Không chỉ bị làm phiền bởi “cò vé”, hàng rong như PLVN đã phản ánh, du khách nước ngoài đến Vịnh Hạ Long còn “sởn da gà” khi chứng kiến cảnh tàu nhỏ, tàu to đua nhau giành chỗ.
Thành tàu gỗ trên tầng 2 quá thấp trong khi du khách cứ thoải mái ngồi trên lan can tạo dáng chụp ảnh. Ảnh: M.H |
Tàu gỗ du lịch chở khách tham quan Vịnh theo tuyến nhìn chung đều rập khuôn một kiểu thiết kế 2 tầng. Tầng 2 là nơi du khách thường lên ngắm cảnh, chụp hình…. Thế nhưng, dãy lan can bao quanh tầng 2 của tàu được đóng rất thấp, du khách “thoải mái” ngồi tạo dáng chụp ảnh mà không hề có cảnh báo nguy hiểm nào. Chỉ một khắc sơ sẩy, không biết điều gì sẽ xảy ra. Trong khi đó tàu chạy trên vịnh thường có gió lộng khá lớn.
Khảo sát của phóng viên cũng còn cho thấy, các thuyền trưởng, thủy thủ và nhân viên phục vụ trên tàu du lịch nhìn chung đều không thực hiện “công đoạn bắt buộc”: hướng dẫn cho du khách vị trí, cách sử dụng áo phao và những trường hợp cấp thiết có thể nguy hiểm đến tính mạng du khách.
Anh D. - một lái tàu -tiết lộ, dù tàu du lịch có vận tốc từ 8 đến 10km/h nhưng các tàu thường không có hệ thống phanh gấp như các phương tiện trên đường bộ mà chỉ có 2 số tiến, lùi điều khiển cánh quạt ngầm dưới đáy tàu. Nếu muốn hãm tàu lại, giật về số lùi là cánh quạt lập tức quay theo chiều ngược lại. Vì vậy, điều cánh lái tàu du lịch sợ nhất là 2 tàu đấu đầu nhau. Nếu khoảng cách giữa 2 tàu khi đó dưới 30m thì coi như chắc chắn xảy ra va chạm. Vì vậy, nếu lái tàu không có kinh nghiệm, không được đào tạo và thiếu trách nhiệm, chỉ trong giây lát cũng có thể xảy ra thảm họa.
“Trên lý thuyết, các tàu được phân luồng, theo các tuyến du lịch nhưng thực tế thì việc chạy tàu như thế nào chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm riêng cá nhân của lái tàu mà thôi” - một lái tàu “khoe”. Vị này đùa thêm, lỡ ngồi sau mấy lái mới thì “xin quý khách tự đảm bảo an toàn”!
Khi tàu chạy trên vịnh, dù mỗi người một phách nhưng cũng khá thoải mái vì không gian mặt biển rộng rãi. Nhưng khi hàng loạt tàu cùng đổ về khu vực các bến đỗ nhỏ hẹp thì du khách mới thấy được hết sự lộn xộn. Quan sát ở khu vực bến tàu hang Sửng Sốt, chúng tôi đỏ mắt cũng chẳng thấy sự hiện diện của lực lượng chức năng nào điều hành, phân tuyến, phân làn từ xa.
Các lái tàu ở đây cho biết, vào những ngày đông khách, việc tàu va chạm với nhau là điều không thể tránh khỏi. Nguy hiểm đã từng xảy ra, nặng thì gây thương vong, còn nhẹ là bàn ghế trên thuyền chao đảo, gương vỡ, cốc chén rơi tràn lan xuống sàn tàu.
Nguy hiểm hơn, bên cạnh các tàu gỗ chở khách di chuyển khá chậm thì các tender chở khách nhỏ lao vù vù, thường “cắt mặt” các tàu để giành chỗ đổ khách.
Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết, sau vụ tai nạn thương tâm làm 5 người nước ngoài thiệt mạng vào chiều ngày 3/10, các cơ quan quản lý không làm tốt chức năng của mình cũng phải nhận trách nhiệm, để nghiêm túc xử lý, chấn chỉnh thực trạng đang diễn ra trên vịnh.
Ông Thanh cho biết thêm: Hiện đang có vấn đề chồng chéo trong quản lý, khi mỗi cơ quan lại có một chức năng, một thẩm quyền riêng, từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm tốt công việc của mình và có sự thống nhất với các đơn vị tham gia khác. Như thế mới xóa bỏ được tình trạng lộn xộn trên bến, dưới thuyền ở Vịnh Hạ Long.
Trường Lưu - Anh Thế