Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Giảm bớt chi phí xã hội cho việc khám chữa bệnh

(PLO) - Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, đối với những người có thẻ BHYT, thì kinh phí để thiết lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) do quỹ BHYT chi trả. Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ lập dự toán kinh phí bổ sung năm 2017 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những người chưa có BHYT (khoảng 18% dân số) sẽ do ngân sách địa phương và nguồn tài trợ chi trả.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kinh phí ban đầu lập HSSK sẽ do BHXH Việt Nam chi trả

Được biết trong năm 2017, hai ngành y tế, BHXH sẽ phối hợp tổ chức triển khai việc lập HSSK cho từng người dân. Tại sao phải lập HSSK và kinh phí lập hồ sơ do ai chi trả?  

Ông Sơn cho biết, Việt Nam có một hệ thống y tế cơ sở khá toàn diện và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Trước đây, hệ thống trạm y tế xã, thôn, bản đã phát  huy  tác dụng  tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi chuyển  sang cơ chế thị trường thì hoạt động của hệ thống đó đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính; chi cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT. 

Cùng với đó, hiện nay nhân lực y tế tuyến cơ sở vừa thiếu vừa yếu, trang thiết bị chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ nhiều nơi còn thấp, y tế cơ sở chưa làm tốt việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do đó, người dân thường bỏ qua tuyến y tế cơ sở dẫn đến tình trạng quá tải diễn ra ở bệnh viện tuyến trên.

Năm 2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương của tỉnh Phú Thọ và tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, mỗi người dân có một HSSK để ngành Y tế, BHXH  theo dõi, quản lý sức khỏe họ trong suốt cuộc đời. Một bộ hồ sơ sẽ được xác lập đầy đủ thông tin về nhân thân của người dân, những tiêu chí căn bản về tình trạng sức khỏe gồm cân nặng, chiều cao, giới tính, nhóm máu và một số thông tin khác liên quan đến bệnh sử…

Kinh phí ban đầu lập HSSK cho những người đã tham gia BHYT sẽ do BHXH Việt Nam chi trả; phần này nằm trong kinh phí dự toán năm 2017. Còn những người chưa tham gia BHYT (khoảng 18% dân số), nguồn kinh phí do ngân sách địa phương hoặc các nguồn tài trợ chi trả.

Lợi ích của việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân

Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 HSSK duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý HSSK điện tử quốc gia, có các lợi ích sau:

Đối với người dân: Khi cần khám, chữa bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí tiền túi của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.

Đối với ngành y tế, việc quản lý HSSK sẽ giúp hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của bệnh nhân thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe giúp việc hoạch định chính sách đối với ngành y tế tốt hơn vì có những bằng chứng về thực tiễn.

Đối với quỹ BHYT, việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, hạn chế bớt việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm bớt chi phí BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế bớt việc gian lận.

Quan trọng hơn, việc lập HSSK cá nhân và quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục giúp cải thiện sức khỏe giúp giảm bớt chi phí xã hội cho việc khám chữa bệnh và giúp bảo đảm sức khỏe cho mỗi người dân, phù hợp với quan điểm của Hồ Chủ tịch về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế nhân dân, xuất phát từ nhân dân, của dân, vì sức khỏe người dân. 

Về việc quản lý HSSK cá nhân có liên quan gì tới việc BHXH Việt Nam sẽ thay thế thẻ BHYT giấy bằng thẻ an sinh xã hội (ASXH) điện tử sắp tới. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, tạo lập cơ sở dữ liệu tập trung cả nước để thực hiện giao dịch điện tử BHXH, BHYT. Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, BH thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung. Nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, kết nối điện tử với các bệnh viện, phòng khám, đảm bảo chi trả BHYT đúng, kịp thời và tránh thất thoát.

Khi thẻ BHYT điện tử tích hợp các thông tin BHXH, BH thất nghiệp thì sẽ thành thẻ ASXH điện tử. Thẻ ASXH là thẻ gắn chip lưu toàn bộ thông tin quan trọng của người dùng và  mỗi một người dân có một mã định danh. Chỉ cần mã định danh đó thôi, người dân có thể đi khám bệnh; thụ hưởng chế độ hưu trí đến chế độ tử tuất, chế độ bảo trợ xã hội... và có thể tự kiểm soát được chế độ mình hưởng. Trong thẻ ASXH  sẽ bao gồm các thông tin như quá trình đóng và quá trình hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Những lần đi khám bệnh của người dân sẽ được lưu lại vào thẻ những thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám chữa bệnh… 

Đọc thêm