“Sống chết mặc bay”

(PLVN) - Dù pháp luật về đầu tư xây dựng đã có tầng tầng lớp lớp các quy định ràng buộc điều chỉnh, nhưng việc các chủ đầu tư, giám sát, nhà thầu công trình có thực hiện quy định hay không, lại là chuyện khác. Thực tế phũ phàng thực hiện dự án kiểu “sống chết mặc bay” này đã diễn ra tại một số nơi. Điển hình trong đó là vụ sai phạm tại dự án Khu tái định cư Hòa Liên 3 và 4 mà TAND TP Đà Nẵng đang xét xử.  
Khu vực thuộc dự án Khu tái định cư Hòa Liên 4 (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ảnh: Hoàng Quân.
Khu vực thuộc dự án Khu tái định cư Hòa Liên 4 (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ảnh: Hoàng Quân.

Mười năm trước, UBND TP Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng dự án trên với mục đích phục vụ chỉnh trang đô thị theo kiểu “vừa thiết kế vừa thi công” nhằm nhanh chóng tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng khẩn cấp di dời, bố trí tái định cư cho hàng trăm hộ dân.

Hai dự án có tổng giá trị xây dựng hơn 300 tỷ, một thời gian sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra hiện tượng sụt lún do nền đất yếu. Thanh tra, rồi Công an vào cuộc, phát hiện công trình không tổ chức khoan thăm dò, khảo sát địa chất, gây ra hậu quả nghiêm trọng, ước tính thiệt hại trên 9,2 tỷ.

Sự cẩu thả đến mức vô trách nhiệm trong khảo sát thiết kế hai dự án này đã xảy ra một cách có hệ thống, chứ không chỉ ở riêng một cá nhân, đơn vị nào. Trong giai đoạn khảo sát thiết kế, các đơn vị đã không thực hiện khảo sát địa chất, hoặc có khảo sát nhưng lại không sử dụng kết quả khảo sát làm cơ sở thiết kế thi công.  

Tại Viện Quy hoạch TP Đà Nẵng, là đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình; cơ quan này vẫn lập hồ sơ thiết kế dự án dù không có kết quả khảo sát địa chất.  

Tại Cty TNHH tư vấn xây dựng Miền Trung (thuộc Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng), là đơn vị tư vấn thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình; dù không tổ chức thẩm tra hồ sơ thiết kế nhưng vẫn ký báo cáo kết quả thẩm tra.

Nhà thầu khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự án và nhà thầu thẩm định độc lập cũng “làm việc” kiểu “bù nhìn”; không thẩm tra hồ sơ khảo sát thiết kế.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, là Sở Xây dựng, làm việc kiểu “à uôm” không kém các đơn vị trên. Lẽ ra, khi thẩm định hồ sơ thiết kế, không có hồ sơ khảo sát, không đảm bảo quy định về xây dựng thì Phòng Quản lý xây dựng phải báo cáo lãnh đạo Sở Xây dựng đề nghị triển khai công tác khảo sát địa chất. Thế nhưng hồ sơ vẫn được phê duyệt với nhận định “hồ sơ thiết kế tuân thủ đúng các quy định của quy chuẩn...”. 

Tới lượt GĐ Sở Xây dựng (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), không kiểm tra hồ sơ cấp dưới trình, “nhắm mắt” ký các quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế để đưa vào thi công.

Vì thiếu trình độ, vì bị chỉ đạo, vì vô trách nhiệm, hay vì lý do nào mà “con voi chui lọt lỗ kim” như trên? Một bị cáo trong vụ án cho rằng: “Do quyết định của lãnh đạo UBND TP. Tôi là cấp dưới, không thể chống lệnh, có thể bị đuổi việc ngay”. Bị cáo này đề nghị tòa triệu tập ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP, là hai người cũng vừa nhận bản án về tội danh liên quan đất đai.

Hàng loạt cán bộ, cơ quan làm công tác thiết kế, thẩm định, ký duyệt, nghiệm thu công trình… đã làm việc kiểu “sống chết mặc bay”, mới dẫn đến vụ án nêu trên. Và họ không thể vô can sau khi “đốt tiền” Nhà nước như vậy.