đến UBND xã Hưng Trạch, anh Thuận thấy có một người đàn ông mang sắc phục bảo vệ, cầm theo một chùm chìa khóa với vẻ mặt hớt hải.
Biết người kia cần giúp đỡ, anh Thuận lại hỏi chuyện thì được biết, trong Trường Tiểu học Hưng Trạch, có một số giáo viên và học sinh bị mắc kẹt vì lũ. Người bảo vệ già vừa dứt lời, anh Thuận liền chạy đi gọi thêm hai người bạn theo mình bơi vào nơi các cô trò bị cô lập để giúp đỡ.
Thế nhưng nước lũ chảy xiết, cả 3 chàng trai chỉ bơi được khoảng 300m thì bị cuốn trở ra. Đang trong lúc bí bách, anh Thuận may mắn vớ được đường dây điện hạ thế (đã cắt điện) rồi bám theo vào tận trường. Khi gặp các cô trò, anh Thuận đưa từng người dời đến chỗ cao rồi lại lội nước đi mượn dao, chặt chuối kết bè. Ngay trong đêm, anh đã đưa được 4 cô trò bị mắc kẹt trong lũ đến vùng an toàn.
Anh Thuận kể: “Lúc đó trời tối, nước to, bọn tôi ba người, không ai có áo phao nhưng vẫn liều mình bơi hơn 500m vào phía trường để cứu các cô trò đang mắc kẹt. Khi đến nơi, tôi đưa họ lên điểm cao rồi lội nước đi mượn dao, chặt chuối kết thành bè, dìu 4 người ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Cũng theo lời anh Thuận, sau đêm dài dầm mình trong nước, anh bị sốt. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, anh vẫn nén đau, tiếp tục kết bè chuối, chèo đi quanh xóm để phụ giúp bà con sơ tán đồ đạc, hỗ trợ những người già yếu, tàn tật đến nơi an toàn.
“Lũ lên bất ngờ quá, lực lượng chức năng tại địa phương phải phân tán nhiều nơi nên không hỗ trợ kịp bà con. Lúc đó mình là thanh niên sức dài vai rộng, trong tình hình nguy cấp thì phải gắng sức để giúp xóm giềng”, anh Thuận chia sẻ.
Những đóng góp của anh Thuận được chính quyền thôn-xã ghi nhận, tuyên dương. Đáng quý hơn, vào cuối năm đó, anh được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì “Đã dũng cảm cứu người bị nạn trong đợt lũ đầu tháng 10/2010”.
Sau thời gian ấy, anh Thuận lại trở về với cuộc sống mưu sinh, quanh năm đầu tắt mặt tối để kiếm kế sinh nhai. Do ruộng đất ít, thường ngày anh phải làm thuê làm mướn đủ nghề, không kể việc nặng nhẹ, gần xa. Cũng vì bươn chải, làm nhiều việc nặng nhọc, nguy hiểm mà tai nạn liên tục ập đến với anh.
Đầu tiên là vào năm 2012, anh Thuận cùng hai công nhân khác đang bốc xếp gỗ lên xe tải thì chiếc xe bị lật, cả đống gỗ đổ ào xuống, đè lên cả 3 người. Hậu quả, 2 người đi cùng bị gỗ đè chết, anh Thuận may mắn sống sót nhưng gãy chân và vai, phải nhập viện một thời gian dài.
Xui xẻo chưa dừng lại ở đó, vào tháng 4/2016, sau khi tay chân vừa lành lại, anh Thuận tiếp tục gắng sức đi xúc cát thuê để kiếm tiền. Khi đang làm việc giữa chừng thì trời đổ mưa xối xả. Lúc đó, anh Thuận ghé vào một hốc đất nấp để tránh mưa, bất ngờ đất đổ sập xuống, vùi kín người anh.
Trong lằn ranh sinh tử, anh Thuận cố gắng vẫy vùng, bò ra khỏi đống đất cát. Thế nhưng, vừa bò khỏi đống cát thì anh nghe lưng đau nhói, hai chân tê buốt, không còn cảm giác.
Sau khi xảy ra tai nạn, anh Thuận được người thân đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tuy nhiên, do một đốt sống bị vỡ, gây chèn ép tủy nên chàng trai này bị liệt hẳn hai chân. Từ ngày anh Thuận nằm xuống, bao nhiêu công việc nặng nhọc trong nhà đều đổ dồn lên vai người mẹ, bà Ngô Thị Vinh (56 tuổi). Nhiều lúc bí bách vì con đau, lại không biết xoay sở đâu ra tiền để lo thuốc men, bà Vinh đành ra chợ ngửa tay xin từng đồng bạc lẻ để có chút tiền chăm sóc con trai.
Bà Vinh kể: “Giờ tôi cũng hay bệnh, sức khỏe không bảo đảm nên ít người kêu đi làm. Từ ngày Thuận nằm xuống đến nay, thứ gì có giá trị trong nhà tôi đã bán hết để lo thuốc men cả rồi. Nay chẳng biết xoay đâu ra tiền, mỗi khi con bệnh, tôi lại chấp nhận ra giữa chợ, ngửa tay xin lòng từ bi của bà con để có tiền mua thuốc cho Thuận”.
Kể về hoàn cảnh, bà Vinh cho biết, năm 17 tuổi bà lấy chồng. Khi con gái đầu lòng vừa tròn 1 tuổi thì chồng bà không may bị hổ vồ trong một chuyến đi rừng. Cùng thời điểm đó, bà hay tin mình đã mang bầu anh Thuận gần 1 tháng. Sau ngày chồng gặp nạn, bà Vinh chấp nhận cảnh góa bụa để nuôi hai con khôn lớn. Đến nay, con gái đầu của bà đã lấy chồng, định cư ở Đắk Lắk nhưng cuộc sống cũng khó khăn bộn bề.
Nhận xét về gia cảnh anh Thuận, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, hộ anh Thuận thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, xã chưa giúp được gia đình này nhiều vì kinh phí hạn hẹp.
“Sau khi biết tin anh Thuận gặp nạn, phía xã cũng vận động các nhà hảo tâm, các đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên này có kinh phí đi chữa bệnh. Bản thân tôi cũng như bà con nơi đây rất mong anh Thuận được khỏe mạnh trở lại để làm việc, phụ giúp mẹ già vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”, ông Thắng chia sẻ.