Bức xúc vì cho rằng bác sỹ Phan Nguyễn Huỳnh Châu (Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế) và kíp trực thiếu trách nhiệm dẫn đến cái chết của cháu bé con sản phụ Huỳnh Thị Diệu Thảo (23 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình có đơn yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm. Gần một tháng trôi qua nhưng vẫn chưa có kết luận.
Giám đốc bệnh viện “mong các nhà báo thông cảm”
Trước cái chết thương tâm của trẻ sơ sinh con chị Thảo, nhiều phóng viên gọi điện thoại vào số máy di động của ông Lý Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế để đăng ký xác minh sự việc, nhưng ông Thắng không nghe máy. Gọi điện thoại cho bà Châu xác minh thông tin, bà này cũng từ chối trả lời báo chí. Tới bệnh viện, mới được Trưởng phòng tổ chức hành chính cho biết, Sở Y tế (được ủy quyền của Bộ Y tế) và Cục Y tế Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bệnh viện TW Huế đã đến điều tra nguyên nhân và “khi nào nhận được kết luận, sẽ thông tin đến báo chí”.
Người mẹ hỏi “trời” vì sao con chết
Ngày 4/7/2014, trong cái nắng trưa gay gắt, chúng tôi tìm về nhà anh Tùng ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Có đông đủ bà nội, cha mẹ chồng và chồng chị Thảo, nhưng không khí quạnh hiu, buồn bã. Mặt mũi ai nấy đều u uất. Chồng Thảo cho hay, vợ mình đang tịnh dưỡng tại nhà mẹ ruột. Anh phải chạy qua chạy lại, hết động viên vợ, lại động viên bà nội đã già yếu, sau cú sốc sức khỏe càng yếu hơn. Bà nội chị Thảo vừa tấm tức khóc, vừa nói: “Mấy cô chú đến gặp cháu dâu tui đi, cho nó được nói lên mọi điều uất ức trong lòng”. Chúng tôi theo anh Tùng ngược nắng, ngược chặng đường 20 km, đến nhà mẹ ruột chị Thảo ở thị xã Hương Trà.
Chị Thảo không thể ngồi dậy được, nằm như bất động, mặt đờ đẫn chất chứa một nỗi đau quá sức chịu đựng. Mấy phút trôi qua, nước mắt nối nhau lặng lẽ, làm nhạt nhòa gương mặt nhợt nhạt, chiếc gối loang lổ. Mẹ chị ngồi cạnh con ảo não: “Từ khi về nhà đến giờ con tui chẳng ăn uống được gì cả. Mỗi bữa chỉ một chút cháo. Thỉnh thoảng nó lại khóc la lên “trả con cho tui, trả con cho tui”.
Thật lâu sau, chị Thảo mới yếu ớt kể lại, hôm sinh con, đã cảm thấy rất mệt, nhưng vẫn phải đứng ngoài hành lang, chưa được vào phòng sinh. Gọi hộ sinh Hồng và bác sỹ Châu để xin được khám thì sản phụ bị la mắng. “Họ nói chưa đẻ mô mà cứ đòi khám. Răng cứ thích leo lên (bàn để nằm khám) leo xuống mãi rứa?”. Thảo kể, cô Hồng còn liên tục nhục mạ, xúc phạm, đi kể khắp phòng rằng Thảo làm nũng chồng, làm bộ làm tịch chứ đau chi mà đau, sau đó đuổi người thân đi hết, để cô trơ trọi một mình.
Nghe bác sĩ nói vậy, sợ mũi con gãy, nên sản phụ cố sức rặn. Tới hơi thứ hai, bác sĩ mới đưa tay vào đỡ đẻ. Thảo thấy con lọt ra, nhưng không khóc. “Cô Châu quấn đứa bé vào cái khăn rồi đập (vỗ). Em thấy đầu em bé lắc qua lắc về chứ không có phản ứng chi hết. Em lo lắng hỏi, con em có việc chi không rứa. Cô nói, con em hơi yếu chút thôi, em yên tâm đi. Lúc sau em thấy mấy cô chạy tìm bình ô xy và sau đó đưa con em qua Bệnh viện Trung ương Huế”, sản phụ nhớ lại.
Kẻ đến đây chị Thảo nghẹn ngào, kéo chiếc khăn trên ngực lên che kín mặt, chừng muốn đè nén nỗi đau quá lớn. Lát sau, sản phụ uất ức kể tiếp: “Đã vậy rồi mà khi em hỏi về con, cô Châu nạt (la mắng) răng em mệt (phiền phức) rứa. Em nằm đây thì cứ yên tâm mà nằm đây đi. Bên nớ (Bệnh viện Trung ương Huế) con em có rất nhiều người nhà em lo rồi. Còn cô Hồng khi nghe em hỏi “con tui mô rồi”, vừa ngoảnh đi vừa nói “điều nớ thì em hỏi chồng em, gia đình em chứ hỏi chi tui?”. Nói như rứa có nhẫn tâm không, có vô trách nhiệm không hả trời”.
Nước mắt lại tràn xuống gương mặt vàng võ. Người mẹ mất con thốt ra hỏi “trời”. Nhưng trời không thể trả lời, mà chính những người, những cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng có câu trả lời câu hỏi đau đáu của sản phụ.