Chiều 25/12, tại Nghệ An đã diễn ra phiên toàn thể Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Nghệ An tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2.
Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”. Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội thảo. |
Thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4, Khóa 13 về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đang tích cực thảo luận, sớm có Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, vận tải, đầu tư, tiêu dùng…
Liên quan tới chủ đề này, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.
Để Hội thảo đạt được kết quả cao nhất, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động của dịch COVID-19 đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Đồng thời, cần tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.
Không những thế, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước; tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.