Sống tạm bợ trên chính mảnh đất hương hỏa vì một quyết định vô cảm của chính quyền

(PLO) - Báo PLVN nhận được đơn kêu cứu của cụ bà Nguyễn Thị Dóc (83 tuổi, ngụ tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) vì những quyết dịnh không chính xác của chính quyền khiến cụ rơi vào hoàn cảnh sống không có nhà ở. 
Căn lều dựng tạm bợ ngay trên đất hương hỏa
Căn lều dựng tạm bợ ngay trên đất hương hỏa
Trong quá trình về xác minh sự việc tại địa phương, nhóm phóng viên (PV) đã chứng kiến hoàn cảnh vô cùng đáng thương của cụ, phát hiện nhiều “lỗi” trong việc xử lý của chính quyền nơi đây cả về tình và lý...
Gần đất xa trời... biết kêu ai?
Theo đơn trình bày, trước đây cụ Dóc sống trên mảnh đất (cùng địa chỉ trên, diện tích 522m2) của cha ông để lại cùng các anh chị em. Sau này, cha cụ Dóc qua đời không để lại di chúc nên cụ và các anh chị em vẫn sinh sống bình thường trên mảnh đất đó. Rồi các anh chị em của cụ lần lượt lập gia đình, ra ở riêng, bám trụ lại mảnh đất hương hỏa chỉ còn cụ Dóc và anh trai là cụ Nguyễn Văn Bách. Mảnh đất đó về sau được chuyển sang đứng tên cụ Bách. Đến khi anh trai qua đời, cụ Dóc tiếp tục sống nương nhờ các cháu (con của cụ Bách).
Ngày 4/8/2009, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UB về việc thu hồi đất tại phường Nam Sơn, TP.Hưng Yên để thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo quần thể phố Hiến giai đoạn 2. Mảnh đất cụ Dóc đang ở cùng các cháu cũng nằm trong diện bị thu hồi. 
Ngày 13/11/2009, UBND phường Lam Sơn đã tiến hành xác minh nguồn gốc mảnh đất đứng tên cụ  Nguyễn Văn Bách, nội dung như sau: Cụ Nguyễn Văn Lành sinh được 5 người con, 2 trai và 3 gái. 3 trong 5 người con của cụ đã lập gia đình, có nơi ở riêng. Cụ Lành qua đời, để lại thửa đất cho cụ Bách và cụ Dóc cùng sử dụng nhưng không có di chúc. Cụ Bách sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái), sau khi cụ Bách qua đời có để lại thửa đất trên cho anh Nguyễn Văn Nam (con trai) và em gái mình cùng cư trú. Cũng trong cuộc họp đó, các bên liên quan và bản thân anh Nguyễn Văn Nam đã thống nhất chia cho cụ Dóc 100 m2 đất thổ cư làm nơi cư trú.
Như vậy, theo văn bản trên, đương nhiên cụ Dóc có quyền lợi trong việc được phân suất đất tái định cư, cụ thể, cụ có 1 suất trong 3 suất đất mà anh Nam đã đăng ký và mua được là lô số 80, 81 và 87 tại khu dân cư Nam Đinh Điền. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn tất thủ tục và  bàn giao đất tái định cư,  UBND TP.Hưng Yên lại “bỏ quên” trường hợp của cụ Dóc, giao toàn bộ 3 suất đất tái định cư cho ông Nguyễn Văn Nam. Ngay sau đó, cụ Dóc đã có đơn kiến nghị với cơ quan chức năng TP.Hưng Yên để xem xét và điều chỉnh việc bố trí tái định cư cho cụ. 
Căn cứ vào đơn kiến nghị của cụ Dóc và quá trình xác minh, UBND TP.Hưng Yên đã có Quyết định số 2753/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 về việc “Điều chỉnh Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 12/1/2010 của UBND TP.Hưng Yên về việc giao đất tái định cư cho ông Nguyễn Văn Nam”. Tuy nhiên, không hiểu sao nội dung Quyết định 2753 dù đã điều chỉnh nhưng vẫn chỉ đề cập đến cụ Dóc với tư cách là “người có quyền lợi liên quan”, người được giao toàn bộ đất tái định cư vẫn là ông Nam.
Cụ bà Dóc “mong pháp luật sẽ công bằng”
Cụ bà Dóc “mong pháp luật sẽ công bằng” 
Vô cảm, nhầm lẫn hay cố tình làm sai ?
Tìm hiểu sự việc, nhóm PV đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Hưng Yên. Theo ông Tân, toàn bộ việc làm hồ sơ cũng như bàn giao đất thu hồi và nhận đất tái định cư đều do người cháu là ông Nam đứng ra. 
Ông Tân quả quyết: “Anh Nam là chủ thể,  hơn nữa đã đóng đầy đủ số tiền thuế đất theo quy định nên việc giao đất cho anh Nam là hợp lý. Tuy nhiên, vì có kiến nghị từ phía cụ Dóc nên hiện nay chính quyền mới chỉ bàn giao 2 lô đất số 81 và 87 cho anh Nam, còn lô số 80 vẫn đang treo”. 
Hỏi cách giải quyết sự việc trong thời gian tới, ông Tân nói : “Vì đây là việc nội bộ trong gia đình nên rất muốn mọi người tự thỏa thuận và cam kết với nhau. Sau khi có thống nhất mới có thể bàn giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được”. 
Trước đó, trong đơn trình bày, cụ Dóc đã có nguyện vọng: “Nhà của ông cha tôi để lại, nếu Nhà nước thu hồi thì phải cấp cho tôi nhà khác, tôi không muốn ở chung với ai”. Nghe nguyện vọng này, ông Tân tiếp tục giải thích: “Thật ra, anh Nam đã cam kết sẽ đón cụ Dóc về nuôi và chăm sóc đến cuối đời, điều đó là hợp tình, hợp lý. Chẳng qua có mấy đứa cháu của cụ xúi bẩy, bảo cụ đòi đất, để sau này mà cụ có mất đi thì lại có lợi cho mình thôi”. Ông Tân cũng cho biết, nếu cụ Dóc đồng ý sống cùng ông Nam, sẽ được cấp giấy chứng nhận đồng sở hữu.
Chúng tôi tìm đến nơi cụ Dóc đang trú ngụ. Đấy chỉ là căn lều tạm bợ được dựng trên chính mảnh đất mà ông cha để lại. Đang lúi húi đắp gờ xi măng ở cửa để ngăn nước tràn vào nhà, thấy PV, cụ tất tả ra đón. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ trải lòng về ý muốn có một căn nhà của riêng mình để sống nốt những ngày cuối đời. Do mắc một căn bệnh quái ác từ nhỏ, da dẻ cụ không bình thường, người ngoài nhìn vào không tránh khỏi sợ hãi. Không chỉ thế, căn bệnh còn khiến cụ không thể sinh con. Mặc cảm bản thân, cụ không muốn phiền hà tới ai. Hơn nữa, cụ nhận thấy không thể hòa hợp khi sống với vợ chồng ông Nam. 
Nhìn cụ vừa kể chuyện vừa quệt những giọt nước mắt, người nghe không khỏi chạnh lòng. Kể từ lúc người cháu nhận phần đất tái định cư của mình và xây nhà để ở, cụ đã sống “mòn” ở đây trong điều kiện thiếu thốn cả điện lẫn nước. Cụ qua ngày bằng những lon gạo của bà con thôn xóm và những người thân trong gia đình. “Dù có những người họ hàng muốn đón tôi về chăm sóc nhưng tôi nhất quyết bám lại mảnh đất hương hỏa để chờ một sự công bằng về cả tình và lý” - cụ Dóc quả quyết như thế.
Đem nguyện vọng của cụ Dóc đến gặp UBND TP.Hưng Yên, các lãnh đạo đều “có lịch họp”, chưa thể tiếp nhóm PV. 
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm