Kiện tranh chấp thương mại, xử tranh chấp dân sự
Từ ngày 15/6 - 22/8/2012, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tám Tuấn (do ông Nguyễn Minh Tuấn làm chủ, ở TX.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) ký kết 7 HĐ. Hình thức hỗ trợ đáo hạn ngân hàng tại Ngân hàng Sacombank Sóc Trăng với Cty TNHH Thu Ngọc (trụ sở tại TP.Sóc Trăng, do bà Nguyễn Thị Ngọc làm Giám đốc). Các HĐ mà DN Tám Tuấn ký với Cty Thu Ngọc về hỗ trợ đáo hạn ngân hàng có phát sinh lợi nhuận, với lãi suất DN Tám Tuấn phải trả là 8%/ngày và mỗi HĐ được thanh lí ngay trong ngày.
Theo ông Tuấn: “Đến ngày 22/8/2012 là lần thứ 7 trong HĐ đáo hạn, giữa hai bên ngồi lại tất toán số nợ tiền lãi của các khoản vay là 68 triệu đồng. Vì tin tưởng, lúc đó bà Ngọc đưa HĐ (mẫu) và giấy giao nhận nợ (mẫu, bỏ trống chưa điền nội dung). Do không có đủ tiền để trả lãi phần tiền tất toán nợ lãi nên tôi ký vào HĐ do bà Ngọc đưa sẵn và giấy giao nhận tiền nợ nội dung số tiền là 68 triệu rồi ra về. Hơn một tháng sau (25/9/2012), ông Tuấn được Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sóc Trăng cho vay gói 5 tỉ đồng. Sau khi có tiền, ngay trong ngày 25/9/2012, ông Tuấn thanh quyết toán, trong đó có số tiền 68 triệu đồng cho Cty Thu Ngọc (có giấy biên nhận do bà Ngọc nhận tiền của ông Tuấn).
|
Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ DNTN Tám Tuấn. |
Gần một năm sau (ngày 14/10/2013), bà Nguyễn Thị Ngọc khởi kiện DN Tám Tuấn ra tòa, yêu cầu trả số tiền vốn và lãi là 771,8 triệu đồng. Ông Tuấn bất ngờ là Cty Thu Ngọc trưng ra HĐ số 51 và giấy giao nhận tiền với số tiền 680 triệu đồng cùng với tiền lãi. Ngày 30/9/2014, TAND TX.Ngã Năm đưa ra xét xử tuyên buộc DN Tám Tuấn trả vốn và lãi cho Cty Thu Ngọc 860,285 triệu đồng (?). Tòa sơ thẩm cho rằng, DN Tám Tuấn vay tiền của Cty Thu Ngọc là tiền mặt và có thế chấp tài sản là giấy đăng ký xe máy chuyên dùng cần trục bánh xích Bucyrus erie số 00195, biển số 83X – 0088 do ông Nguyễn Minh Hồng Khanh đứng tên nên cho Cty Thu Ngọc giữ giấy đăng ký xe của ông Khanh. Giấy tờ này, trước đó ông Khanh thuê ông Khơi ở Sóc Trăng đi đăng ký cho ông Khanh. Và khi làm xong, ông Khơi không đưa giấy lại cho ông Khanh nên ông Khanh làm đơn tố cáo ông Khơi.
Ngày 15/6/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tuyên buộc Cty Thu Ngọc trả các giấy tờ đăng ký xe lại cho ông Khanh. Còn lại tất cả nội dung khác trong bản án sơ thẩm được giữ nguyên. Án phúc thẩm nhận định: “Xét thấy đây là vụ án kinh doanh thương mại, nhưng Tòa cấp sơ thẩm xác định là vụ án dân sự là không chính xác… Tuy nhiên, nhận thấy thiếu sót nêu trên của Tòa cấp sơ thẩm không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án, nên không cần thiết hủy án sơ thẩm mà chỉ cần nêu ra để Tòa cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm”.
Không đồng tình với cách giải quyết của Toà sơ thẩm và phúc thẩm ở tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Minh Tuấn tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
|
Hợp đồng số 51 |
Hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả
Về vấn đề này, Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho biết: “Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy hai cấp Tòa ở Sóc Trăng giải quyết vụ án này “chưa ổn”. Luật sư Khuyển phân tích: “Ngay từ đầu Cty Thu Ngọc khởi kiện DN Tám Tuấn là khởi kiện tranh chấp HĐ kinh doanh thương mại thì phải xử tranh chấp HĐ thương mại nhưng Tòa xử tranh chấp HĐ dân sự là không đúng. HĐ số 51 giữa hai bên ký kết không có tài sản thế chấp, khi Tòa sơ thẩm xét xử thành vụ tranh chấp HĐ dân sự, đưa tài sản thế chấp của ông Khanh vào là sai”.
Theo Luật sư Khuyển, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, ngày 14/10/2013 bà Ngọc nộp đơn khởi kiện, đến ngày 21/10/2013 Tòa thụ lí nhưng đến ngày 27/2/2014 nguyên đơn mới có biên bản cung cấp chứng cứ cho Tòa. Trong đó, từ ngày 10/8/2013, thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án đã có chứng cứ và còn “sao y bản chính” cho đương sự.
Ngoài ra, ngày 6/6/2014, ông Tuấn cung cấp chứng cứ ghi âm (có biên bản) cho Tòa về những dấu hiệu liên quan đến bà Ngọc và người đại diện có dấu hiệu khởi kiện để tống tiền. Biên bản này bị phát hiện cạo sửa thời gian. Điều bất thường khác, ông Tuấn chưa cung cấp chứng cứ ghi âm nhưng Thẩm phán và Thư ký Tòa sơ thẩm đã lập 2 biên bản xác minh giọng nói người có liên quan trong chứng cứ ghi âm.
Còn theo ông Tuấn, sau khi khởi kiện, bà Ngọc và người đại diện của bà đã nhiều lần “trao đổi”, đưa ra mức giá “thương lượng” 400 triệu đồng và lời hăm dọa nếu không đưa tiền sẽ không rút đơn khởi kiện. Nhiều cuộc “thương lượng” liên quan đến HĐ 51 và số tiền 680 triệu đồng được gia đình ông Tuấn ghi âm, cung cấp bằng chứng nhưng hai cấp Tòa không xem xét.
|
Giấy giao nhận tiền |
Trong quá trình xét xử sơ thẩm, ông Tuấn nhiều lần yêu cầu được tiếp cận chứng cứ quan trọng là bản gốc HĐ số 51 và giấy giao nhận tiền mà nguyên đơn làm chứng cứ để khởi kiện nhưng Tòa không chấp nhận. Cụ thể, HĐ số 51 và “giấy giao nhận tiền” ghi cùng ngày 12/9/2012 là chứng cứ quan trọng nhưng trong hồ sơ ở Tòa sơ thẩm lại sử dụng bản công chứng và hai bản công chứng này được chứng thực ngày 23/9/2013 và 8/10/2013 tại UBND phường 2, TP.Sóc Trăng.
Sau khi Tòa thông báo thụ lí vụ án, nhiều tháng sau bà Ngọc cung cấp chứng cứ là bản gốc (nộp ngày 17/2/2014) có nét chữ ký tên của ông Tuấn trong giấy giao nhận tiền và HĐ lại có sự khác biệt về thời gian, hai chữ ký không diễn ra cùng một thời điểm. Riêng chữ ký của bà Ngọc trong giấy giao nhận tiền màu mực xanh, còn chữ ký của bà Ngọc trong HĐ là màu mực tím và con dấu của Cty Thu Ngọc đóng dấu trong HĐ và con dấu của Cty Thu Ngọc đóng trong giấy giao nhận tiền rất khác biệt về thời gian do mực phai mờ giữa mực cũ và mực mới. Trong khi đó, nếu có giao dịch thật thì chữ ký, con dấu trong HĐ và giấy giao nhận tiền phải phải tương ứng cùng thời gian, cùng nét chữ và màu mực...
Trước những dấu hiệu bất thường từ chứng cứ là HĐ 51 và giấy giao nhận tiền, ngày 4/6/2015 ông Tuấn có làm đơn yêu cầu giám định gửi đến Toà cấp phúc thẩm và xin hoãn phiên tòa để chờ cơ quan giám định trung ương có kết luận nhưng Tòa phúc thẩm vẫn “phớt lờ”. Theo Luật sư Võ Bá Đường (Trưởng Văn phòng Luật sư Võ Bá Đường, Sóc Trăng), hai cấp Tòa xét xử vụ tranh chấp này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về tố tụng./.