"Sốc" vì quy định không được lắp kính trên quan tài

Ai cũng biết, trước khi hạ huyệt, chính người thân sẽ tự tay rút bỏ miếng kính, đóng lại nắp gỗ. Và tuyệt đối không có ai quên làm việc này, chứ không như “lo xa” của Bộ Văn hóa. Thế nên mới có câu chuyện ở quán nước bà con bình luận rằng: “Chắc là cái ông nghĩ ra quy định này, chưa phải tiễn biệt người thân nào đấy mà”. Hay nói cách khác: “Chắc ngài chưa có người thân "đi xa” nên ngài không hiểu”.

[links()]Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đã được công bố. Điều 4 của Thông tư này quy định rằng: “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Lý giải về căn nguyên của quy định này với báo giới, Bộ Văn hóa cho rằng có 3 lý do: Thứ nhất, lắp kính trên nắp quan tài không phải là truyền thống.

Thứ hai, việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ.

Thứ ba, việc lắp kính này nếu không khéo có thể gây đổ vỡ rơi xuống mặt người đã mất.

Nhiều người đọc quy định này và nghe lý giải của Bộ Văn hóa đã "sốc"! "Sốc" vì đây thực sự là điển hình của việc dùng mệnh lệnh hành chính áp dụng một cách khiên cưỡng, cứng nhắc để điều chỉnh cuộc sống.

Tại sao người ta lại để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài?. Dự bất kỳ một đám tang nào có thể thấy, có rất nhiều người mong muốn được nhìn mặt người đã chết lần cuối, như một lời tiễn biệt, như truyền thống của người Việt “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Thậm chí người viết bài này đã chứng kiến, có người đi viếng tang lễ đã vòng đi vòng lại rất nhiều lần trong đoàn người viếng, chỉ để được nhìn lâu hơn gương mặt mà họ biết rằng sau đây sẽ không bao giờ còn cơ hội gặp nữa. Tất nhiên, cũng có người không nhìn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chứ chắc chắc không phải vì lý do họ sợ vi trùng như giải thích của Bộ Văn hóa.

Còn với người thân của người đã mất thì hẳn rằng không có gì để nói thêm về tác dụng của ô kính này. Và ai cũng biết, trước khi hạ huyệt, chính người thân sẽ tự tay rút bỏ miếng kính, đóng lại nắp gỗ. Và tuyệt đối không có ai quên làm việc này cả, chứ không như “lo xa” của Bộ Văn hóa. Thế nên mới có câu chuyện ở quán nước bà con bình luận rằng: “Chắc là cái ông nghĩ ra quy định này, chưa phải tiễn biệt người thân nào đấy mà”. Hay nói cách khác: “Chắc ngài chưa có người thân "đi xa” nên ngài không hiểu”.

Về quy định này các nhà văn hóa cũng đã lên tiếng. Trả lời báo giới, PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng không nên có quy định quá cụ thể như vậy. Việc sử dụng quan tài có kính, theo ông phụ thuộc phong tục tập quán từng nơi, từng gia đình. “Không nên sợ mất vệ sinh vì nếu có bệnh truyền nhiễm đã có bên y tế lo. Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người ta sẽ lo”.  

Câu chuyện này lại một lần nữa cho thấy Việt Nam mình vẫn còn bất ổn trong khâu làm luật. Mới đây, Bộ Nông nghiệp không hài lòng với việc thi hành kỷ luật hời hợt, đã yêu cầu Cục Thú y làm lại quy trình xác định trách nhiệm và kỷ luật thích đáng với cán bộ đã “đẻ” ra quy định phi lý: thịt tươi chỉ được bán không quá 8h, để rồi sau đó văn bản đã bị đình chỉ thi hành, thu hồi. Và còn rất nhiều những quy định “nổi tiếng” khác nữa như nhẹ cân, ngực lép không được lái xe máy, xe chính chủ…

Đời sống có rất nhiều luật và đối tượng điều chỉnh của nó cũng chính là cuộc sống, là cộng đồng và đầy đủ hơi thở vận động và những mặt trái, phải của nó. Thế nhưng, cứ ngồi trên làm luật thì liệu cảnh vô lý này còn kéo dài đến bao giờ?.

Hồng Minh

Đọc thêm