Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam), cách khu phố cổ khoảng 3km về hướng Tây.
Đến thăm làng, ngoài việc thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề này.
Với tuổi đời trên 500 năm, làng gốm Thanh Hà thu hút rất nhiều khách tham quan bởi những sản phẩm gốm tinh xảo, đặc sắc.
Lịch sử lâu đời
Theo sử sách, khoảng thế kỷ XVI – XVII, Thanh Hà là ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung.
Tương truyền, những người thợ thủ công từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Thanh Hà lập làng, tạo nên nghề gốm và truyền lại cho đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn, làng gốm Thanh Hà rất thịnh vượng.
Các sản phẩm gốm của làng Thanh Hà đã tạo được uy tín trên thị trường lúc bấy giờ và trở thành một trong những mặt hàng chủ yếu cung cấp cho các thương gia khắp nơi đến giao thương tại phố cảng Hội An. Đặc biệt, Thanh Hà chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An.
Nếu phương Bắc tự hào có gốm Phù Lãng, Bát Tràng thì làng gốm Thanh Hà chính là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng. Đến thăm làng, ngoài việc thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, biến những viên đất sét vô hồn thành những tác phẩm tuyệt vời.
Quy trình làm gốm của Thanh Hà rất khắt khe. Ban đầu, đất sét phải loại bỏ tạp chất rất kỹ rồi được nhồi cho thật đều, thật mịn. Tiếp theo, đất sét được đưa lên bàn xoay để tạo dáng sản phẩm gọi là “chuốt” gốm. Đây là khâu khó nhất của quy trình làm gốm và chỉ người thợ 5 - 6 năm tuổi nghề mới có khả năng đảm nhiệm.
|
Nghệ nhân cao tuổi của làng gốm Thanh Hà. |
Sau khi hoàn thiện các khâu chỉnh sửa sản phẩm, các tác phẩm sẽ được phơi khô rồi đưa vào lò nung. Nếu tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn đưa ra, sản phẩm khi ra lò sẽ có màu đặc trưng của gốm Thanh Hà là màu gạch đỏ.
Các sản phẩm chủ yếu của làng là đồ dùng hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống... với nhiều kiểu dáng đa dạng và phong phú về màu sắc.
Đặc biệt, để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, làng cũng đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm lưu niệm bằng gốm rất đẹp mắt như mặt nạ gốm, phù điêu, gạt tàn, tò he...
Đến Thanh Hà, ngoài việc được thưởng thức tài hoa trong nghệ thuật chế tác, điều khiến những du khách trong đoàn thích thú hơn cả là được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay làm nên các sản phẩm gốm chỉ với đất sét và chiếc bàn xoay đơn giản.
Chứng kiến cảnh một nghệ nhân cao tuổi hướng dẫn các bạn trẻ ngoại quốc làm gốm, không cần bất cứ ngôn từ nào, chỉ qua ánh mắt, cử chỉ, nụ cười, hai thế hệ từ hai nền văn hóa khác biệt vẫn đồng cảm để làm nên một sản phẩm, đó là một trải nghiệm thú vị.
|
Sản phẩm gốm Thanh Hà |
Cho đến nay, Thanh Hà vẫn tuân thủ các quy trình sản xuất gốm truyền thống. Chính điều đó đã tạo ra nét đặc biệt trong các sản phẩm của làng. Trong xu thế hội nhập, các sản phẩm được làm ra từ tình yêu quê hương đất mẹ, từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đã có mặt khắp nơi, góp phần phát triển kinh tế địa phương và quảng bá hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và văn hóa Quảng Nam nói chung.
Công viên gốm
Bước vào khu đất rộng hơn 6.500m2 là hình ảnh hai tòa nhà được xây dựng bằng gạch trần mà theo những nghệ nhân gốm mô tả, chính nơi này là nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của làng gốm: Công viên Đất nung Thanh Hà.
Sau hơn bốn năm xây dựng, đây là nơi gìn giữ những nét đẹp của làng nghề, là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà.
Gọi là Công viên, nhưng thực chất là không gian của một bảo tàng gốm sứ, là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ từ khắp nơi hội tụ về thỏa ước mơ với đất và lửa để sáng tạo.
Cả một không gian rộng lớn trong hai tòa nhà này là cả câu chuyện kể bằng hình ảnh, vật dụng, hiện vật… được kết nối suốt chiều dài 500 năm của làng gốm cổ.
Trong không gian rộng hơn 2.000m2 của hai tòa nhà kiến trúc cách điệu hai lò nung gốm là cả một thế giới của đất, của lửa, của những thợ mộc hàng trăm năm trước. Những viên gạch đỏ au làm nên một không gian toàn màu của đất nâu, hay màu của đất sóng sánh cùng lửa đỏ.
Cả thế giới của đất nung, của gốm sứ được tạo nên từ những bàn tay sần sùi, những bàn chân cong vẹo vì nhào nặn đất còn hằn in trong từng cuộc đời của các nghệ nhân làng gốm cổ này.
|
Một góc công viên gốm |
Khu bảo tàng gốm trưng bày quá trình hình thành làng nghề gốm, các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề… Khu trưng bày ngoài trời gồm các tượng gốm lớn, cũng là không gian cảnh quan.
Khu trưng bày các mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam và thế giới như: khu thành nội Huế, khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An; các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như: Kim tự tháp, đền Parthenon, Đấu trường Colosseum, Khải hoàn môn, tòa thánh Vatican…
Không gian Công viên Đất nung Thanh Hà đã tổ chức nhiều trại điêu khắc, sáng tác, triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Ông Roby Bellemans - Giám đốc điều hành Công viên cho biết, sau khi đi vào hoạt động, Công viên đã có nhiều dự án trải nghiệm dành cho trẻ em và những người đam mê đất và lửa của nghề gốm cổ xưa, tạo điều kiện cho du khách gần xa đến đây thưởng lãm và tự tay tạo cho mình những sản phẩm gốm mà mình yêu thích.
Cụ bà Nguyễn Thị Được (89 tuổi), một nghệ nhân gắn liền với làng gốm kể lại: “Dân làng ở đây bao đời sống chết đều nhờ vào cục đất sét. Nhờ có đất sét mà có sản phẩm góp mặt cho đời. Nhờ có những sản phẩm được nung qua lò úp, lò ngửa mà nuôi được con cái ăn học thành tài. Còn có đất sét là còn có đất sống”.
Hiện nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.
Về Thanh Hà hôm nay, sắc đỏ của gốm vẫn hiện diện khắp nơi, mỗi ngôi nhà đều có hàng cây xanh phủ bóng, những cây đa, bến nước, sân đình của một làng cổ được lưu giữ nguyên vẹn, mang lại cảm giác thư thái về một vùng quê yên bình.