Sòng bài trá hình lớn nhất Hà Nội có “kim bài” của Bộ Nội vụ?

(PLO) - Dựa vào “tấm kim bài” cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ hoạt động của lãnh đạo Bộ Nội vụ ký năm 2014, Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam đã đánh tráo khái niệm môn thể thao bài Bridge để “biến tướng” thành một hoạt động đánh bạc trá hình với hình thức chơi bài Poker giữa trung tâm Thủ đô. 
Các "vận động viên" đang "sát phạt" với nhau bằng môn bài Poker tại CLB Bridge & Poker WIN. Ảnh: FbCLB.
Các "vận động viên" đang "sát phạt" với nhau bằng môn bài Poker tại CLB Bridge & Poker WIN. Ảnh: FbCLB.

Kỳ II: Đánh tráo khái niệm bài Poker là môn thể thao trí tuệ để đánh bạc trá hình?

Các cơ sở mà Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam tổ chức tại Hà Nội gồm: CLB thể thao Bridge & Poker WIN (số 67, phố Phó Đức Chính) và CLB thể thao Bridge & Poker Capital  (số 136, phố Hàng Trống).Tại các CLB này vẫn ngày ngày được các “vận động viên” thi nhau “sát phạt” với nhau bằng môn bài Poker với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng, đồng nghĩa với việc các CLB và Hiệp hội Bridge & Poker thu về số tiền được “cắt phế” của các “vận động viên” hàng tỷ đồng mỗi tháng. Việc “sát phạt” này dưới danh nghĩa là CLB thể thao trí tuệ thuộc Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam được Bộ Nội vụ cấp phép. Phải chăng, vì việc này nên không thấy “bóng dáng” cơ quan chức năng nào can thiệp..?

Ngày 16/07/2014, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ký Quyết định số 732/QĐ – BNV cho phép thành lập Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27/12/2014, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký Quyết định số 1327/QĐ – BNV phê duyệt Điều lệ hoạt động của Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam.

Quyết định số 732/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ngày 16/07/2014 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ký về việc cho phép thành lập Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam
Quyết định số 732/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ngày 16/07/2014 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ký về việc cho phép thành lập Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam

Với tôn chỉ, mục đích chung chung, môn Bridge & Poker được coi là “thể thao trí tuệ” này nhằm: phát huy phong trào thể thao trong sáng, rèn luyện khả năng tư duy, nâng cao đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa lành mạnh của nhân dân…như trong điều lệ hoạt động của Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt.

Ngay sau đó, Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam chính thức được thành lập. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội này chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

Trụ sở chính của Hiệp hội này đặt tại địa chỉ 200 Pasteur, phường 6, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và có văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Hiệp hội (nhiệm kỳ 2014-2018) là doanh nhân Đào Văn Kính, là một doanh nhân kỳ cựu trên thương trường. 

Cần phải hiểu thêm một số thông tin về môn bài Bridge và môn bài Poker để bạn đọc dễ hình dung: trò chơi bài Bridge ra đời từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thịnh hành ở Mỹ và Anh, đạt đỉnh cao vào những năm 1940 khi 44% số hộ gia đình Mỹ chơi, nhưng giảm dần lượng người chơi từ đó. Liên đoàn Bridge thế giới (WBF) được thành lập vào năm 1958, nay đã có 123 quốc gia thành viên với 700.000 hội viên có thẻ. Hàng chục triệu người vẫn chơi bridge giải trí hiện nay. Năm 1995, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận WBF là “một phần của phong trào Olympic”. 

Trong lịch sử thi đấu thể thao quốc tế thì chỉ duy nhất có môn bài Bridge từng xuất hiện tại SEA Games 26 tại Indonexia. Và tới đây môn bài Bridge sẽ xuất hiện tại SEA Games 29 và được coi là một môn thể thao trí tuệ để thi đấu.

Tuy nhiên, đối với môn bài là Poker thì không phải và chưa bao giờ được coi là một môn thể thao thi trí tuệ để thi đấu, trên thế giới không có bất cứ một bộ môn thể thao khu vực hay quốc tế có bộ môn Poker này. Mà bài Poker là một môn bài được tổ chức duy nhất tại các sòng bài CASINO.

Quyết định số 1327/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ngày 27/12/2014 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký phê duyệt điều lệ hoạt động của Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam, kèm theo điều lệ.
Quyết định số 1327/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ngày 27/12/2014 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký phê duyệt điều lệ hoạt động của Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam, kèm theo điều lệ.

Được biết, sau khi được Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động thì Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam đã chọn Hà Nội làm nơi thí điểm và ký hợp đồng hợp tác triển khai đối với 2 đối tác là: CLB thể thao Bridge & Poker WIN (số 67, phố Phó Đức Chính) và CLB thể thao Bridge & Poker Capital  (số 136, phố Hàng Trống).

Thế nhưng, trái với tôn chỉ, mục đích, tại 2 CLB này, môn “thể thao trí tuệ” được các “vận động viên” thi đấu với nhau là môn bài Poker. Thể thức chơi và số tiền được quy đổi ở mỗi buổi thi đấu môn bài này tại các CLB đã được PV đã phản ánh ở bài viết trước “Kỳ I: “Sòng bài” trá hình dưới “vỏ bọc” CLB thể thao trí tuệ?. 

Cần nghiên cứu khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức đánh bạc”?

Những việc làm này khiến dư luận đưa ra nhiều nghi vấn, phải chăng Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam đang cố tính đánh tráo khái niệm bằng việc lập ra Hiệp hội này rồi tổ chức “Giải Bridge & Poker CLB thể nghiệm năm 2016-2017” tại Hà Nội, lấy tên là “Giải Bridge & Poker”.

Tiếp đó, Hiệp hội thể thao Bridge & Poker Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho các CLB, rồi các CLB này và Hiệp hội tự ban hành quy chế tập luyện nội bộ, mức phí thành viên tham gia, mức phí chơi và cả tỷ lệ ăn chia giữa người chơi và Hiệp hội và CLB. Tự thỏa thuận dành 70% tổng tiền cược của người chơi để trao thưởng ngay tại CLB bằng tiền mặt, giữ lại 30% làm lợi nhuận.

Số tiền 30% lợi nhuận này sẽ được “ăn chia” giữa Hiệp hội và các CLB theo tỷ lệ, Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam 15%, còn 15% là của CLB.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không hề có bất kì một CLB thể thao nào có chức năng, quyền hạn được tổ chức cái gọi là “tập huấn nội bộ” rồi thu tiền cược mỗi lần chơi của các thành viên và trao thưởng cho người thắng cược trực tiếp bằng tiền mặt rồi lại thu % tiền mặt như vậy. Và, chẳng có môn thể thao trí tuệ nào mà người chơi phải mất tiền mặt cho mỗi lần thi đấu. 

Như vậy, bản chất có thể thấy mô hình này chính là kinh doanh cờ bạc trá hình dưới danh nghĩa thể thao, có nộp tiền vào chơi rồi có “sát phạt”, có “cắt phế” là đi trái lại với nguyên tắc không thương mại hóa thể thao và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này có thể thấy như trong Điều lệ hoạt động của Hiệp hội, tại mục 4, điều 5 về nguyên tắc tổ chức hoạt động là không vì mục đích lợi nhuận mà Bộ Nội vụ đã phê duyệt.

Được biết, Chính phủ Việt Nam vừa mới thông qua nghị định cho phép thí điểm người Việt Nam vào chơi tại CASINO, và để được phép xây dựng CASINO này các Tập đoàn nước ngoài hay trong nước phải đấu thầu với số vốn cam kết tối thiểu lên tới 4 tỷ đô la mỹ.

Thế nhưng, mô hình hoạt động của Hiệp hội và trực tiếp là 2 CLB này có thể thấy, các cơ sở này đều đã đầu tư hạ tầng, cơ sở trang thiết bị quy mô hiện đại theo mô hình Sòng bài CASINO với đầy đủ bài, chip, nhân viên phục vụ, hệ thống máy tính điểm tự động… Người Việt Nam có thể vào chơi bạc hợp pháp và thoải mái tại các CLB mang danh “thể thao trí tuệ” với môn bài Poker và nhận thưởng tiền mặt tại chỗ. Phải chăng đây là chiêu trò lách luật để đánh bạc trá hình theo quy mô CASINO?.

Các "vận động viên" xếp hàng để vào chơi Poker tại CLB Bridge & Poker WIN (số 67, phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Ảnh: FbCLB.
Các "vận động viên" xếp hàng để vào chơi Poker tại CLB Bridge & Poker WIN (số 67, phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Ảnh: FbCLB.

Trước những vấn đề trên, PV Báo PLVN đã có buổi làm việc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Công an quận Ba Đình để làm rõ. Tại buổi làm việc với PV Báo PLVN, Thượng tá Nguyễn Văn Tính - Phó trưởng Công an quận Ba Đình (TP. Hà Nội) cho biết, phía cơ quan Công an quận Ba Đình đã nắm bắt được mọi hoạt động của CLB Bridge & Poker WIN. Thậm chí, Công an quận Ba Đình cũng nhận được một số phản ánh, tố cáo liên quan về các hoạt động của CLB này. 

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Văn Tính cho biết: “Cái khó khăn nhất của chúng tôi ở đây đó là hoạt động của CLB này lại được Bộ Nội vụ cấp phép. Bản thân những người cấp phép có thể chưa hiểu rõ những hoạt động của những môn chơi này. Trong khi đó, đối tượng được cấp phép thì họ căn cứ vào các quy định, văn bản được cấp để hoạt động khiến việc kiểm tra, xử lý của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Ngay các việc đổi phỉnh ra để đánh khi cơ quan công an kiểm tra thì họ cũng đưa ra các quy định của Hiệp hội, CLB khiến cơ quan công an lúng túng không biết xử lý kiểu gì. Hiện tại, chúng tôi vẫn tăng cường kiểm tra, cử các cán bộ theo dõi, nắm bắt tình hình và tổng hợp để báo cáo Quận và Thành phố có biện pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý”.

Trong một diễn biến có liên quan, PV Báo PLVN đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ để phản ánh về những dấu hiệu biến tướng này, đồng thời cũng mong muốn tìm ra phương án xử lý từ phía Bộ Nội vụ. Sáng 08/5/2017, PV Báo PLVN nhận được điện thoại của đại diện Bộ Nội vụ mời đến để lắng nghe, ghi nhận và để lại những đề xuất để phía Bộ nội vụ ghi nhận báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ bố trí làm việc cụ thể liên quan đến sự việc. 

Trước những sự việc trên, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ.  

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến mà dư luận có cơ sở nghi ngờ về độ "trong sáng" của môn thể thao này. 

Đọc thêm