Những người giàu có
Giữa một đô thị ồn ào đầy xáo động, giữa những tin tức gây bức xúc, đau đớn và mệt mỏi hàng ngày ập vào đầu, đôi khi, bắt gặp một vài dòng tin, người ta thấy lòng mình ấm lại. Đó đôi khi chỉ là vài dòng thông báo được chia sẻ trên Facebook, rằng anh Tony, một Việt kiều Pháp có một căn nhà lớn nhiều tầng ngay vị trí thuận tiện, từng cho thuê với giá hàng ngàn USD/ tháng, nay anh không cho thuê nữa, sửa sang lại, trang bị đủ đầy để cho những người bệnh tỉnh xa đến Sài Gòn khám chữa bệnh ở miễn phí.
Miễn phí nhưng mà tươm tất, sạch sẽ lắm, giường tầng, gối chăn đầy đủ, có cả tủ lạnh luôn có thức ăn, có nhà bếp nấu ăn và máy giặt để người ta giặt giũ. Không những thế, anh còn sắm riêng một chiếc xe 16 chỗ để chuyên chở người bệnh từ các bệnh viện về nhà mình.
Và anh đăng thông tin trên mạng, nhờ bạn bè chia sẻ để mong tin đến với những bệnh nhân nghèo, nhà xa có nơi trú ẩn để yên tâm. Từ lúc anh khai trương căn nhà đầy nghĩa tình đến nay, đã có không biết bao nhiêu người bệnh nghèo, tỉnh xa được nhờ.
Chị Lê Thị Hoa, một bệnh nhân nghèo quê Cam Ranh, bị ung thư vòm họng, mỗi lần lên Sài Gòn xạ trị đều ghé chỗ anh Tony. Chỉ kể, trước đó, do quá khó khăn, chị thường ngủ vạ vật ở đâu đó qua ngày chờ vào lấy thuốc rồi bắt xe về. Nhưng nhờ có chỗ của anh Tony, chị được đón về, có chỗ ăn, ngủ thoải mái, bảo đảm được sức khỏe và quen biết nhiều người bạn, cũng là những bệnh nhân nghèo như chị.
Hay như câu chuyện của vợ chồng ông Bùi Công Hiệp ở quận 9, TP HCM đã hiến đất, lấy tiền túi ra xây nên một cơ sở tình thương nuôi dưỡng gần trăm em nhỏ mồ côi. Cái cơ ngơi ấy có giá trị hơn 100 tỉ đồng, một tài sản quá đỗi lớn với đa số mọi người. Số tài sản mà rất nhiều người phải buôn gian, bán lận, tranh giành cướp đoạt lẫn nhau để mà có được một phần nào.
Ở Sài Gòn, chị Phạm Thu Bảo Vân khá có tiếng trong những người hoạt động từ thiện. Không chỉ bởi chị là trưởng nhóm Từ thiện Chia sẻ yêu thương tại TP HCM, cũng không chỉ bởi nhóm của chị hoạt động rất tích cực, trong những năm qua đã giúp đỡ biết bao mảnh đời khó khăn, bao bệnh nhi hiểm nghèo thoát khỏi nguy kịch.
Mà quan trọng, chị vốn không phải dư giả gì. Là một người mẹ đơn thân, chị đã tranh thủ làm một lúc 2 công việc để trang trải cuộc sống, nuôi con. Những thời gian rảnh rỗi chị đều dành cho hoạt động thiện nguyện, cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Và con chị, lớn lên cũng là một thành viên tích cực trong nhóm hoạt động từ thiện của mẹ.
Với những con người có tấm lòng như thế, chuyện cân đo, đong đếm lợi lích về tiền dường như là một phạm trù khá xa lạ. Họ, dù dư dả hay còn nhiều khó khăn trong cuộc sống thì vẫn là những còn người rất giàu có: Giàu lòng nhân ái.
Cho đi không cần nhận lại
Người ta có rất nhiều cách để cho đi. Có người cho đi một cách rất rầm rộ: Lên hẳn báo chí, lên hẳn truyền hình, tổ chức những sự kiện lớn, nhỏ để thông báo rộng rãi về cái sự cho đi của mình. Có không ít người, mượn cái danh “làm từ thiện”, chủ yếu là để che đậy sự mục ruỗng, sự phi pháp và những đồng tiền đen bên trong.
Cũng có người, sự cho đi của họ đơn giản là cho “bằng lời”. Nghĩa là mạnh miệng hứa cho để được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để rồi, khi người được cho kì vọng, mong muốn và chờ đợi thì họ lặn không sủi tăm. Đó là kiểu cho một nhưng mong muốn nhận mười, thậm chí chẳng hề cho đi, nhưng luôn muốn vơ vét lợi lộc về mình.
Trái ngược với những cách cho đầy vụ lợi ấy, là việc cho đi trong âm thầm, cho mà không cần ai biết đến, không cần đáp trả. Trong nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện, vẫn có những mạnh thường quân được đề là “giấu tên”.
Có người ủng hộ hàng trăm triệu cho quỹ học bổng học sinh nghèo hiếu học, có người ủng hộ vài ngàn đô cho bà con vùng bão lũ, nhưng không ra mặt, chỉ để lại số tiền. Bởi họ hiểu rằng, điều quan trọng của hoạt động thiện nguyện chính là đồng tiền cho đi đến được tay người cần nó, giúp cho người ta vượt qua khó khăn, sống tốt hơn. Còn chuyện tên hay tuổi, chỉ là phù phiếm mà thôi.
Có lần, người viết từng đến phỏng vấn một người đàn ông trung niên đã bỏ số tiền tích cóp của mình để xây một cây cầu nhỏ cho người dân miền Tây đi lại dễ dàng hơn, vì ông thấy, nhiều em nhỏ đi học phải đi đò, mùa nước lên vô cùng nguy hiểm. Ông không giàu, số tiền gần 100 triệu là tiền ông dành dụm rất lâu mới có được. Nhưng, ông từ chối lên báo, chỉ “nói chuyện chơi”. Ông nói rằng, chuyện đó có gì mà đáng nói. Đời ngoài kia còn bao nhiêu người giỏi giang, tốt đẹp hơn ông.
|
Nhờ các tấm lòng thiện nguyện, những người nghèo đỡ vất vả |
Sài Gòn có rất nhiều người trong sáng như thế. Có người mở quán cơm từ thiện, vì thời gian đầu người dân chưa biết đến, phát khóc vì buồn, vì miếng cơm mình nấu ra phải đổ mà người nghèo không có ăn. Có người mùa nước ngập đem bộ đồ nghề ra đường sửa xe miễn phí cho người có xe bị chết máy. Có những đêm Trung thu, Giáng sinh hay Tết, đều đặn đưa gia đình đi phát quà cho người nghèo, người vô gia cư hay những người quét rác đêm, có những sinh viên trẻ, cuối tuần là đi dạy thêm miễn phí cho trẻ lang thang, trẻ ăn xin hay bán vé số.
Họ cho đi trong âm thầm, lặng lẽ, chỉ mong rằng những hành động nhỏ của mình sẽ góp phần giúp thay đổi những phận người.
Cho người cũng chính là cho mình
Lòng tốt có mục đích, có sự vị kỉ và cần hồi đáp có tốt không? Chắc chắn là vẫn tốt. Dù là mục đích thế nào đi nữa thì một tấm lòng, một hành động tốt sẽ góp phần làm tốt đẹp hơn cho cuộc đời này. Thà có mục đích mà hành thiện, mà làm điều tốt thì vẫn hơn là chẳng làm gì cả, vô cảm và trơ lì trước những mảnh đời khốn khó chung quanh.
Mà thực sự, hầu hết chúng ta, những con người bình thường đều có lòng riêng khi làm điều tốt đẹp. Có người cầu danh, có người “đánh đổi” với trời đất, với số phận bằng lời cầu nguyện giàu có, hết bệnh tật, được phúc báo…
Đỉnh cao của lòng tốt ấy là tấm lòng hoàn toàn sáng trong, vô tư không vụ lợi, không cần đáp trả. Hiếm hoi, nhưng vẫn tồn tại trên đời. Nhưng, cuộc đời vốn dĩ có lẽ công bằng riêng của nó. Cho dù người hành thiện cho đi mà không cần hồi báo, thế nhưng, sự hồi báo chắc chắn vẫn đến, với nhiều hình thức khác nhau.
Có người, với niềm tin nhân quả, đã gieo đi những nhân lành, để nhận quả ngọt ở đời này và đời sau. Có người, những hành vi đẹp, lối sống tốt đã trở thành tấm gương cho con, cháu, để rồi, thế hệ sau vẫn là những thế hệ rất tốt lành, tiếp nối tinh thần yêu thương con người.
Và có lẽ, điều mà những người sống cho đi nhận được, lớn lao nhất, chính là sự thanh thản, bình yêu trong tâm hồn. Đôi khi, người cho đi còn phải cảm ơn chính người nhận. Bởi, khi làm những điều tốt đẹp, khi cho đi, người ta thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng biết mấy, thấy mình thanh thản biết là bao.
Và cuộc sống của họ khi ấy mới có được hết ý nghĩa lớn lao của một con người sống hữu ích trong cuộc đời. Như là cánh chim thì phải hót, là chiếc lá thì phải xanh. Cuộc đời đã cho người ta niềm may mắn được sinh ra và lớn lên, được hưởng những hoa thơm, quả ngọt, những tốt đẹp chung quanh. Cho đi, cũng chính là một cách trả nợ cuộc đời vậy.