Sơn Đoòng trong bước chân của người phụ nữ U60

(PLO) - Tuy khó khăn nhưng cũng không ít người đã đến hang Sơn Đoòng nằm ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kể cả người Việt. Và ai cũng có câu chuyện kể của mình về hang động được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới mà Thời báo New York xếp vào vị trí thứ 8 trong 52 địa danh trong danh sách những nơi nên đến này. 
Chị  Nguyễn Vân Anh trong chuyến đi ở hang Sơn Đoòng
Chị Nguyễn Vân Anh trong chuyến đi ở hang Sơn Đoòng

Thế nhưng, với chị Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Tổ chức Csaga và đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 thì chuyến đi Sơn Đoòng đó là xâu chuỗi của những kỷ niệm thời ấu thơ, kỷ niệm về mẹ, gia đình để rồi qua đó đúc kết được nhiều giá trị cho bản thân.

Sơn Đoòng hang và Sơn Đoòng đời người

“Hang Sơn Đoòng không có trong câu chuyện thời ấu thơ, nhưng nó dường như xuất hiện trong suốt một đoạn dài của cuộc đời tôi, vực sâu đá nhọn kinh hoàng. Chỉ có một cách duy nhất, một con đường duy nhất là leo lên. Túm tay vào dây thừng được buộc từng nút, từng cữ, tôi đu mình lên và bước từng bước một...

Tôi cong người áp sát mình vào những viên đá nhọn, trượt. Người tôi văng sang một bên đập bật lại bên kia. Đầu gối và ống quyển trầy xước. Tôi biết mình đã sai rồi nhưng thật khó để vượt qua nỗi sợ. Những lần trượt trong cuộc đời nhiều khi cũng chỉ là bước nhầm hòn đá hay bước sai kỹ thuật mà thôi. Mọi sự đều có thể làm lại để đứng thẳng lưng lên và đi đến đích...”. 

Đây chỉ là một phần nhỏ trong những trải nghiệm mà chị Vân Anh đã có ở Sơn Đoòng. Đúng là thật khó để vượt qua nỗi sợ như lời chị nói. Nhưng đôi khi ở đời, nỗi sợ lại là tia sáng để con người ta ngoảnh lại nhìn cuộc đời mình, trân quý những con người, những năm tháng đã đi qua. 

Trân quý những con người, với chị Vân Anh đó là mẹ. “Mẹ tôi là một người đàn bà kỳ lạ. Bà luôn đặt ra cho tôi những thách thức không có thật trong cuộc sống... Thắp đèn dầu trong màn bà đọc cho tôi nghe Robinson Crusoe từ khi tôi chưa biết đọc. Đọc hết một đoạn bà lại đặt câu hỏi: Thế nếu là con thì con làm thế nào? Tôi đã phải theo cả ông tây lạc trên đảo này lẫn những nhân vật như cậu bé Remi trong “không gia đình”, tự đặt ra các tình huống cho mình và tự nghĩ cách giải quyết theo cái đầu non nớt của tôi... Như một phản xạ, đến tận bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ đến những tình huống xấu nhất cho cuộc đời mình và lên phương án giải quyết”, chị kể. 

Trân quý năm tháng đi qua, với chị Vân Anh đó là những ngày tháng khi chị không may mắc căn bệnh nan y ung thư vú. Viết về những năm tháng ấy chị “phũ phàng” đưa ra thông điệp cho những người cùng cảnh: “Tôi không đồng ý với việc nhiều thông điệp đưa tới những bệnh nhân ung thư vú rằng sự hỗ trợ của gia đình và người thân là điều kiện tiên quyết để chiến thắng bệnh tật. Nếu cứ chờ, nhỡ ra không có sự trợ giúp, thậm chí còn bị chà đạp tàn bạo thì mình buông tay ư?.

Nếu bạn một thân một mình ở bệnh viện tại một thành phố xa lạ, dị ứng thuốc và giờ làm việc đã hết, bác sĩ, y tá đã ra về, người sưng phù... trong khi người đàn ông của bạn đang hú hí với người đàn bà khác, không lẽ bạn ném đời mình vào vô vọng ư? Nếu bạn phải chạy trốn như điên người đàn ông của mình trong cái bệnh viện ung thư lớn chỉ vì bạn đã dám đi chữa ung thư, tiêu tốn tiền của gia đình mà đằng nào chả chết. Bạn sẽ làm gì khi người đàn ông cùng sống sẽ viện cớ bạn bệnh để bỏ mặc bạn đi với những người đàn bà khác?...

Vì sao tôi muốn nói chuyện này? Vì tôi cũng là một bệnh nhân sống chung với ung thư vú đã mười năm và mười năm ấy tôi đã nghe không biết bao nhiêu câu chuyện và tôi đã trải nghiệm đời mình trong từng số phận đớn đau cũng như hạnh phúc... Thông điệp mà tôi muốn gửi tới những người đàn bà có bệnh mãn tính nguy hiểm này là: Hãy dựa vào sức mạnh của chính mình. Đừng chờ, nếu bạn không muốn chết!”.

Thế đấy, Sơn Đoòng của chị Vân Anh là thế. Đong đầy những yêu thương và nỗ lực. Bởi vì chị vốn là một cái tên rất quen thuộc với công tác bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực trong suốt 20 năm qua. Chị và Tổ chức Csaga luôn là cánh tay chìa ra cho những người phụ nữ bị bạo lực, những đứa trẻ bị xâm hại và những con người của cộng đồng LGBT bị xã hội kỳ thị vì chẳng giống ai...

Cave (hang) xin đừng là C-A-V-E

Nói tới Sơn Đoòng, mọi người không chỉ biết đó là di sản quý báu mà thiên nhiên trao tặng cho Việt Nam mà còn biết câu chuyện về tuyến cáp treo tới đó mà một doanh nghiệp đã ấp ủ từ lâu. Cáp treo mới là ý tưởng, là dự định nhưng phong trào “Save Son Đoong – Cứu Sơn Đoòng” thì đã có thật trong cộng đồng xã hội. 

Hay nói như PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Đại học Ngoại thương: “Nhiều người cứ nghĩ rằng phải mất tiền mua vé du lịch nước ngoài thì mới có thế thấy được cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà quên mất rằng thiên nhiên Việt Nam cũng vô cùng tươi đẹp và nó lại càng tươi đẹp hơn vì đó là nhà, là đất nước, là Tổ quốc mình. Tôi đã đặt chân đến nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới nhưng ở đâu tôi cũng thấy nhạt vì thiếu tính linh thiêng của Tổ quốc. Lòng yêu nước không phải là điều gì to tát, vĩ đại mà chính là cảm nhận của mỗi con người về đất nước của mình. Vì thế, tôi cho rằng cảnh đẹp là do thiên nhiên ban tặng chứ không phải là sản phẩm của bất kỳ ai nên đừng nghĩ đến chuyện sở hữu thiên nhiên mà tước đi cơ hội cảm nhận về Tổ quốc của thế hệ con cháu”.

Còn với chị Vân Anh, đi nhiều, biết nhiều nhưng bước chân của người phụ nữ U60 này cũng như khuỵu xuống vì vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam: “Tôi nhớ khi đứng trước Hang Ken của Tú Làn (một hang động thuộc tỉnh Quảng Bình) cả hai đầu gối của tôi cứ nhũn ra, chân muốn khuỵu xuống khi nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ mà diễm lệ của thiên nhiên. Một hồ nước trong vắt, một cái thác nhỏ bình yên đổ xuống, bên cạnh một vách đá sừng sững như tòa nhà mấy chục tầng. Đằng sau nó là một hang nước sâu đầy cuốn hút. Cảm giác y như xem phim của kênh Discovery”.

Như đã nói trên, với người Việt Nam, hang Sơn Đoòng không phải là nơi dễ đến vì nhiều yêu cầu về sức khỏe, kinh nghiệm, tiền bạc (mức giá đắt đỏ tới 3.000 USD/người (khoảng 64,5 triệu đồng) cho một tour du lịch khám phá)... Thế nhưng, mới đây trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi ra mắt cuốn sách “Đá nhọn vực sâu” viết về những trải nghiệm Sơn Đoòng rằng: “Khó đi như thế thì chị có muốn có tuyến cáp treo vào Sơn Đoòng không?”, chị vẫn một lời khẳng định: “Tôi không muốn để lại chiếc cáp treo nào cho con cháu. Chân tôi nhũn ra và há hốc mồm khi đứng trước vẻ đẹp của Sơn Đoòng. Máy ảnh cũng không thể ghi lại được. Tôi là một phần của thiên nhiên và sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhiều tháng sau chuyến đi, tôi không thể trở lại bình thường. Về nhà tôi nghĩ, có nhất thiết phải sống như thế này không. Sống trong hang có khi tôi mới là người!”. 

Thậm chí quyết liệt hơn như tính cách vốn có của mình, chị còn “huỵch toẹt” một sự thật: “Hang Ken như một người đẹp ngủ trong rừng, sợ nhất các hoàng tử resort xông vào hãm hiếp. Khi ấy công chúa sẽ phải sống đời gái mại dâm phục vụ các khách hàng và bị khai thác miệt mài. Cave (hang) chắc chắc không muốn thành C-A-V-E!”. 

Đọc thêm