Sống đời “phông bạt”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Phông bạt”, hai từ mà người đời hiện tại hay dùng để chỉ thói khoe mẽ, làm màu quá lố của người đời. Nhiều người không có tiền nhưng vì thói khoe khoang, làm màu mà cố vay mượn mà chơi. Vậy tại sao con người lại thích say mê những thứ phù phiếm như vậy?
Các nhân vật trong Đại gia Gatsby. (Ảnh: Warner Bros Pictures)
Các nhân vật trong Đại gia Gatsby. (Ảnh: Warner Bros Pictures)

Những lễ hội khao vọng nơi làng quê nghèo

Ngày xưa, truyện dân gian “Lợn cưới áo mới” cũng là cách để chê bai thói khoe mẽ của người Việt. Một lối sống mà nó không còn đơn lẻ của cá nhân mà di truyền của cả cộng đồng mê say tìm kiếm chút danh vọng dù nhỏ nhoi hay lớn lao. Danh vọng, để được người khác chú ý đến mình là khát khao của người Việt.

Ngày nay, có nhiều thứ mà một người có thể để làm cho mình “toả sáng” như đi vay mượn, rồi lên mạng xã hội tô vẽ cho mình là một người giàu có, thành đạt, nói chuyện đạo lý, Phật pháp… Nhưng chuyện đó ngày xưa cũng đâu thiếu.

Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh đã viết: “Dân ta là một dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội của mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới, từ thấp chí cao - từ anh khố rách trong làng cô cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta gọi là bố đĩ, bố cu; cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá, ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả, cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông, thầy phán. Hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi phải có chuộc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện…” (Danh dự luận, Nam Phong 1919).

Danh vọng có thể mua bằng tiền, bằng sự học, bằng luồn cúi, quan hệ..., nhưng sống ở trong đời phải có chút danh để đời mình có tiếng nói, được trọng vọng, được người khác để ý. Bao năm quanh quẩn dưới luỹ tre làng, trong ngôi nhà nghèo khổ, thân phận không ai để ý, giờ vớt vát chút danh nhỏ nhoi cũng đáng để làm sao.

Nhà nghiên cứu Pierre Gourou cũng nhìn nhận thấu đáo: “Người nông dân rất thích trở thành chức sắc; họ có thể đạt được bằng sự chấp nhận của các vị kỳ mục hay do dân cử, nghĩa là bằng thủ đoạn; và họ chỉ đạt được khi đến tuổi. Khi trở thành chức sắc họ quan tâm đặc ân của mình đáng được hưởng: đặc biệt khi có cỗ bàn lớn trong xã, người ta không được quên phần biếu xén của họ. Cái sọ lợn là miếng giá trị nhất, trong một số làng nó được dành cho ông tiên chỉ, hay một số vị kỳ mục nào đó. Cắt phần sọ lợn của một vị chức sắc là xúc phạm nghiêm trọng đến ông ta, vị chức sắc đó sẽ bỏ cả thời gian và có khi cả tài sản để yêu cầu quan trên xử cho vụ xúc phạm đó. “Miếng thịt làng sàng thịt mua”, câu tục ngữ Việt Nam đó vẫn còn nguyên giá trị và cho ta có một ý niệm chính xác về sự tranh chấp mạnh liệt để giữ gìn ngôi thứ trong làng”. (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ - nghiên cứu địa lý nhân văn).

Và khi có chút chức sắc, người ta mở tiệc ầm ĩ để tự vinh danh mình. Quả thực sau bao năm phận hèn, bổng dưng có chút danh phận sao không làm cho mình toả sáng.

Chính cái lễ khao vọng đó cũng làm nhiều người vì danh hão mà thân bại danh liệt. Theo nhà nghiên cứu Nhất Thanh cho biết: Tục lệ khao bao giờ cũng đi đôi với vọng. Vọng là được người ta trông lên (với ý cao đẹp mong muốn). Lệ vọng phải nộp tiền cho làng, ngôi cao thì lễ nặng, bậc thấp bàn dưới thì lễ nhẹ, tuỳ tục mỗi làng”.

Trong cuốn “Đất lề quê thói”, Nhất Thanh cho biết thêm là nhiều người nghèo vì háo danh mà tổ chức lễ khao vọng rầm rộ khiến cho gia chủ trở thành nạn nhân của tục lệ này “nhưng có người vì khao vọng mà khánh kiệt gia tài, thì khao vọng chỉ là một tệ tục, “được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Nhiều nho sĩ nghèo rớt mồng tơi đổ tú tài, cử nhân rồi không có tiền khao, bà con thân thích nội ngoại phải cố gắng giúp tiền giúp gạo làm lễ khao vọng, vì không thể bỏ lệ làng, cái lệ sống ở làng, sang ở nước…”.

Hủ tục hào nhoáng danh lợi đó vẫn bám đuổi con người đến tận bây giờ. Ví cái câu “danh chính ngôn thuận” cũng là phần nào khiến người ta làm mọi thứ để có mục đích đạt tới.

Sự “lấp lánh” của xã hội hiện đại

Lối sống màu mè, “phông bạt” vẫn tiếp diễn như là một thú vui kiếm tìm trên hành trình đời người. Con người cần có có mặt nạ khác để sống, tồn tại, vươn lên vì bản chất xã hội luôn bị hấp dẫn với những thứ phù phiếm, hào nhoáng trước mắt hơn sự tìm kiếm bản chất thật của nhau.

Chúng ta đã thấy nhiều kẻ suốt ngày lên mạng nói chuyện đạo lý, sống xa hoa, làm từ thiện… nhưng lại vỡ ra là kẻ lừa đảo khi cơ quan chức năng phát hiện ra. Đơn giản vì sống đời “phông bạt” lại được nhiều người tin tưởng hơn, dễ kiếm tiền hơn, có danh vọng hơn… là những người sống đơn giản, chân thành. Đám đông luôn dễ bị hút hồn vào những thứ lấp lánh, sang trọng, thượng lưu… họ coi đó là sự thành công mà không biết rằng bàn tay của những kẻ đó đã “nhúng chàm”, thậm chí vấy máu đồng loại.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Cụ Phan Bội Châu từng viết: “Tục ngữ có câu rằng: “Trăm voi không được bát nước xáo”; lại có câu rằng “Mười thóc không được bát gạo”. Xem đó mới biết tính chất người nước ta chứng bệnh giả dối là một chứng rất nặng. Sĩ hay giả dối thì tìm đạo lý không cậy óc mà cậy tai; nông hay giả dối thì cày cấy ruộng trưa không cậy người mà cậy đất; công hay giả dối thì phấn sức lừa đời mà không cầu thực dụng; thương hay giả dối thì đua nhau bòn vặt mà mất cả lợi to, thậm chí mướn đạo đức làm lối cầu danh mà trát vàng ở mặt ngoài, mướn nhân nghĩa làm mối cầu lợi mà xức mật ở đầu môi…” (Cao đẳng quốc dân, 1928).

Lối sống “phông bạt” nó cũng chạy theo chủ nghĩa sống gấp “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu), nghĩa là người đời cần làm mọi thứ để cho cuộc sống mình rực rỡ, bộc lộ hết năng lượng, chứ sống mòn mỏi với nghèo hèn buồn chán lắm. Đời cứ vui đi đầu cần biết ngày mai, lừa được nhau thì cứ lừa.

Trong bộ phim “Đại gia Gatsby (The Great Gatsby)” của điện ảnh Mỹ đã nói về con người đi tìm kiếm sự hào nhoáng, giàu có, nhưng sâu thẳm vẫn là sự cô đơn mà ít ai thấu hiểu. Gatsby đã sống một đời phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của một kiếp người. Tham gia chiến trận, lao vào kiếm tiền bất chấp, có thật nhiều tiền, mua một căn biệt thự đối diện biệt thự nhà nàng, tổ chức tiệc hàng tuần vào thứ bảy, chiếu thứ ánh sáng xanh kì diệu bắt mắt qua bờ sông tới nhà nàng chỉ để có được một sự chú ý của nàng.

Cay đắng thay anh lại không có được sự chân thực của con người mình. Một tình yêu giấu giếm không có thực. Một sự sung sướng không có đích đến. Một cảm giác chở che giả tạo và một sự tồn tại ẩn hiện không rõ ràng. “Nick, người kể chuyện trong phim, một người bạn kết giao với Gatsby đã nói: “Trong khu vườn màu xanh của anh ấy, những chàng trai, cô gái đến rồi đi như những con bướm đen giữa những lời thầm thì, rượu sâm panh và những vì sao”.

“Cuộc sống giàu sang nhưng vô vị không có nổi một người bạn thật sự. Tất cả đến với Gatsby chỉ vì sự giàu có hào nhoáng của anh và sự tò mò của họ. Với những con bướm đêm ấy, liệu có một Gatsby thật sự tồn tại? Hay chỉ như những bông hoa đẹp, nở rồi tàn? Lúc bung nở, lũ bướm sẽ vây quanh, còn khi tàn lụi thì sẽ chỉ có mình nó từ từ rụng lìa khỏi cành?” - trích một lời bình phim.

Ai sống thế nào là quyền tự do của mỗi người. Cách chọn lựa nào cũng có sự sát thương cả. Sống “thật thà cũng chịu nhiều xót xa” như câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An đã nói vậy.

Sống làm màu, trang bị cho mình một mặt nạ khác đang diễn ra phổ biến khi mà mạng xã hội lấn át đời sống tinh thần. Khi mặt nạ rơi xuống, chúng ta thấy thật thất vọng của những người đã phải sống trong sự lấp lánh nhưng chứa đầy nguy hiểm đó.