'Soái ca, soái tỷ xe bus' bảo vệ sự an toàn của hành khách và trẻ em gái

(PLVN) - bất cứ ai cũng có thể trở thành “soái ca, soái tỷ xe bus”, không phải là nhờ một vẻ ngoài đẹp mà là nhờ những hành động đẹp, bắt đầu từ việc lên tiếng tố giác khi chứng kiến các hành động quấy rối, mất an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân, đặc biệt là các em gái...
Các tình nguyện viên phát tờ rơi tuyên truyền chống quấy rối tình dục trên xe buýt.

“Soái ca, soái tỷ xe bus” là tên của phiên tọa đàm mới diễn ra trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”. Sau hơn 7 năm thực hiện, với sự nhận thức và tham gia của các “soái ca, soái tỷ xe bus”, tình hình quấy rối tình dục nói chung và trên xe bus nói riêng đã cải thiện nhiều.

Vượt qua nỗi sợ để chấm dứt hành vi xấu

Theo Báo cáo Khảo sát An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.

Trước thực trạng này tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” – một sáng kiến toàn cầu đã được Tổ chức Plan International thực hiện tại hơn 20 thành phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội. Chương trình được triển khai tại Việt Nam từ năm 2014, phối hợp với Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐ-TB&XH, Hội LHPN thành phố Hà Nội, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) hướng tới mục tiêu xây dựng những thành phố an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với em gái, cũng như giải quyết các thách thức liên quan đến bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái.

Theo bà Đào Thị Bảo Thư - Điều phối viên dự án, Tổ chức Plan International Việt Nam, sau hơn 7 năm thực hiện, chủ đề quấy rối tình dục đã được chú ý hơn, cộng đồng đã nhìn nhận được sự nghiêm trọng của vấn đề này. Nếu như trước những năm 2014, quấy rối tình dục là vấn đề mọi người rất e ngại, thậm chí có người còn cho rằng không nên đề cập trong truyền thông thì sau nhiều năm, cụm từ này đã được lặp lại nhiều trên truyền thông và được tiếp nhận là vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vấn đề này cũng đã được nâng cao, hiểu rõ rằng quấy rối tình dục không chỉ là những động chạm cơ thể mà còn là những lời nói, cử chỉ như nhìn chằm chằm, huýt sáo, lời nói trêu ghẹo, bình phẩm về cơ thể và ngoại hình...

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công việc vận tải hành khách, anh Lê Hoàng và anh Nguyễn Cửu Long – nhân viên lái xe bus tại Hà Nội cho biết, có rất nhiều trường hợp nạn nhân, người chứng kiến hoặc nhân viên không dám lên tiếng. Ở góc độ nạn nhân, họ thường có tâm lý sợ bị đổ lỗi, sợ ánh nhìn kì thị hoặc thương hại quá mức của những người xung quanh. Còn đối với nhân viên phục vụ, do đặc thù làm việc hàng ngày trên một xe, một tuyến đường nên cũng có nguy cơ bị thủ phạm đe doạ hoặc trả thù. Tuy nhiên, mọi người cần vượt qua nỗi sợ của mình, lên tiếng tố giác để các hành vi này không còn lặp lại. Thông thường khi nạn nhân bày tỏ cần được trợ giúp, lái xe và phụ xe có thể yêu cầu nạn nhân hoặc thủ phạm đổi chỗ, hoặc nếu hành vi nghiêm trọng sẽ đưa đến cơ quan có thẩm quyền gần nhất để được xử lý.

“Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho hành khách trên xe bus. Điều quan trọng nhất là nạn nhân cần lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp. Điều này tuy khó nhưng đây là cách duy nhất để chúng tôi hoặc những hành khách khác có thể hỗ trợ” - chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên phục vụ xe bus nhấn mạnh.

Nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn

Ở góc độ một người trẻ, đồng thời là hành khách, Trương Bùi Kim Ngân, thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất: “Đối với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng khung pháp lý xử phạt cao hơn để kẻ quấy rối, xâm hại không dám tái phạm, các trung tâm, lái phụ xe cùng tham gia cam kết xử lý và bảo vệ nạn nhân bị quấy rối. Đối với các bạn trẻ, cần nỗ lực tuyên truyền tới các bạn trẻ khác về trường hợp đã gặp phải đi kèm các giải pháp có thể kèm theo”.

Anh Ngô Đăng Thắng, nhân viên lái xe bus bổ sung: “Để làm tốt công tác bảo vệ hành khách, chúng ta cần làm tốt về công tác tuyên truyền như dán poster trên xe bus… đặc biệt, tuyên truyền phổ biến về các quy định của pháp luật trong việc xử lý quấy rối tình dục nơi công cộng, vì khi nắm được quy định của pháp luật thì các anh chị lái xe, phụ xe mới có căn cứ để ứng phó với kẻ quấy rối”.

Được biết, là đơn vị có nhiều năm phối hợp với dự án, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội chia sẻ về những nỗ lực của đơn vị như: Tổ chức 51 khoá tập huấn cho gần 2.000 lái xe và bán vé xe bus về các vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới nơi công cộng; Lắp đặt các hệ thống truyền thông, hướng dẫn sử dụng xe bus an toàn; Rà soát các điểm nhà chờ xe buýt không an toàn để cải thiện hệ thống nhà chờ phù hợp với tình hình thực tế; Tăng cường hệ thống wifi trên hệ thống xe buýt để hỗ trợ hành khách sử dụng công nghệ thông tin trong việc can thiệp và trình báo tới cấp có thẩm quyền… “Việc phối hợp với dự án không chỉ mang lại những lợi ích lâu dài cho cộng đồng mà chính các nhân viên lái xe, phụ xe cũng được hưởng lợi với việc trang bị thêm những thông tin kiến thức hữu ích để có thể hỗ trợ hành khách đi xe bus, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc” - bà Trần Thị Minh Khuê, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học công nghệ, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐ-TB&XH thông tin Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong các chính sách phòng ngừa bạo lực giới và bất bình đẳng giới, trong đó có thể kể đến như: Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ 2019; Truyền thông nâng cao nhận thức; Hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân của bạo lực giới; Tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực; Tăng cường phối hợp liên ngành với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…

“Ở góc độ chính sách, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang được trình Quốc hội thông qua; chúng tôi cũng đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Bình đẳng giới và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới. Về các hoạt động, chúng tôi tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tiếp tục truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới; Vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia tư vấn phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới đối tác hành động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” - bà Loan cho biết những kế hoạch tiếp theo.

Có thể nói, bất cứ ai cũng có thể trở thành “soái ca, soái tỷ xe bus”, không phải là nhờ một vẻ ngoài đẹp (soái) mà là nhờ những hành động đẹp, bắt đầu từ việc lên tiếng tố giác khi chứng kiến các hành động quấy rối, mất an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân để cùng hướng tới những tuyến xe bus an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người, để mọi trẻ em, đặc biệt là các em gái sẽ tự tin khi ra đường để từ đó có thể tham gia vào mọi hoạt động học tập, vui chơi và các hoạt động xã hội khác một cách công bằng.

Đọc thêm