Nơi nuôi hy vọng cho những 'chiến binh bé nhỏ'

(PLO) - Hơn một năm qua, Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị - đã trở thành “mái ấm yêu thương” giúp các 'chiến binh bé nhỏ' được vui chơi, chăm sóc sức khỏe và học văn hóa. 
: Nhân viên Trung tâm đang hướng dẫn các em bài tập phục hồi chức năng
: Nhân viên Trung tâm đang hướng dẫn các em bài tập phục hồi chức năng

Địa chỉ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Trung tâm; đóng tại Khu phố 11, phường 5, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) được xây dựng từ sự hỗ trợ của Bộ Hỗ trợ phát triển Cộng hòa liên bang Đức với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, bao gồm các phòng: phục hồi chức năng, ăn, ở, học chữ, học nghề.... trên khuôn viên diện tích 8.140m² rộng rãi, thoáng đãng, và được trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị, tiện nghi sinh hoạt... đảm bảo nuôi dưỡng cho 90 nạn nhân.

Hiện tại Trung tâm đang nhận nuôi dưỡng hơn 30 em bị nhiễm chất độc da cam, chủ yếu theo hình thức bán trú. Mỗi tháng Trung tâm hỗ trợ miễn phí 270 nghìn đồng tiền ăn trưa và được cán bộ, nhân viên ở đây tập luyện, tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt tập thể và khi có tiến triển tốt sẽ được bố trí học các nghề như vi tính và may. 

Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, thế nhưng Trung tâm đã mở ra cơ hội cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin được phục hồi chức năng, sức khỏe tốt hơn cũng như được dạy học để hòa nhập với cộng đồng.

Một bữa ăn trưa của các nạn nhân tại Trung tâm
Một bữa ăn trưa của các nạn nhân tại Trung tâm

Những đứa trẻ đến Trung tâm mang trên mình những số phận khác nhau, đa phần là thiểu năng trí tuệ, trầm cảm, tâm thần, dị tật vận động chân tay, câm điếc và bệnh đao... tuy nhiên điểm chung là gia cảnh của các em đều rất khó khăn, vất vả.

Trong tuần, trừ thứ 7 và chủ nhật, các em đều đặn theo học tại Trung tâm, từ các chương trình học để phục hồi chức năng đến việc học cách nhận biết, quan sát mọi vật xung quanh, học chữ, học hát… Những “chiến binh bé nhỏ” ấy dưới sự dìu dắt tận tình của các cán bộ, nhân viên đang từng ngày trỗi dậy, vượt lên số phận để làm được những việc mà “những đứa trẻ bình thường cho là quá bình thường”.

Ngày mới đến Trung tâm, 2 cô bé song sinh Bắp và Sirô (7 tuổi) hầu như không đi đứng được, mọi sinh hoạt đều phải có sự trợ giúp của người lớn. Theo lời kể của bố mẹ các bé thì lúc sinh ra 2 đứa vẫn bình thường nhưng đến tuổi biết đi thì đôi chân đều bị queo quắt lại. Thế nhưng chỉ sau hơn một năm đến đây thì cả 2 đều đã tập đứng dậy được và bước những bước chân đầu đời.

Nhìn con thể trạng nay khỏe mạnh hơn, không còn yếu ớt và hay đau ốm như thời gian ở nhà mà chị Thảo – mẹ của các cháu không khỏi xúc động. Chị chia sẻ: “Trung tâm không chỉ tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi có thời gian để lao động, kiếm tiền trang trải cuộc sống mà còn giúp các con tôi được chăm sóc, nuôi dạy đảm bảo và các cô còn tận tình hướng dẫn những bài tập khoa học nên giờ đôi chân 2 đứa cứng cáp hơn rất nhiều”.

Hay như trường hợp của em Nguyễn Văn Thiên Phúc (SN 2000) bị thiểu năng trí tuệ. Mỗi lúc lên cơn lại la hét, đập phá đồ đạc, không ai dám lại gần, và đến bữa ăn chỉ có bố đút cơm mới chịu ăn. Vậy mà giờ đây Phúc đã ngoan hơn, hòa đồng với bạn bè và những “tật xấu” này cũng dần mất.

Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, Quảng Trị - vùng giới tuyến phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của cuộc chiến tàn khốc nay đã phần nào khoác trên mình những thay đổi đáng kể, đời sống người dân dần cải thiện. Song nỗi đau thương do chất độc da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu dai dẳng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8.208 hộ có người nhiễm chất chất độc da cam/dioxin với 15.485 nạn nhân, trong đó có hơn 1.950 hộ có từ 3 – 5 người trong gia đình cùng bị nhiễm chất độc hóa học này.

Điều dễ nhận ra, từ khi có Trung tâm những đứa trẻ được gửi tại đây dường như khỏe mạnh hơn và dần biết nhận thức.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Dăng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cho biết có rất nhiều gia đình muốn gửi con vào nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm, nhưng do ở xa quá nên đành chịu, mặc dù Trung tâm có trang bị sẵn phương tiện vận tải nhưng vì không có tiền đổ xăng nên chẳng thể đứa đón các nạn nhân ở xa địa bàn thành phố. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên Trung tâm hiện vẫn còn rất hạn chế và hầu như mọi người gắn bó với các cháu vì tấm lòng thiện nguyện là chính.

“Hiện kinh phí hoạt động của Trung tâm chủ yếu dựa vào nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm nên Trung tâm rất cần sự chung tay hơn nữa của cộng đồng, để mọi người có điều kiện lo cho các cháu ăn học, phục hồi chức năng, học nghề và sớm hòa nhập với xã hội. Có như vậy mới phần nào bù đắp những thiệt thòi, xoa bớt nỗi đau mà các cháu đang gánh chịu” – ông Dăng bày tỏ.

Đọc thêm