Dịch vụ đánh ghen được quảng bá công khai
Một trang facebook có nhan đề “dịch vụ đánh ghen thuê”, khá bài bản khi thường xuyên đăng những câu chuyện kể về ngoại tình, đánh ghen, người thứ 3... Cạnh đó là lời giới thiệu cung cấp dịch vụ đánh ghen các trường hợp: Theo dõi, bắt ghen hoặc đã có bằng chứng và chỉ đánh ghen không... Thậm chí, dịch vụ đánh ghen này còn cung cấp nhiều mức độ như cắt tóc, xé áo, rạch mặt, làm nhục và cả những dịch vụ “hậu quả nặng nề”.
Nghe tưởng như đùa, nhưng không ít người vào hỏi thăm và nhận được trả lời “inbox báo giá nhé”. Quả thật, khi gửi tin nhắn vào cho tài khoản facebook với nội dung “chồng tôi ngoại tình, báo giá dịch vụ đánh ghen giúp” thì lập tức nhận được báo giá và tư vấn rõ ràng: 1 triệu cho đánh ghen cắt tóc, 2 triệu xé áo, 3 triệu là cả 2 cộng thêm làm xấu mặt nơi công cộng. Khi được hỏi thêm về các dịch vụ “nguy hiểm” hơn như đánh đập nặng tay hay... tạt axit, người báo giá tỏ ra thận trọng và nói “sẽ trao đổi sau”.
Thời gian qua, không ít vụ đánh ghen, trả thù tàn nhẫn đã diễn ra ngày trên phố, giữa chốn đông người. Nhiều vụ đánh ghen “hội đồng” khiến nạn nhân không kịp trở tay, chỉ biết trân người chịu đòn, bị cắt tóc, xé áo, thậm chí cả nhét ớt vào vùng kín hay bị bêu nhục giữa đám đông. Nhiều người trong số đó cho biết không hề biết mặt những kẻ đánh mình là ai. Thực tế, hầu hết những trận đòn thù thừa sống thiếu chết ấy đến từ các dịch vụ đánh ghen, đánh thuê nhan nhản.
Mua axit trên mạng dễ như mua hoa quả
Không chỉ cung cấp dịch vụ, mạng internet còn là cái “chợ” khổng lồ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho những người có ý định trực tiếp ra tay. Axit sunfuric, hoá chất sử dụng trong công nghiệp, cực độc hại khi tiếp xúc với cơ thể người, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến ngoại hình, sức khoẻ và tính mạng, năm 2016 đã được chính quyền TPHCM siết chặt quy định về mua bán lẻ. Theo đó, người mua axit lẻ phải xuất trình được chứng minh nhân dân.
Thời gian đầu của quy định, các cửa hàng hoá chất ở chợ Kim Biên và nhiều nơi khá ngần ngại, thận trọng trong buôn bán axit lẻ, nhưng dần dà việc buôn bán lại nới lỏng ra. Tuy nhiên, dù các cửa hàng có nghiêm túc chấp hành quy định thì cũng dễ dàng có nhiều con đường khác để mua các loại axit. Hiện, axit sunfuric được rao bán nhan nhản trên mạng, thậm chí còn được giao hàng tận nơi, bán giảm giá, mua nhiều giá tốt...
Gọi điện vào một số điện thoại của cửa hàng hoá chất có đăng thông tin trên mạng đề nghị mua axit, người bán chỉ hỏi sơ sài mục đích mua axit, được biết là mua về để chế bình ắc quy, người bán đồng ý bán, giao hàng tận nơi trong vòng 24h với giá 18 ngàn đồng/lít (chỉ giao hàng với số lượng trên 5 lít), tiền can đựng axit 20 ngàn đồng, phí giao hàng là 30 ngàn đồng. Như vậy, chỉ với số tiền trên 100 ngàn, một người có thể ngồi nhà đặt mua axit và được giao tận nơi, với mục đích sử dụng thật sự là gì bên bán cũng không cần biết.
Theo quy định của Nghị định 108/2008; Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương, axit sunfuric nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo. Việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, được lưu giữ tại bên bán và bên mua. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất phải thể hiện tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân người mua và người bán; mục đích sử dụng… và hai bên phải lưu giữ phiếu này ít nhất năm năm.
Tuy nhiên, như đã nói, với cách buôn bán qua mạng dễ dàng như trên, thật khó để bên bán và bên mua tuân thủ được quy định của nghị định. Điều này lý giải tại sao thời gian qua, các vụ việc dùng axit để trả thù ngày một nhiều, mà mới đây nhất là vụ người chồng vì ghen tuông, tạt axit vào vợ khi vợ đang trên đường đi làm, dẫn đến bỏng giác mạc, phá huỷ vùng mặt, lan xuống cổ, ngực, chân..., hậu quả hết sức nặng nề.
Những vụ đánh ghen, trả thù kinh hoàng, với tính chất côn đồ, sát thương vẫn liên tục xảy ra. Những dịch vụ mang tính chất bạo lực, những hoá chất độc hại dùng để tàn phá cơ thể người khác thì vẫn được rao bán công khai trên mạng.