Vắc xin Covid-19 đã chính thức về Việt Nam

(PLVN) - Lô vắc xin Covid-19 đầu tiên được nhập khẩu chính thức về Việt Nam vào sáng 24/2, đây là tin vui cho cuộc chiến sớm đẩy lùi tiến tới chấm dứt đại dịch.
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam.
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam.

Dân Trí sáng nay (24/2) đưa tin, tối 23/2, lô vắc xin trên được vận chuyển theo đường hàng không. Chuyến bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM vào khoảng 10 giờ sáng nay. Vắc xin Covid-19 có mặt sớm hơn tại Việt Nam trước vài ngày so với dự kiến trước đó của cơ quan chức năng.

Theo Thanh niên, sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vắc xin sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất và nhập kho lạnh bảo quản tại TP HCM.

Tin vui này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến tiến tới chấm dứt đại dịch trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam nhập vắc-xin của AstraZeneca sản xuất tại Hàn Quốc

Trước đó, ngày 1/2, Bộ Y tế chính thức cấp phép có điều kiện vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Việc phê duyệt dựa trên các dữ liệu thử nghiệm an toàn của AstraZeneca đến ngày 28/1.

Bộ Y tế yêu cầu hãng dược này phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ trong việc triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin. Công ty phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định có liên quan. 

Đến ngày 17/2 ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ký công văn (số 1215/ QLD-KD) đồng ý để Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vắc xin Covid-19, nhà sản xuất SK Bioscience Co Limited, Hàn Quốc. 

Hơn 117.000 liều vắc xin chống COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyễn Nhung
 Hơn 117.000 liều vắc xin chống COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyễn Nhung

Công văn nêu rõ: Vắc xin nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vắc xin được ban hành kèm theo Quyết định ngày 1/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu và bảo đảm việc sử dụng vắc xin đúng mục đích, an toàn, hiệu quả theo đúng cam kết.

Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.

Ngành Y tế đủ khả năng ứng phó, xử lý những tai biến

Theo các chuyên gia tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 23/2, vắc xin phòng COVID-19 của  Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Theo đó, về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam vắc xin có thể tiêm ngay được.

Tuy nhiên, "Chúng ta sẽ không phải tiêm ồ ạt và không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để đảm bảo đưa vắc xin ngừa Covid-19 an toàn nhất cho người dân”- PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Hiện vắc xin này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Ngoài lô vắc xin trên, dự kiến trong quý 1 năm nay sẽ có khoảng 4,88 triệu liều vắc xin của COVAX facility cũng sẽ về đến Việt Nam.

Trả lời VGP về khả năng ứng phó các tai biến tiêm chủng có thể xảy ra khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm phải tuân theo các thông báo Tổ chức Y tế thế giới hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền.

"Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh. Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vắc xin phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm" - Thứ trưởng thông tin.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng với dự kiến sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế khi chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sáng 23/2, Ban Chỉ đạo khẳng định, về cơ bản việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiến tới Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vắc xin phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả.

Đọc thêm