Chuyện chỉ có ở Việt Hải
Được bao bọc bởi bốn bề rừng biển và những dãy núi đá vôi đặc trưng, làng chài Việt Hải hiện ra trước mắt chúng tôi với khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Từ đây có hai lối rẽ để vào trong xã, anh Nguyễn Văn Hải, ông chủ Homestay kiêm hướng dẫn viên đón chúng tôi từ cầu tàu bằng xe điện cho biết: Lối rẽ xuyên qua núi là con đường do thiên nhiên tạo ra, hình thành từ lâu lắm rồi. Bao thế hệ đã đi bằng con đường đó, cung đường này tạo cảm giác như bước vào rừng cổ tích.
Không khí mát rượi, rễ đa, cành đa phủ bóng hai bên đường khiến cảnh quan huyền diệu hơn. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, nước biển dâng, lối đi bị nước dâng bịt kín. Để thuận lợi cho người dân trong xã đi lại, huyện Cát Hải và thành phố Hải Phòng đã xây dựng thêm một con đường men theo núi.
Từ bến tàu có dịch vụ xe điện để di chuyển tới trung tâm của làng Việt Hải, với khoảng cách tầm 5km. Làng Việt Hải có diện tích khoảng 15.000m2, dân số khoảng 300 người với gần 100 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, theo anh Hải, số người dân thực sống tại làng chỉ còn một nửa, do đi xa lập nghiệp hoặc lên bờ làm công tác phát triển kinh tế mới. Chính vì vậy, không gian làng Việt Hải càng thêm yên bình, hoang sơ và sạch đẹp.
|
Trải nghiệm tham quan làng cổ bằng xe điện. |
Ngày trước, người dân làng Việt Hải chủ yếu làm nghề chài lưới và nông nghiệp. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi làng Việt Hải bắt đầu có điện và du lịch dần phát triển, các hộ chuyển sang làm dịch vụ Homestay, hoặc làm hướng dẫn viên, kinh doanh xe điện đưa đón khách du lịch.
Nhờ thế, cuộc sống của người dân cũng có nhiều thay đổi, thu nhập ổn định hơn trước. Làng tuy có diện tích nhỏ nhưng nay hệ thống điện đường trường trạm đầy đủ, khang trang.
|
Khách nước ngoài thích thú với việc đạp xe để trải nghiệm, khám phá quanh làng cổ. |
Trước đây, Việt Hải gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Rừng núi hoang vu, vắng vẻ nên mỗi khi đến đoạn đường ngập nước trong mùa mưa, dân địa phương cứ vô tư “thoát y” ngụp, lội. Chuyện thật như đùa khi có những cặp vợ chồng đã nên duyên từ con đường “nguyên thủy” này. Ông Hoàng, người dân ở Cát Bà đã ở rể làng này hơn 10 năm qua cũng từ chuyện “thoát y”.
|
Nơi đây có rất nhiều home-stay tiện nghi, thân thiện chào đón du khách. |
Lần ấy, ông mang thuốc cao vào bán cho dân làng, đến giữa suối thì gặp một cô gái cũng trong tình trạng giống như mình. Cô gái thẹn thùng, bối rối vứt cả quần áo, đồ đạc xuống nước. Sau đó, ông phải tự nguyện cho cô ta mượn quần áo của mình mặc tạm. Vậy rồi quen và yêu nhau, thành vợ thành chồng.
Và chuyện có lẽ chỉ có ở Việt Hải khi cả xã có hơn chục chiếc xe máy Trung Quốc cũ kĩ của những gia đình được xem là khá giả nhất làng dùng để chạy vòng vòng vài cây số trên con đường bê tông mới mở. Người này chạy xong lại quẳng xe ra một góc bên đường, để cả chìa khóa trên xe. Người khác muốn lấy xe chạy thì cứ việc, sau đó lại trả về chỗ cũ!
|
"Nào mình cùng check-in"! |
Rồi nữa, nhà mở cửa suốt cả ngày đêm, chủ có bỏ đi vắng vài ngày cũng chẳng ai lấy trộm đồ đạc. Nhà này có việc phải lo thì không cần báo, cả làng cùng đến giúp đỡ. Đồ đạc của nhà này mà nhà khác có việc cần cứ lấy dùng một cách thoải mái. Bởi vậy, cả làng chỉ có hai anh công an viên chủ yếu lo công việc hành chính. Việt Hải gần như “sạch” hoàn toàn với tất cả các loại tệ nạn xã hội.
Họ đã từng sống hồn hậu như thế, như từ bao đời trước. Dù Việt Hải là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Cát Hải nhưng người dân ở đây không toan tính, vụ lợi, họ cùng nhau làm giàu giữa núi rừng và biển cả. Những năm gần đây, hàng chục nghìn du khách đã vượt suối, trèo đèo đến để tận hưởng những ngày sống chậm. Họ đã nghe tiếng từ lâu có một vùng đất hoang sơ nằm giữa khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng quốc gia Cát Bà…
Mỗi người dân có thể trò chuyện với khách bằng tiếng Anh
Và rồi, người Việt Hải cũng tỏ ra khá nhạy bén khi bắt tay làm du lịch. Làng quyết định cử một nhóm người về Hà Nội, vào tận TP HCM để học cách làm du lịch về áp dụng cho làng. Cũng có một công ty du lịch “người rừng” khai trương hoạt động tại xóm núi heo hút này do chính người dân địa phương làm chủ. Những chiếc xe đạp leo núi được mua tận Hải Phòng theo đò đưa về làng, phục vụ khách Tây đạp xe ngắm làng, leo núi. Cũng có vài người vừa làm ruộng vừa kiêm luôn dịch vụ tài xế xe ôm đưa khách đi tham quan làng.
|
Những chiếc xe đạp không khóa để du khách có thể tự do đạp xe quanh làng bất cứ khi nào. |
Mấy nhà sàn, vài quán ăn phục vụ khách du lịch sau khi đi tham quan núi rừng, nghỉ chân ở quán sẽ đặt người dân đảm nhận dịch vụ nấu ăn từ chính thức ăn của dân tự trồng, tự nuôi như gà, vịt, rau xanh… Những món ăn ngon và dân dã của Việt Hải phải kể đến các loại rau như măng, rau rừng và đặc biệt là rau trồng vườn nhà. Nhà nào cũng có một giếng nước trong vắt…
Việt Hải không có chợ, người dân tự lo lấy cuộc sống cho mình và đãi khách bằng những món ăn dân dã tự nuôi trồng như vậy. Nếu muốn ăn cá tôm hoặc các loại hải sản khác chỉ cần giăng vài mẻ lưới, hoặc gọi đến một vài gia đình ngư dân trong xóm là có tôm cá để ăn.
Nhiều già làng, thanh niên trong làng tình nguyện đứng ra làm “hướng dẫn viên du lịch” cho khách, các già làng cũng đã chọn ra được gần chục chàng trai, cô gái địa phương gửi về Cát Bà để “cập nhật” tiếng Anh thông dụng. Người dân Việt Hải háo hức làm du lịch với ước mơ biến ngôi làng của mình thành một “đảo du lịch” riêng có…
|
Dịch vụ đơn giản nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu cho du khách muốn khám phá và trải nghiêm. |
Đến Việt Hải du khách sẽ cảm nhận được không gian yên bình, nhịp sống dường như chậm lại, được đi bộ hoặc đạp xe khám phá cảnh đẹp rừng núi hoang sơ kỳ vĩ, tham gia trải nghiệm nghề nông của người dân trong xã, được leo núi, ngắm biển hay đến thăm những ngôi nhà cổ nằm sâu trong thung lũng bao quanh là núi non trùng điệp...
Cùng với cuộc sống của người dân địa phương còn giữ được những nét độc đáo về văn hóa, tập quán sinh hoạt vùng bản địa. Đến Việt Hải du khách không phải lo mất cắp hay giật đồ bởi người dân thật thà, thân thiện, mến khách.
Đến Việt Hải, du khách có thể đi dạo trên cánh đồng rộng trước làng hay đạp xe men theo con đường từ bến thuyền chạy vòng quanh làng để cảm nhận hết được những giá trị của sự mộc mạc, thuần túy, tinh khiết của nơi này. Tới cuối làng, khách phương xa có thể ngồi thư giãn bên suối cá mát xa chân…
Đặc biệt, ở Việt Hải hiện còn nhiều nhà dân giữ được nếp nhà truyền thống, cột gỗ, nấu bếp bằng củi… Mỗi người dân ở đây có thể trò truyện với khách tây bằng tiếng Anh vô cùng thành thạo. Và nữa, người dân ở đây còn duy trì được nghề nấu rượu theo phong cách truyền thống từ ngàn xưa của cha ông để lại.
|
Du khách được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khi đến thăm quan du lịch tại làng cổ Việt Hải. |
Nhiều ngôi nhà trong Làng Việt Hải là nhà tranh tre, vách đất: rơm nhào với bùn đắp lên những ô nứa mắt cáo thành tường vách che mưa, ngăn gió… trên mái nhà lợp cỏ gianh qua thời gian và được nắng mưa chải chuốt thường xuyên trở nên phẳng phiu óng mượt sạch sẽ và yên bình... Những ngôi nhà tranh vách đất này là một hình ảnh điển hình của đồng bằng Bắc Bộ xưa đã trở nên xa ngái.
Và như thế, không gian yên tĩnh ở Việt Hải đối lập hẳn với thế giới đèn màu trên phố Cát Bà. Nằm giữa thung lung sâu, địa lý chia cắt lại ở giữa biển khơi trên một vùng đất hẻo lánh nên ngay cả nhiều người trong vùng cũng ít có thông tin hoặc chưa bao giờ đặt chân đến. Bởi vậy, Việt Hải cứ mãi là một ngôi làng xa lạ, bí ẩn giữa đời thường.
|
Được trải nghiệm "sống xanh" tại làng cổ Việt Hải là mơ ước của nhiều người. |
Dẫu Việt Hải vẫn là xã nghèo, và chính “cái nghèo” này là một nét văn hóa rất riêng mà có lẽ những nơi giàu có sẽ chẳng có được. Đành rằng cuộc sống rồi đây sẽ thay đổi, nhưng giữa trùng khơi sóng vỗ vẫn còn đó một ngôi làng thuần Việt, những giá trị truyền thống Việt Nam đang được người dân và cả những du khách trân trọng nâng niu, gìn giữ.
Họ không chỉ giữ cho cuộc sống của mình, giữ cho cảm nhận của khách phương xa về một làng quê riêng có bởi chính cuộc sống thanh bình, yên ả, lòng nhân hậu, phong cảnh hữu tình ấy để đối đãi, như chúng ta chạm tới cổ tích, ở một miền ấu thơ trong vắt nào, xa lắm…