Chuyện của những người phụng sự
Nếu nói đến câu chuyện của những người phụng sự, nhắc đến đầu tiên, không thể thiếu những chiến sĩ y tế. Ở thời điểm bình thường, các thầy thuốc chính là những người dấn thân, hy sinh để bảo vệ sức khoẻ, sinh mạng cho người dân. TP HCM và các tỉnh phía Nam đã đi qua thời kỳ mất mát chưa từng có trong lịch sử.
Trong những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát kinh hoàng vừa qua, sự dũng cảm, đức hy sinh, tấm lòng phụng sự cộng đồng càng được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết.
Những tấm gương dấn thân của lực lượng tuyến đầu, những y, bác sĩ, điều dưỡng, những cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là những hình ảnh đẹp mà mãi mãi nhân dân sẽ ghi tạc trong lòng.
Mới đây, nhân dịp đến thăm và chúc mừng ngành Y tế nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022), tại Bệnh viện Việt Đức chiều 25/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn giáo sư, y, bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.
Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh, thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng, sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Trong cuộc chiến ấy, những người phụng sự không chỉ là những bác sĩ tay nghề vững, danh tiếng mà còn có cả những chiến sĩ y tế “không tên”, những người tham gia chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung, những nhân viên trạm y tế địa phương không một ngày được nghỉ ngơi.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 có rất nhiều chiến sĩ “vô danh” như thế. Họ là một trong hàng trăm ngàn nhân viên y tế thầm lặng, luôn có mặt từng phút, từng giây, bất kể trời nắng hay mưa, đêm khuya hay sáng sớm, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trực tiếp nhận thông tin 24/24 giờ và nhanh chóng đi đến nhà thăm khám, hỗ trợ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở để kịp thời hỗ trợ, cấp cứu, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.
Những nhân viên y tế ấy sống trong môi trường làm việc hàng ngày đầy rủi ro, nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, thường xuyên phải tiếp xúc với F0 trong những lần lấy mẫu, điều tra truy vết trong cộng đồng, phối hợp đi khoanh vùng giăng dây để lập chốt cách ly kiểm soát dịch ở các tuyến hẻm có ca bệnh, điều tra dịch tễ, test nhanh bệnh nhân tử vong, phát thuốc cho dân, tổ chức tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn, đi cùng xe cứu thương đưa người đi cấp cứu… Nhưng họ không một phút nề hà, không ngại khó, ngại khổ. Họ dấn thân, lao về phía trước, sống để phụng sự, vì lòng yêu nghề và tình thương yêu dành cho con người.
Những bác sĩ nỗ lực cứu người trong đại dịch. |
Ngôi sao trong lòng dân
Qua những đợt dịch bùng phát, nhân dân đã hiểu và thương lực lượng y tế rất nhiều. Trong lòng nhân dân, giờ đây chiếm vị trí “thần tượng” hàng đầu không còn là những ngôi sao giải trí hào nhoáng lấp lánh mà là những bác sĩ giỏi giang, quả cảm, những nhân viên y tế hết mình.
Người dân thành phố không ít người biết về bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, người không ngại khó, ngại khổ, liên tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo các bệnh viện dã chiến mới mở ở những “vùng nóng” từ những ngày đầu dịch bệnh hoành hành ở TP HCM.
Hay bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), “thần tượng” của biết bao người vì sự dũng cảm không ngại “gạch đá”, cất tiếng nói thẳng thắn để hướng người dân đến những kiến thức đúng đắn về COVID-19, về vaccine...
Còn có PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm ICU Covid-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Thượng tá Bùi Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175, những người miệt mài nơi tuyến đầu, dùng cả năng lực chuyên môn lẫn ngòi bút để chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân.
Ngoài những “bác sĩ thần tượng”, còn có cả những “ngôi sao thầm lặng” nhưng không kém phần toả sáng. Như bác sĩ Trần Thị Bích Trâm ở Đồng Tháp, nhà có 2 con, con nhỏ chỉ mới 2 tuổi, khi dịch bệnh bùng phát, chị đã giao nhiệm vụ chăm sóc 2 con lại cho chồng để tham gia chống dịch, dẫu biết phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh – Trưởng trạm Y tế tiêu biểu trên tuyến đầu phòng chống dịch ở huyện Nhà Bè cùng cán bộ của Trạm Y tế tiên phong đi vào vùng dịch và tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Bác sĩ Thanh cùng tập thể cán bộ Trạm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, Tổ COVID cộng đồng, Tổ chăm sóc F0 tại nhà, tình nguyện viên…
Tại Lễ trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch tối 25/2, người dân được chứng kiến không ít “thần tượng” giản dị. Họ chính là những bác sĩ tình nguyện, những người đang ở nơi êm ấm lại xung phong vào vùng dịch bệnh hoành hành để giúp dân. Như bác sĩ Nguyệt Anh cùng bác sĩ Đặng Minh Hiệu là hai bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã lên đường đến với tâm dịch Bắc Giang khi tỉnh này trở thành nơi có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước khi đó.
Tại Lễ trao giải, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh chia sẻ rằng giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP HCM vừa qua, việc y, bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chống dịch là “một lẽ thường tình”.
Còn có cặp vợ chồng bác sĩ Nguyễn Quốc Vụ Khanh và Nguyễn Ngọc Sang (cùng Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM) nói họ là bạn đời, là đồng nghiệp, là chiến sĩ sát cánh cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh, xung phong vào tuyến đầu...
“Thần tượng” của nhân dân còn phải kể đến những con người bình dị mà nhiệt huyết, xông pha “làn tên mũi đạn” ngay những thời điểm nguy hiểm nhất để giúp đỡ người dân.
Họ là các đoàn thể xã hội, những hội nhóm thiện nguyện, những cá nhân xả thân vì đồng bào, giang tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn đang phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh.
Có thể kể hàng ngàn câu chuyện cảm động về lực lượng thanh niên tình nguyện và những điều nhỏ bé nhưng vĩ đại họ đã làm trong tâm dịch.
Đó là những việc làm thiết thực, như gửi tặng nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày dịch bùng phát dữ dội, trực 24 tiếng/ngày ở tổng đài 115 nhằm xử lý thông tin cấp cứu của người dân, không bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào của người dân đang cần, cung cấp rau, củ quả cho người dân, trực chốt trong mùa dịch, đưa ATM ô xy kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân F0 tại nhà, tham gia hỗ trợ phun xịt khuẩn ngấm mệt vì làm việc liên tục, nhiều nơi trong những ngày đỉnh dịch...
Nhân dân cũng không quên hình ảnh vất vả của một lực lượng “gần dân” bậc nhất, đó là lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố. Ở “phòng tuyến” nào họ cũng nhiệt tình tham gia, phát huy hiệu quả vai trò, kịp thời nắm chặt tình hình, phối hợp nhịp nhàng cùng các lực lượng không kể đêm ngày bám trụ tại các chốt kiểm soát, điều tiết giao thông, tuần tra kiểm soát, hỗ trợ hậu cần, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Họ đội nắng mưa, không quản ngại gian khổ với biết bao công việc có tên và không tên.
Trong cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go, đã có không ít dân phòng, bảo vệ tổ dân phố ngã xuống, hy sinh vì sự hồi sinh của thành phố. Không ít người vẫn chưa quên câu chuyện về ông Hoàng Phụng Nghĩa (bảo vệ tổ dân phố phường 1, quận Bình Thạnh, TP HCM) ngã xuống trong trận chiến chống COVID-19, bảo vệ nhân dân với tinh thần không sợ hãi, dẫu cho hoàn cảnh bản thân cũng hết sức khó khăn.
“Thần tượng” của dân còn là những doanh nhân dám nghĩ, dám làm, đem hết sức mình hỗ trợ, cứu đói, cứu khổ cho dân ở những thời khắc khó khăn nhất. Một trong những “thần tượng” như thế là anh Hoàng Tuấn Anh, người đầu tiên lập “ATM gạo” hỗ trợ người dân trong đợt dịch bùng phát đầu năm 2020, cũng là “cha đẻ” phối hợp cùng Thành Đoàn và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thiết lập Trạm đổi bình oxy hay còn gọi là “ATM oxy” cứu biết bao người dân giữa đại dịch.
Giữa mất mát, nguy khốn, những tấm lòng vì cộng đồng càng rực sáng hơn bao giờ hết. Những “người phụng sự” ấy đã sống nhiệt thành, sống bằng cả trái tim, sống một cuộc đời cho đi đầy ý nghĩa.
Họ thực sự xứng đáng là những “ngôi sao” đẹp nhất trong lòng dân, không cầu kì hoa mỹ mà hết sức thân thương.