Sống chung với cha mẹ chồng, trong khi vợ cũ của chồng vẫn đang lưu cư ở đó

(PLVN) - Sau khi cưới, do chưa có điều kiện nên vợ chồng em ở nhờ nhà của cha mẹ chồng. Điều khiến em cảm thấy rất khó chịu, khổ sở là trong ngôi nhà này còn có cả vợ cũ của chồng em hiện đang lưu cư ở đó...
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Hỏi: Sau khi cưới, do chưa có điều kiện nên vợ chồng em ở nhờ nhà của cha mẹ chồng. Điều khiến em cảm thấy rất khó chịu, khổ sở là cùng sống trong ngôi nhà này còn có cả vợ cũ của chồng em..

Chuyện là khi ly hôn, do vợ cũ anh ấy chưa có chỗ ở mới nên Tòa giải quyết cho mẹ con cô ta được lưu cư trong gia đình chồng thời hạn 6 tháng (cô ta là người nuôi con). Tất nhiên cha mẹ chồng em là người liên quan trong vụ án ly hôn cũng đồng ý, tự nguyện cho cô ấy lưu cư trong nhà của ông bà.  

Nhưng đến nay đã quá hạn được lưu cư 1 năm, chồng em cũng đã lấy vợ mới (là em) nhưng cô ta vẫn không chuyển đi. Thấy quá bất tiện, em có nhắc chồng nhưng chồng em chỉ ậm ừ vì sợ ra ngoài thuê nhà điều kiện không bảo đảm đứa con sẽ khổ. Cha mẹ chồng em thì rất quý cô ta, hơn nữa cô ta lại là người đang nuôi cháu của ông bà nên không dọn đi ông bà cũng chả có ý kiến gì. 

Xin hỏi trong trường hợp này em có quyền yêu cầu cô ta chuyển đi nơi ở khác hay không? Em phải làm gì để giải quyết sự bất tiện này? (Chị Hồng Đào, 27 tuổi)

Trả lời: Luật Hôn nhân và Gia đình tại Điều 63 quy định về Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Đây được coi là quy định hết sức nhân văn của pháp luật về hôn nhân và gia đình, tuy nhiên thực tiễn thi hành thì những người trong cuộc gặp phải không ít phiền toái. Chưa kể, thực tế có người còn lợi dụng quy định nhân văn này để làm khó cho đối phương. 

Theo quy định của điều luật trên, thời hạn lưu cư của người vợ chỉ là 6 tháng tính từ ngày bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật. Điều luật cũng quy định “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” nghĩa là nếu bên có nhà tự nguyện cho lưu cư 1 năm, 2 năm hoặc lưu cư đến khi nào có chỗ ở khác thì pháp luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện này của hai bên. 

Trở lại tình huống của bạn, giả sử ngôi nhà thuộc sở hữu riêng của chồng bạn, thì hết thời hạn lưu cư, anh ấy mới có quyền yêu cầu vợ cũ dọn đi. Trong trường hợp cô ta không dọn đi thì chồng bạn có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành theo quyết định của bản án, buộc cô ta phải dọn đi vì đã hết thời hạn lưu cư. Nếu ngôi nhà là của chồng bạn thì bạn cũng có quyền yêu cầu vợ cũ của chồng dọn ra nơi khác vì việc vợ cũ, vợ mới ở chung một nhà như vậy dễ hiểu lầm là không minh bạch, không phù hợp thuần phong mỹ tục “một vợ, một chồng”.  

Tuy nhiên, ở đây nhà là của cha mẹ chồng bạn, vậy thì chỉ ông bà mới có quyền làm việc đó, cho con dâu cũ tiếp tục được lưu cư hay yêu cầu phải dọn đi. 

Như vậy, trong trường hợp vợ cũ của chồng cố tình không dọn đi nơi khác mà cha mẹ chồng cũng không yêu cầu cô ta đi, để tránh sự bất tiện này, thì chỉ còn cách là vợ chồng bạn chủ động dọn ra nơi ở khác. Chúc bạn sớm giải quyết ổn thỏa mọi chuyện. 

Đọc thêm