Hà Nội: Đi khám bệnh phải... bịt mũi vì chuồng lợn nằm trong bệnh viện

(PLO) -Bệnh viện là nơi mà vấn đề vệ sinh luôn phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo môi trường sạch sẽ, hạn chế phát sinh mầm bệnh. Thế nhưng, từ giữa năm 2015 trở lại đây, trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại xuất hiện một chuồng lợn với hơn chục con nằm la liệt, kêu inh ỏi, mùi hôi thối bốc lên khiến không ít bệnh nhân, người dân bức xúc.
Chuồng lợn trong khuôn viên bệnh viện đa khoa Vân Đình (ảnh chụp từ clip)
Chuồng lợn trong khuôn viên bệnh viện đa khoa Vân Đình (ảnh chụp từ clip)

Nằm gần ngay khu điều trị

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, khả năng chuyên môn kỹ thuật với quy mô khoảng 300 giường bệnh. Đây là nơi khám chữa bệnh cho người dân khu vực phía Nam TP.Hà Nội.

Từ giữa năm 2015 theo phản ánh của người dân địa phương cũng như người bệnh đang điều trị, trong khuôn viên bệnh viện bất ngờ “mọc” lên một khu chăn nuôi lợn khiến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn, sống chung với không khí ô nhiễm mà không biết kêu ai.

Trước thông tin nói trên, phóng viên Câu chuyện Pháp luật đã có mặt tại Bệnh viện Vân Đình để tìm hiểu thực hư vụ việc. Đến nơi, theo chỉ dẫn của một người dân, không khó để nhận ra một chuồng lợn rộng hơn 10m2 được bố trí xây dựng khá kín đáo, nép vào khoảng đất trống giữa nhà xác và nhà rác của bệnh viện. Điều đáng nói, khu chuồng lợn chỉ cách khu điều trị của khoa truyền nhiễm và các khoa chức năng khác của bệnh viện một đoạn ngắn.

Theo quan sát, chuồng lợn được xây khá cẩn thận và chắc chắn. Bên trong có nuôi tới hơn 10 con lợn. Mỗi con ước khoảng chừng 30 – 40kg đang đầm mình trong vũng phân lầy, xung quanh vẫn còn những thức ăn thừa, rau cỏ, phân lợn... bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng vây kín.

Phía ngoài, cánh cửa chuồng được làm bằng những song sắt chắc chắn và được che kín bởi một lớp bạt ni lon màu xanh. Phần mái được che chắn tạm bợ bằng những tấm lợp xi măng và những mảnh tôn thừa khiến khung cảnh rất nhếch nhác. Mỗi khi trời mưa, nước bẩn từ trong chuồng lợn tràn ra ngoài khiến mùi xú uế càng nồng nặc hơn, tỏa mùi khó chịu ra xung quanh.

Xộc thẳng vào mũi

Ông Nguyễn Văn L, chăm sóc người nhà đang được điều trị tại bệnh viện, than thở: “Nước chảy lênh láng cả khuôn viên, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nhiều bệnh nhân phải nằm trong phòng chứ không dám bước ra ngoài đi dạo hay hóng mát”.

Một số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện bức xúc chia sẻ: “Đã nhiều tháng qua, bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện này đều phải cam chịu sống trong tình cảnh ô nhiễm không khí nặng nề khi hàng ngày phải chịu mùi hôi thối nồng nặc từ chuồng lợn của bệnh viện bốc lên. Nhiều bệnh nhân do không chịu được mùi khó chịu trong bệnh viện đã phải xuất viện sớm để xin về nhà tự điều trị”.

Ông Nguyễn Văn Hải (một bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện) ngao ngán cho biết: “Mùi hôi thối của chuồng lợn bốc lên nồng nặc khiến cuộc sống của bệnh nhân ở đây bị đảo lộn, nhất là trong mùa hè nóng nực như thế này lại càng khó chịu hơn. Nhiều phòng bệnh nhân phải đóng kín cửa nhưng mùi hôi thối vẫn theo luồng gió xộc vào khiến nhiều bệnh nhân trong phòng rất khó thở. Nhiều người đã chọn giải pháp là xịt nước hoa, dầu thơm, hương vòng để át mùi xú uế khó chịu thì mới chợp mắt nghỉ ngơi được”.

Không chỉ ảnh hưởng tới các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, các hộ dân xung quanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Quán ăn của bà X (một người dân địa phương) nằm cách chuồng lợn – cổng phụ của bệnh viện chưa đầy 20m. Dù bức tường ngăn cách giữa nhà bà X và bệnh viện rất cao nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi thối của chuồng lợn ngày ngày bốc ra.

Khi được hỏi về nguyên nhân ô nhiễm, chủ quan bức xúc chỉ tay về phía bệnh viện Vân Đình nói: “Đấy, mùi ở đấy mà ra. Từ ngày bệnh viện xây chuồng lợn ở cạnh nhà xác, gia đình tôi phải sống chung với mùi xú uế này, hàng quán thì ngày càng ít khách, gần như không có ai dám ăn cơm của quán tôi vì nhà thì bán hàng ăn mà cứ có gió thì lại có mùi hôi thối thì ai mà nuốt nổi”.

Ban giám đốc không trả lời?!

Trước sự thờ ơ, xem thường sức khỏe của bệnh nhân và người dân, sáng 30/5/2016, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo bệnh viện, cụ thể là Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vân Đình - ông Nguyễn Văn Chương để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, chúng tôi được nhân viên thông báo là ông Chương không có mặt tại bệnh viện.

Những ngày sau, phóng viên tiếp tục liên hệ lại nhiều lần để làm việc với ban giám đốc bệnh viện nhưng người tiếp lại là chị Vũ Thị Oanh, trên thẻ đeo ghi chức danh: trưởng phòng văn thư.

Khi phóng viên đặt vấn đề về việc xây chuồng lợn và nuôi lợn trong khuôn viên bệnh viện cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian qua tại sao không được xử lý. Chị Oanh cho biết: “Việc xây chuồng lợn trong khuôn viên bệnh viện thực chất là do ban quản lý bệnh viện muốn những bệnh nhân được sử dụng lợn sạch nên mua trực tiếp lợn sạch về thả ở chuồng để… thịt dần. Đồng thời, bệnh viện không nuôi lợn mà chỉ để lợn ở đó chờ giết thịt và không hề gây ra mùi hôi thối, xú uế nào như những lời phản ánh của người dân. Có thể do những người dân đó có hiềm khích, không hài lòng với bệnh viện nên đặt điều như vậy (!?).”

Vị trưởng phòng văn thư này đã chối rằng trong chuồng hiện tại không có lợn nhưng khi chúng tôi đưa ra hình ảnh chứng mình thì chị Oanh lại nói: "Đó là do những người trong căng tin của bệnh viện tận dụng lượng cơm thừa, canh cặn của bệnh nhân để làm đồ ăn phục vụ chăn nuôi".

Đồng thời, chị Oanh lý giải rằng, do thức ăn thừa của bệnh nhân sẽ gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường nên những người trong căng tin bệnh viện “đành” nuôi lợn trong bệnh viện để… bảo vệ môi trường (!?).

Chưa biết mục đích thực sự của việc nuôi lợn này là gì? Chủ trương từ đâu và tại sao tồn tại suốt một thời gian dài? Nhưng việc một chuồng lợn kiên cố mọc lên trong khuôn viên bệnh viện đa khoa cấp huyện là rất phản cảm, khó chấp nhận. Đặc biệt, việc tồn tại một chuồng lợn trong khuôn viên bệnh viện gây ra ô nhiễm môi trường không chỉ với bệnh nhân mà còn các hộ dân xung quanh.

PLVN  sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Đọc thêm