Sống để thương nhau…

(PLVN) - Chưa bao giờ như bây giờ, trong những khốn khó do đại dịch gây ra, người ta càng thấy được hình ảnh người Việt bao bọc, chở che cho nhau bằng những hành động cụ thể, bằng tấm chân tình…
Sống để thương nhau…

Những trụ ATM kì lạ nhất thế giới

Thời điểm này, báo chí Việt Nam và thế giới nhắc nhiều đến một loại hình ATM lạ đời ra mắt ở Việt Nam: ATM gạo. Xuất phát điểm của ATM gạo rất đơn giản, từ tâm nguyện muốn tặng gạo miễn phí cho người nghèo của ông Hoàng Tuấn Anh, một doanh nhân Việt kiều trẻ trong ngành khóa điện tử. Muốn tặng gạo trong mùa dịch, nhưng làm cách nào để không chỉ mình bản thân mà huy động được sức đóng góp của cộng đồng?

Rồi làm thế nào để vẫn đảm bảo được tính an toàn mùa dịch, hạn chế tiếp xúc gần nhau trong quá trình trao tặng? Cạnh đó, doanh nhân trẻ này còn có một trăn trở xuất phát từ lòng trắc ẩn, đó là làm thế nào để người dân nhận gạo mà không phải trải qua sự tiếp xúc rườm rà, không trực tiếp “thọ ơn” từ người trao tặng.

Với tất cả những tiêu chí ấy, đồng thời cũng mong muốn tạo ra một mô hình từ thiện mới mẻ để nhiều đơn vị khác nhìn vào mà “rút kinh nghiệm”, ATM gạo đã ra đời. Ban đầu, nó chỉ có mặt ở địa điểm đầu tiên, khu vực Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM.

Chiếc máy được chế tạo có vẻ đơn giản, thô sơ nhưng thực sự hiệu quả. Gạo được đổ vào từ bên trong, chạy qua một máng dài và ra đến tay người dân. Nơi người dân đến nhận gạo được thiết kế hệ thống cảm ứng tự động để nhấn vào là gạo tuôn ra với số lượng 1,5/kg cho mỗi người, đủ cho nhu cầu sống hằng ngày.

Mô hình mới mẻ, độc đáo này đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng. Người dân xếp hàng rồng rắn trong háo hức, niềm vui được nhận gạo. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, ATM gạo cũng nhận được tấm lòng của nhiều bà con muốn được chung tay. Người có ít đóng góp ít, người có nhiều đóng góp nhiều.

Người dân giàu có, trung lưu có, mà cả người không giàu có gì cũng có, ùn ùn kéo nhau đến tặng gạo. Từng kí gạo, chục kí, rồi hàng tấn được cung cấp đều cho chiếc máy ATM nghĩa tình. Gạo tuôn chảy không ngớt, như tấm lòng của người tạo ra máy, như tấm chân tình bà con dành cho nhau. 

Giờ đây, từ xuất phát điểm ban đầu, ATM gạo đã lan rộng ra nhiều quận trên địa bàn TP như quận 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… rồi đến các tỉnh, thành khác ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, với vài chục tỉnh, thành ghi nhận sự xuất hiện ATM gạo. Đồng thời, gạo, máy và cách làm cũng đã được chuyển giao cho nhiều địa phương khác để tiếp tục lan tỏa ATM gạo, lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương giữa người với người.

Đến nay, ATM gạo vẫn đang làm hết công suất của mình, với hàng ngàn tấn gạo đã được đến tay bà con, với trung bình 4- 6 ngàn người mỗi ngày cho mỗi máy. Tất nhiên, đằng sau chiếc “máy” vô tri là cả một hệ thống những con người thiện nguyện, hảo tâm đang ngày đêm góp công, góp của.

Nhiều báo chí nước ngoài nổi danh như CNN, Reuters đã viết về ATM gạo, trong đó, đều ngợi khen đây là một sáng chế độc đáo, lạ lùng được ra đời trong mùa dịch nhằm giúp đỡ những đối tượng gặp khó khăn trong xã hội. Nhiều tờ báo đã có phỏng vấn trực tiếp người dân đến nhận gạo, ghi nhận niềm vui và lòng tri ân của người dân đối với chiếc máy “diệu kì” này.

AMT gạo, một sáng kiến vì lòng nhân ái giờ có mặt khắp mọi nơi
 AMT gạo, một sáng kiến vì lòng nhân ái giờ có mặt khắp mọi nơi

Trong bình luận tại các trang mạng quốc tế trước thông tin báo chí đưa về ATM gạo, nhiều cư dân mạng quốc tế đã có những lời có cánh dành cho ATM gạo của Việt Nam. Rằng “Việt Nam là một đất nước không giàu, nhưng có lẽ là một trong những quốc gia giàu lòng nhân ái nhất thế giới”.

Cả xã hội chung tay làm điều thiện

ATM gạo là một ví dụ cụ thể rõ ràng về tinh thần nhân ái của người Việt. Đại dịch với sự giãn cách xã hội, đem đến muôn vàn khó khăn cho tất cả mọi đối tượng, không loại trừ một ai. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay trong tâm điểm của sự khó khăn này, người ta lại không bo bo, ích kỉ giữ thân hay gây ra những hành động không hay nhằm bảo vệ chính mình. Chưa bao giờ, lòng tốt lại được ghi nhận nhiều đến thế.

Ngoài ATM gạo, những quán cơm “0 đồng”, vốn hoạt động hiệu quả trong thời điểm bình thường, nay mùa dịch càng lan rộng, hiệu quả hơn. Không chỉ thế, “cơm 0 đồng” không còn là những quán ăn nằm cố định một chỗ. Người ta thấy “Cơm 0 đồng” có mặt ở khắp mọi nơi. Những cá nhân, những tổ chức nấu cơm, làm thành suất ăn đàng hoàng tử tế, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến những khu lao động, xóm nghèo, gầm cầu… để tặng cho người khốn khó. Đó không phải là “quán ăn 0 đồng” di động thì còn là gì nữa? 

Rồi còn nữa, nhiều chương trình có những cái tên đầy yêu thương, mà cách hoạt động cũng đầy hiệu quả như Mỗi ngày một quả trứng, hướng đến đối tượng là gia đình những người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Nói là “quả trứng”, nhưng thực ra, hơn nhiều những quả trứng, rất nhiều gia đình đã có những bữa cơm no, những thực phẩm giúp họ có thể vượt qua được cơn nguy khốn.

Chị Khuất Thị Hải Oanh, người sáng lập quỹ đã cho biết một tin vuirằng, với sự chung tay của cộng đồng, “Mỗi ngày một quả trứng” từ một quỹ có 28 triệu đồng, giờ số đã chi và số đang có lên tới tiền tỉ, tất cả đều từ những người không quen biết. Họ đến với nhau vì muốn mang đến niềm vui cho mọi người trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh. Quỹ hiện có đủ để phát lương thực, thực phẩm cho 2.000 gia đình nữa, chưa kể khoảng 1.000 người nghèo đã được phát bữa ăn nóng hằng ngày.

Tinh thần thiện nguyện, giang tay giúp đỡ người khó khăn có ở mọi nơi. Thời điểm bắt đầu giãn cách xã hội, những người bán vé số phải nghỉ bán, không có thu nhập và lâm vào khó khăn. Một đại lý vé số ở Vĩnh Long đã quyết định chu cấp tiền hàng ngày cho người bán vé số của đại lý mình để chung tay cùng họ vượt khó.

Một hoạt động của Mỗi ngày một quả trứng
Một hoạt động của Mỗi ngày một quả trứng

Tấm lòng của người chủ bán vé số ấy đã được cả xã hội ủng hộ. Phận đời người bán vé số được chú ý hơn. Để rồi, số tiền 50 ngàn đồng/ngày mà anh chủ đại lý vé số Vĩnh Long chu cấp cho người bán vé số trở thành số tiền “chuẩn” để các đại lý, các nơi hỗ trợ người bán vé số. Và rồi, 50 ngàn/ngày trở thành một chính sách chung mà các địa phương áp dụng để hỗ trợ người bán vé số, người lao động gặp khó khăn.

Thời điểm này, hành động thiện nguyện có mặt ở khắp mọi nơi, từ doanh nghiệp đến người dân, từ tổ chức đến cá nhân. Các trường học, các bệnh viện, trụ sở công ty, ủy ban nhân dân, nhà tư nhân… đã biến thành những “địa điểm nhân ái”, là những nơi tổ chức, hoặc tiếp nhận và cấp phát thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người nghèo. 

“Không có ai bị bỏ lại ở phía sau”, tinh thần ấy thể hiện rõ ràng ở việc chia sẻ hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Không chỉ người nghèo, người bán vé số mà các y bác sĩ, các doanh nghiệp… đều nhận được sự sẻ chia, nhiều ít. Một số doanh nghiệp, cá nhân may khẩu trang, sản xuất khẩu trang chất lượng, nước rửa tay cấp phát miễn phí liên tục cho các bệnh viện.

Ở các khu cách ly, những nhân viên, y bác sĩ cực khổ nhưng cũng không ít niềm vui khi nhận quà nghĩa tình từ những người cách ly hay người dân chung quanh. Nhiều người làm ăn được chủ thuê chia sẻ, giảm tiền mặt bằng… Lòng nhân ái ban đầu như đốm lửa nhỏ được thắp lên, rồi lan rộng, lan mạnh, rồi tỏa sáng, ấm áp ở muôn nơi.

Người Việt Nam giỏi xoay sở, hay sáng tạo. Điều ấy đã rõ trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều đáng quý hơn là rất nhiều những sáng tạo lại ra đời từ tấm lòng chân thành, nhân ái. Sáng tạo là để giúp đời. Những Quỹ Cơm có thịt, mô hình Quán ăn 0 đồng, Quỹ Mỗi ngày một quả trứng hay ATM gạo đều là sáng tạo ra đời từ tấm lòng nhân ái như thế. Không vì lợi lộc cho mình, không vì lợi nhuận hay doanh thu, những sáng tạo ấy đã đem lại nhiều hơn giá trị đồng tiền. Đó là giá trị của tình yêu thương. 

Trong đại dịch, người Việt ấm lòng bởi tình thương đang được người với người ngày đêm trao tặng cho nhau. Trong đại dịch và mãi sau này nữa, người Việt hoàn toàn có thể tự hào với các dân tộc khác, rằng chúng ta là một dân tộc giàu tình thương, giàu lòng nhân ái. Một dân tộc mà mạch nguồn nhân ái, mà tinh thần nhân đạo luôn chảy trong huyết quản mỗi người, từ thuở sơ khai đến nay.

Đọc thêm