“Thuốc Tây cũng cần hạn sử dụng à?”
Ngày 8/1 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt nhiều nhà thuốc bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng kèm một số vi phạm khác. Trong đó, đa phần các nhà thuốc này nằm ở khu vực các quận, huyện ngoại thành thành phố như quận 12,Hóc Môn, Bình Chánh. Cụ thể, nhà thuốc BV huyện Bình Chánh khu phố 5, thị trấn Tân Túc bị phạt 20 triệu đồng; nhà thuốc Minh Châu, ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) 23 triệu đồng; nhà thuốc Hồng Ngân, khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12 14 triệu đồng; nhà thuốc Thái Hà, phường 13, quận 11) 14 triệu đồng... Theo Thanh tra Sở Y tế, việc kinh doanh thuốc tây quá hại sẽ mang lại tác hại cho người uống thuốc. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm liên quan đến hạn sử dụng thuốc và việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược.
Hiện nay, người dân vẫn có thói quen mua các loại thuốc thông dụng không cần toa của bác sĩ. Khi có nhu cầu, người dân chỉ việc đến nhà thuốc tây yêu cần loại thuốc cần. Việc mua bán tân dược diễn ra cực kì dễ dàng, hầu như không bị kiểm soát bởi các quy định. Chính vì thuốc được bán lẻ dễ dàng, thuận tiện nên hầu hết người mua thuốc không hề chú ý đến hạn sử dụng của thuốc. Nhiều loại thuốc thông dụng được bán lẻ, theo viên hoặc theo vỉ, không bán cả hộp nên thuốc có quá hạn sử dụng người mua cũng không hề hay biết.
Tại nhà thuốc A.T trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, anh Trần Kim Trung đến mua một vỉ thuốc Phanadol và hai viên thuốc nhức đầu. Dược sĩ đứng bán thuốc nhanh chóng lấy thuốc bán cho anh Trung, không cần hỏi đến triệu chứng và bệnh trạng. Anh Trung cũng không hỏi hay yêu cầu cho biết hạn sử dụng của thuốc mình mua. Khi được hỏi, anh Trung mới ngớ người: “Thuốc tây cũng cần hạn sử dụng à? Trước đến nay tôi chưa từng để ý vấn đề này!”
Tương tự, nhiều người mua thuốc cũng không hề để tâm đến hạn sử dụng của các loại thuốc Tây. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ phường 25, Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh cho biết, có lần chị ra nhà thuốc Tây gần nhà mua thuốc cảm sốt, khi nhận thuốc về nhà mới thấy viên thuốc có vẻ lạ, thuốc bình thường chị vẫn uống màu trắng, nhưng viên thuốc này hơi ngả màu ngà, không còn chắc như bình thường. Mang hỏi dược sĩ, chị được cho biết đây có lẽ là thuốc hết hạn. Sau đó, chị chỉ đem đến nhà thuốc trả và đổi thuốc chứ cũng không khiếu nại gì.
Tác hại khôn lường
Theo khuyến cáo từ các dược sĩ, thuốc tây hết hạn thường có các dấu hiệu nhận diện sau: biến màu nhẹ, thuốc dạng con nhộng vì vỏ mềm, dễ bục, thuốc dạng viên nén dễ sứt mẻ, dễ tơi thành bột. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào thuốc quá hạn cũng có dấu hiệu dễ nhận biết. Thông thường, thuốc quá hạn sẽ bị giảm chất lượng, không còn nguyên vẹn những tác dụng như ban đầu.
Một số loại thuốc được khuyến cáo tuyệt đối không được uống khi đã quá hạn như: Thuốc tim mạch (nhất là nitroglycerin dùng cho bệnh đau thắt ngực), thuốc kháng đông máu (Warfarin), thuốc chống động kinh, trị bệnh đái tháo đường hay thuốc chữa các bệnh về tuyến giáp, hen suyễn... Về tác hại, không phải thuốc quá hạn nào cũng có tác hại giống nhau. Có nhiều loại thuốc sau khi quá hạn một thời gian vẫn có thể sử dụng được, nhưng cũng có một số loại quá hạn sẽ phát sinh độc tính, có thể khiến cơ thể mệt mỏi, gây hại cho cơ thể về lâu về dài.
Trước đây, đã có nhiều trường hợp những nhà thuốc Tây bị bắt quả tang tẩy xóa hạn sử dụng trên vỏ bao bì để bán thuốc quá hạn cho khách. Một nhiều trường hợp được ghi nhận đã nhập viện vì sử dụng thuốc tây quá liều, như bệnh nhân T. ở quận 7, sử dụng thuốc Tetracyclin quá hạn 6 tháng bị nổi mẩn ngứa, sốc phản vệ, một trường hợp ở quận Tân Bình, do uống thuốc giảm đau quá hạn sử dụng 6 tháng, bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn phải nhập viện điều trị.
Để tránh các nguy cơ xấu cho sức khỏe từ việc sử dụng thuốc tây quá hạn, Sở Y tế đã có khuyến cáo người dân nên mua thuốc theo toa, theo sự hướng dẫn của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh của mình. Ngoài ra, nên mua thuốc tại các nhà thuốc uy tín, khi mua nên chú ý đến hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc.