Tỉnh trả, huyện “ém” lại phần hơn
Vào trước năm 1945, Họ đạo Trà Nho sở hữu 3.182,88 m2 (thực tế là 3.823,2m2) đất ruộng, được chính quyền (chế độ cũ) cấp giấy chứng nhận. Sau đó, phần đất này được ông Diệp Quang Hầu mướn để xây dựng nhà máy xay xát Thạnh Hưng. Đến năm 1960, ông Diệp Quang Hầu bán lại nhà máy cho ông Trần Kim (vợ là bà Tạ Lang).
Sau khi mua nhà máy, ông Trần Kim tiếp tục làm hợp đồng thuê đất với Họ đạo Trà Nho để hoạt động. Ngày 10/2/1961, để mở rộng nhà máy, ông Trần Kim làm hợp đồng hùn vốn, góp tiền phát triển nhà máy với các cổ đông Trần Suôl ( tương đương 25%), Lâm Hang (15%) và đổi tên thành nhà máy xay xát Huệ Phong (đường Lê Lợi, Khóm 2, phường 1, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) và nhà máy này hoạt động đến năm 1975.
|
Ông Trần Văn Long cầm trên tay tờ “thông báo” của UBNd tỉnh Sóc Trăng trả lời đơn khiếu nại của ông (?!) |
Riêng về phần đất của nhà máy Huệ Phong, ngày 8/5/1973, Linh mục Nguyễn Ngọc Quang (Tổng giám mục Giáo phận Cần Thơ) có giấy ủy quyền cho Linh mục Nguyễn Văn Nhì (xứ đạo Bạc Liêu), đứng ra bán phần đất nói trên. Ngày 2/7/1974, Linh mục Nguyễn Văn Nhì làm giấy bán phần này cho gia đình ông Trần Kim (người đại diện ký giấy mua bán là ông Trần Tích Tài - con trai trưởng).
Như vậy, phần tài sản trên đất tại nhà máy Huệ Phong là có góp vốn của các cổ đông; phần đất tại nhà máy là của gia đình ông Trần Kim mà sau ông Trần Văn Long - người đưa gia đình thừa kế và sinh sống trên phần đất này cho đến nay.
Trở lại vụ việc, sau năm 1975 chính quyền cách mạng địa phương quản quản lí nhà máy Huệ Phong mà không có văn bản giấy tờ gì. Đến ngày 31/7/1979, chính quyền mới lập biên bản quản lí những tài sản của nhà máy này. Sau đó, gia đình ông Long có nhiều đơn cứu xét vì nhà máy Huệ Phong từng có công giúp đỡ Cách mạng trong kháng chiến. Ngày 5/7/1990, UBND tỉnh hậu Giang (cũ) ban hành Quyết định (QĐ) số 216/QĐ.UBT.90, trả lại nhà máy xay xát Huệ Phong.
Theo đó, trả cho cổ đông Trần Suôl 25%, Lâm Hang 15%; 60% còn lại chính quyền tự phân ra cho các thành viên trong gia đình của ông Trần Kim như: Trả cho Trần Khuynh Ngoánh 20%; Trần Thị Ngó 20%. Riêng 20% còn lại xác định là của Trần Tích Tài nhưng vì ông Tài xuất ngoại nên nhà nước tiếp quản. Trong khi đó, chính quyền chưa xem xét việc ông tài có giấy ủy quyền cho mẹ mình là bà Tạ Lang (đã mất năm 1986).
|
Vụ tranh chấp kép dài hơn 1/3 thế kỷ, nhà máy huệ Phong nay trở thành hoang phế |
Sự thật bị “bóp méo”?
Sau khi có QĐ 216 của tỉnh Hậu Giang (cũ), Xí nghiệp chế biến lương thực và các ngành chức năng Vĩnh Châu, triển khai nhưng không đúng tinh thần QĐ 216. Cụ thể, chỉ bàn giao nhà máy, nhà xưởng, sân phơi, kho lúa trên điện tích 1.573,60m2 cho ông Trần Khuynh Ngoánh (con ông Trần Kim) và đại diện hai cổ đông của nhà máy Huệ Phong.
Trong khi đó, không hiểu vì sao UBND huyện Vĩnh Châu giữ lại hơn 1.609 m2 đất là kho tiệp, nhà làm việc và sân phơi của nhà máy này. Ông Trần Văn Long nói: “các cổ đông hùn tiền làm nhà máy, có lợi nhuận thì đã chia. Riêng về phần đất là do ông, cha của chúng tôi mua, khi nhà nước trả lại đất thì con cháu chúng tôi được hưởng. Riêng tài sản nhà máy còn đó thì các cổ đông cứ chia ra. Nhưng...”.
Sau khi được triển khai QĐ 216, ông Long xin phép và tiến hành xây dựng nhà máy xay xát nhỏ bên trong khuôn viên nhà máy Huệ Phong thì các cổ đông khiếu nại cho rằng đó là “tài sản chung”. Từ đó các cơ quan chức năng ở Vĩnh Châu không cho xây dựng và rút phép. Không đồng tình, ông Long khiếu nại lên tỉnh. Ngày 20/11/1995, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành công văn số 70/CV.HC.95, cho ông Long hợp thức hóa 1.851m2 đất và tiếp tục được xây dựng nhà máy như đã xin phép.
Các cổ đông góp vốn bằng tiền xây dựng nhà máy (không liên quan đến tài sản đất) nhưng thấy được trả lại đất nên khiếu nại tranh chấp. Lấy cớ khiếu nại của con cháu cổ đông, Ngày 12/11/1997, ông Nguyễn Duy Tân, phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký QĐ số 864/QĐ.CH.97, phủ nhận toàn tộ những chủ trương đã giải trước đó.
Không những vậy, QĐ 864 lại cho rằng “phần diện tích 3.182,88 m2 (của nhà máy Huệ Phong) là của họ đạo Bạc Liêu, do ông Trần Kim đại diện cho các cổ đông đứng ra thuê vào năm 1961...” (?) Vì vậy, đất khu vực nhà máy Huệ Phong thuộc nhà nước quản lí. QĐ này đã bóp méo hoàn toàn sự thật, bởi hợp đồng mua bán đất giữa Linh mục Nguyễn Văn Nhì và gia đình ông Trần Kim ký ngày 2/7/1974 (ảnh) là chứng cứ quá rõ ràng.
|
Hợp đồng mua đất ngày 2/7/1974 của gia đình ông Long rất rõ ràng nhưng chính quyền “không thấy” |
Dùng văn bản hết hiệu lực để áp dụng
Mặc dù QĐ 864 ban hành từ năm 1997, nhưng đến nay ông Long vẫn quản lí nhà máy Huệ Phong và đóng thuế nhà đất liên tục và được UBND phường 1 gửi giấy mời đăng ký cấp QSDĐ. Không những vậy, ông Long đã khiếu nại liên tục QĐ 864. Đến ngày 11/6/2013, Văn phòng UBND tỉnh có thông báo tiếp nhận đơn và cho biết Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh kiểm tra lại vụ việc.
Thế nhưng vụ việc đang khiếu nại và chờ giải quyết thì ngày 30/12/2015, UBND tỉnh Sóc Trăng ra QĐ bán đấu giá QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất tại Kho A1 (nhà máy Huệ Phong). Ngày 18/7/2016, UBND tỉnh Sóc Trăng không ra QĐ giải quyết đơn khiếu nại của ông Long mà ra văn bản số 979 (như một thông báo) trả lời khiếu nại.
Công văn 979 cho rằng QĐ 864 của UBND tỉnh giải quyết tranh chấp đất nhà máy Huệ Phong là đúng, vì “căn cứ vào khoản 6, mục I, Quyết định số 111/CP, ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách quản lí và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà thuê ở các đô thị phía Nam thì việc nhà nước quản lí 3.182,88m2 đất của nhà máy Huệ Phong là phù hợp”.
Thế nhưng qua kiểm tra cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản luật thì QĐ 111/CP đã hết hiệu lực từ ngày 19/12/1980. Trong khi đó đến năm 1997 (17 năm sau) chính quyền tỉnh Sóc Trăng vẫn áp dụng văn bản luật này để “giải quyết lại” vụ tranh chấp đất tại nhà máy Huệ Phong?!
Liên quan vụ việc này, ông Long cho biết đã làm đơn khởi kiện hành vi hành chính của UBND tỉnh Sóc Trăng vì không ban hành QĐ giải quyết khiếu nại cho ông. Đồng thời ông khởi kiện QĐ 2993 của UBND tỉnh Sóc Trăng vì đất còn đang tranh chấp nhưng tỉnh ra QĐ bán đấu giá QSDĐ lại không đúng qui định.